Diễn Châu (Nghệ An): Trại tôm không phép mọc trên đất nông nghiệp
Trại tôm không phép
Theo phản ánh của một số ngư dân thuộc hai xã Diễn Thành và Diễn Kim (huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An), mấy năm gần đây tại cửa biển Lạch Vạn mọc lên một trại tôm không phép, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến quá trinh di chuyển của tàu thuyền ra vào cửa biển.
Qua tìm hiểu được biết, đây là khu vực đất 5% thuộc quản lý của chính quyền xã Diễn Kim. Gần đây UBND xã Diễn Kim cho 3 hộ gia đình trên địa bàn xã thuê lại diện tích hơn 3 ha bãi bồi cửa biển Lạch Vạn để sản xuất, trồng cây lâu năm và nuôi trồng thủy sản.
Toàn cảnh siêu trại tôm không phép nhìn từ trên cao
Thực tế cho thấy, hiện 3 hộ gia đình trên đã không thực hiện đúng cam kết hợp đồng mà còn tự ý xây dựng kiên cố, đổ đất đắp kè lấn bãi để xây dựng hồ nuôi tôm, lấn cửa biển Lạch Vạn, xả thải trực tiếp ra biển.
Sáng 6/5, phóng viên Doanh nhân Việt Nam có mặt tại khu vực Lạch Vạn, “mục sở thị” trại tôm “khủng” này. Theo đó, tại khu vực bãi bồi cửa biển Lạch Vạn có một trại nuôi tôm rộng hàng chục nghìn mét vuông, phía ngoài được bao bọc bằng hàng rào thép gai, bên trong xây dựng một dãy nhà điều hành khoảng 300m2. Có khoảng gần 30 hồ tôm rộng lớn nằm trong khuôn viên của trại.
Phía Đông trại tiim này là rừng phòng hộ chắn sóng tiếp giáp biển, phía Nam là bãi bồi cửa ra, phía Tây là Lạch Vạn và đường quốc phòng ven biển thuộc địa phận xã Diễn Thành. Phía Bắc là cổng ra vào tiếp giáp với đường vành đai biển chạy về trung tâm xã Diễn Kim.
Đổ đất lấn lạch, làm ảnh hưởng đến giao thông đường thủy tại đây
Ông B., một người dân xã Diễn Thành sinh sống bằng nghề đánh cá tại khu vực cửa biển Lạch Vạn than phiền: “Trước đây, khi chưa có trại tôm, chúng tôi đánh bắt cá ở đây rất thuận lợi, nguồn hải sản phong phú lắm. Từ khi có trại tôm mọc lên, môi trường biển ô nhiễm, hải sạn cạn kiệt”.
Cũng theo ông B., nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do trại tôm không phép xả thải trực tiếp ra môi trường mỗi lần thay nước, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, có mùi hôi thối.
Chỉ tay về phía xa, ông B cho biết “Đấy là nơi người ta đổ đất lấn ra để làm ao nuôi tôm. Sau gặp đợt bão, sóng đánh sập hết, dạt trôi hết xuống cửa Lạch Vạn. Vừa rồi trại tôm cho máy múc cát kéo lên, đắp lại bờ bao, gia cố thêm bằng cọc tre và trông thêm hàng phi lao nhỏ phía ngoài. Giờ đánh cá khu vực này chỉ có ngồi khóc thôi, tàu thuyền ra vào cảng cá cũng gặp nhiều trở ngại”.
“Ông chủ” của trại tôm không phép là ai?
Trong hợp đồng mà chính quyền địa phương cung cấp cho chúng tôi, đây là diện tích đất thuộc xã Diễn Kim cho 3 hộ dân thuê. Số diện tích đất ghi trong hợp đồng được 3 hộ gia đình thuê gồm: Ông Chu Bình 20.000m3; Ông Lê Văn Duẩn 20.000m3; Ông Nguyễn Văn Dần 18.915m3.
Tuy nhiên, người đại diện nộp tiền thuê đất cho 3 hộ gia đình lại là ông Hoàng Ngọc Ba (trú tại xã Diễn Bích). Một cán bộ tại xã Diễn Kim hướng dẫn cho phóng viên, nếu muốn liên hệ với đại diện chủ trại tôm có thể gọi cho ông Nghĩa.
Lối vào trại tôm không phép
Câu hỏi đặt ra là tại sao trong hợp đồng giao cho 3 hộ gia đình trên địa bàn xã Diễn Kim thuê đất 5% để sản xuất trồng cây và nuôi trồng thủy hải sản và không được chuyển nhượng đất được thuê dưới bất kỳ hình thức nào. Thế nhưng, người đứng ra nộp tiền thuê đất cho ba hộ dân lại là một người khác? Và người mà phía chính quyền địa phương giới thiệu cho phóng viên là một người khác? Ngoài ra, nhiều người dân đặt câu hỏi tại sao nơi đây cho tiến hành xây dựng nhiều hạng mục kiên cố trên đất nông nghiệp mà không gặp phải bất kỳ trở ngại nào.
Ông Lê Thế Hiếu Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Diễn Châu cho biết “đây là trại tôm nằm ngoài hành lang đê, chỗ này chưa có cấp phép và của mấy "sếp"… họ không khai báo và đăng ký, bên anh đã xuống và lập biên bản rồi”.
Doanh nhân Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.
Đức Thanh
Xem thêm: Tăng cường đẩy mạnh rà soát, xử lý dự án treo, xử lý dự án 'ma'