Điểm danh 6 ngân hàng TMCP báo lãi trên 10.000 tỷ đồng

07:00 | 01/11/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Top 6 ngân hàng TMCP lớn nhất hệ thống gồm: Vietcombank, VietinBank, BIDV, Techcombank, MB Bank, VPBank đều đã công báo cáo tài chính quý III/2021 với lợi nhuận trước thuế đề ghi nhận ở trên mức 10.000 tỷ đồng.

Vietcombank

Báo cáo tài chính vừa công bố của Vietcombank (mã ck: VCB) cho thấy, lợi nhuận trước thuế quý 3/2021 của ngân hàng này đạt 5.738 tỷ đồng, tăng 15,2% so với cùng kỳ . Tính lũy kế 9 tháng đầu năm, thì lợi nhuận của ngân hàng đạt 19.311 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái.

Như vậy trong cả quý 3 và 9 tháng, Vietcombank đều giữ vững ngôi vị quán quân về lợi nhuận, không thấp hơn Techcombank như dự báo.

Tại ngày 30/9/2021, tổng tài sản của ngân hàng đạt hơn 1,38 triệu tỷ đồng, tăng 4,4% so với đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 11,5% đạt 936.343 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng tăng 7,4% đạt hơn 1,1 triệu tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu tăng mạnh lên 1,16% trên tổng dư nợ.

VietinBank

Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank - CTG) công bố kết quả kinh doanh quý 3/2021 cho thấy lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 3.060 tỷ đồng, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước và cũng là quý cho kết quả thấp nhất trong 3 quý. Tuy nhiên nhờ quý 1 lãi cao nên lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, lợi nhuận trước thuế của VietinBank đạt 13.910 tỷ đồng, tăng 34,2% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, hai mảng kinh doanh quan trọng nhất đều tăng trưởng tốt. Thu nhập lãi thuần quý 3 đạt 9.872 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng thu nhập hoạt động (lũy kế tại 30/9/2021 chiếm 80%) và tăng 24% so với cùng kỳ năm trước nhờ ngân hàng tiếp tục kiểm soát tốt chi phí vốn. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ quý 3 đạt 1.154 tỷ đồng và lũy kế 9 tháng đạt 3.794 tỷ tăng 17% so với cùng kỳ năm trước.

Kết thúc 9 tháng đầu năm 2021, dư nợ cho vay khách hàng tại VietinBank đạt 1,084 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 6,8% so với đầu năm. Tiền gửi của khách hàng đạt 1,073 triệu tỷ đồng, tăng 8,3% so với đầu năm. Tổng tài sản đạt tăng xấp xỉ 8% đạt gần 1,448 triệu tỷ đồng.

BIDV

Ngân hàng TMCP Đầu tư Phát triển Việt Nam - BIDV (mã BID) cũng vừa công bố báo cáo tài chính quý 3/2021, cho thấy lợi nhuận trước thuế 9 tháng năm 2021 của ngân hàng đạt 10.733 tỷ đồng, tăng 53% so với cùng kỳ. Với mức lãi này, BIDV xếp thứ 6 hệ thống về lợi nhuận và hoàn thành 82,6% kế hoạch lợi nhuận cho năm nay (13.000 tỷ đồng).

Tại ngày 30/9/2020, tổng tài sản của BIDV tăng 11,2% lên hơn 1,68 triệu tỷ đồng, trong đó cho vay khách hàng tăng 9,4%, lên gần 1,33 triệu tỷ đồng. Huy động tiền gửi tăng 6,8%, đạt 1,3 triệu tỷ đồng. Tỷ lệ cho vay/tiền gửi của ngân hàng vẫn ở mức cao với 100%.

Về chất lượng cho vay, tính đến cuối tháng 9/2021, BIDV đang có tổng cộng 21.433 tỷ đồng nợ xấu, gần như không đổi so với đầu năm. Do tăng trưởng tín dụng ở mức khá tốt nên đến cuối tháng 9, tỷ lệ nợ xấu/cho vay giảm xuống còn 1,61%, so với mức 1,76% hồi đầu năm.

Techcombank

Ngân hàng TMCP Kỹ thương (Techcombank –TCB) vừa công bố kết quả kinh doanh quý III/2021 với lợi nhuận trước thuế quý III/2021 của ngân hàng đạt 5.562 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ năm 2020. Lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm 2021 đạt 17.098 tỷ đồng, tăng 59,6% so với cùng kỳ năm 2020.

Đến 30/9, tổng tài sản ở mức 541.635 tỷ đồng, tăng 23% so với đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng hơn 321.042 tỷ đồng, tăng 16%. Nợ xấu tăng 41% so với đầu năm lên 1.828 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu nâng từ 0,47% lên 0,57%. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu tăng 170% cuối năm trước lên 184%.

Tiền gửi của khách hàng đạt 316.376 tỷ đồng, tăng 14%. Tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) ở mức 120.464 tỷ đồng, chiếm 49% tổng tiền gửi, tăng so với mức 44% đầu năm.

MB Bank

Ngân hàng TMCP Quân đội (MBB) ghi nhận lợi nhuận trước thuế 9 tháng đạt 11.884 tỷ đồng, tăng 46% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó, lợi nhuận trước thuế của quý 3 là 3.898 tỷ đồng, tăng 29,3%.

Các mảng kinh doanh của MB đều tăng trưởng mạnh. Trong đó, thu nhập lãi thuần 9 tháng đầu năm 2021 đạt 19.029 tỷ đồng, tăng 31,4%. Lãi từ hoạt động dịch vụ tăng 21,6% đạt 3.021 tỷ đồng; lãi từ kinh doanh ngoại hối tăng 76,6% đạt 518 tỷ đồng; lãi từ mua bán chứng khoán tăng 64% đạt 1.427 tỷ, lãi từ hoạt động khác tăng tới 95% đạt 2.346 tỷ đồng.

Nhờ vậy, tổng thu nhập hoạt động 9 tháng của ngân hàng đạt 26.817 tỷ, tăng 36,5%. Chi phí hoạt động tăng 21,8% lên 8.914 tỷ đồng.

Ngân hàng đẩy mạnh trích lập dự phòng trong quý 3, tăng 101,2% so với cùng kỳ lên 1.778 tỷ. Theo đó, lũy kết chi phí dự phòng rủi ro 9 tháng đầu năm là 6.018 tỷ đồng, tăng 43,5% so với cùng kỳ.

Tại ngày 30/9/2021, tổng tài sản của Mb đạt 555.595 tỷ đồng, tăng 12,2% so với đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 12,8% lên 336.426  tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng tăng 10,6% đạt 343.949 tỷ đồng.

Nợ xấu của MB giảm nhẹ 1,9% trong 9 tháng đầu năm xuống 3.186 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay theo đó giảm từ 1,09% xuống còn 0,95%.

VPBank

Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, VPB) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III, với lợi nhuận trước thuế quý III, đạt 2.698 tỷ đồng, giảm 4,1% so với cùng kỳ. Luỹ kế 9 tháng, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 11.736 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, tỷ lệ đóng góp lợi nhuận của ngân hàng mẹ vào ngân hàng hợp nhất chiếm đến 92%, tăng so với mức 88% của 6 tháng đầu năm.

Tính đến cuối quý III, tổng tài sản của VPBank đạt hơn 479.400 tỷ đồng, tăng hơn 14% so với đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng đến cuối tháng 9 tăng hơn 9%, trong đó ngân hàng mẹ tăng hơn 15%.

Nợ nhóm 3-5 trên tổng dư nợ cho vay hợp nhất đến cuối quý III ở mức 4%, trong đó, nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) tăng mạnh nhất hơn gấp đôi cùng kỳ, nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) giảm 50%. Xét riêng ngân hàng mẹ VPBank, tỷ lệ nợ nhóm 3-5 trên tổng dư nợ đến cuối quý III ở mức hơn 2,2%.