Điều chỉnh giá điện sinh hoạt: Không vì nhóm nhỏ có khả năng thanh toán cao

14:57 | 25/08/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trước, trong và sau mỗi lần điều chỉnh tăng giá điện, dư luận lại 'nóng' lên với nhiều ý kiến trái chiều. Lần này, dự thảo sửa đổi cơ cấu biểu giá bán lẻ điện mới không phải là ngoại lệ.

Nếu trước đây, các phương án đưa ra tập trung vào phương án tính giá điện theo bậc lũy tiến, thì đây là lần đầu tiên Bộ Công Thương bổ sung thêm phương án tính điện 1 giá để người dân lựa chọn.

Bộ Công Thương đang lấy ý kiến 2 phương án sửa đổi biểu giá bán lẻ điện. Phương án 1 là vẫn tính theo bậc thang nhưng giảm một bậc so với biểu giá 6 bậc hiện hành. Phương án 2 gồm 5 bậc thang và một giá điện, nhưng chia theo 2 kịch bản 2A và 2B, trong đó phương án một giá điện được tính bằng 145-155% giá bán lẻ điện bình quân, tương đương 2.703 - 2.890 đồng/kWh.

Sau hơn 1 tuần lấy ý kiến, tại cuộc họp chiều 18/8 vừa qua, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực đề xuất rút phương án 2A và 2B, trong đó có phương án 1 giá điện.

Điều chỉnh giá điện sinh hoạt: Không vì nhóm nhỏ có khả năng thanh toán cao - ảnh 1

Mỗi phương án giá điện đều có ưu nhược điểm riêng, việc đưa ra 2 phương án cho người dân lựa chọn được giới chuyên gia đánh giá tốt. Ảnh minh họa: EVN

Theo báo Thanh Niên, với phương án 1 giá, mức giá bán lẻ được đưa ra bằng 145% và 155% so với giá bình quân.

Theo Bộ Công Thương, thực hiện phương án 1 giá thì toàn bộ khách hàng sử dụng điện dưới 200 kWh, số lượng khoảng trên 18,7 triệu khách, chiếm tỉ lệ xấp xỉ 75% tổng số khách hàng hiện nay, sẽ phải trả tiền điện thêm từ 19.000-39.000 đồng. Ngoài ra, không thực hiện được mục tiêu tiết kiệm điện.

Đây là nguyên nhân chính khiến nhiều người dân, chuyên gia phản đối phương án điện 1 giá. Bởi họ cho rằng, điện 1 giá mà tăng 1-1,5 lần so với mức giá bình quân là quá cao. 

Với phương án 5 bậc giá, Bộ Công Thương rút xuống từ 6 bậc, nhưng giá điện tại từng bậc lại tăng cao hơn. Chẳng hạn, ngay từ bậc 2, với hộ dùng từ 101 kWh trở lên đã áp giá cao hơn giá điện bình quân 8%, nên tính ra người dùng sẽ phải trả cao hơn so với cách tính hiện tại trên cùng 1 số lượng điện tiêu thụ.

Tương tự, giá điện 1 bậc lại áp giá bình quân cao hơn giá bình quân hiện tại từ 1,5-2 lần, người tiêu dùng chọn trả bằng giá điện bình quân cũng thiệt hơn so với hiện nay. 

Sau khi có ý kiến đóng góp từ dư luận, Cục Điều tiết điện lực cho rằng, nhiều ý kiến đóng góp là xác đáng và qua nghiên cứu, xin đề xuất bỏ phương án 2A và 2B, chỉ còn lại phương án 1 tính giá điện theo 5 bậc.

"Dù 2 phương án này ưu việt, cho khách hàng có thêm sự lựa chọn, nhưng không khuyến khích được khách hàng tiết kiệm điện. Cục kiến nghị cho rút khỏi dự thảo phương án 2A và 2B, chỉ đề xuất 1 phương án giảm 6 bậc hiện tại xuống 5 bậc, và điều chỉnh các bậc cho phù hợp",  ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực nói.

Trao đổi với phóng viên VTV, PGS.TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế nhận định, việc Bộ Công Thương đưa ra các phương án tính giá điện cho người tiêu dùng lựa chọn là thiện chí của Bộ Công Thương để người tiêu dùng lựa chọn phương án tối ưu nhất. Với phương án điện 1 giá và phương án bậc thang lũy tiến 5 bậc đều có ưu nhược điểm khác nhau.

"Phương án điện 1 giá chưa thực hiện được chính sách an sinh xã hội và chưa khuyến khích được việc người dân sử dụng tiết kiệm điện. Tuy nhiên, nó thể hiện sự minh bạch rất rõ ràng.

Với phương án bậc thang lũy tiến thể hiện chính sách an sinh xã hội, khuyến khích người dân sử dụng điện", ông Long bày tỏ quan điểm.

Báo Lao Động đưa tin, trong một chia sẻ quan điểm của mình, nguyên Cục trưởng Cục Giá (Bộ Tài chính), Chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam - TS. Nguyễn Tiến Thỏa đưa ra nhận định: Nếu áp dụng một giá, người dùng ít sẽ phải trả tiền tăng, người dùng nhiều sẽ giảm được chi phí so với cách tính 6 bậc như hiện tại.

"Lý do rất đơn giản là giá bậc thấp hơn giá bình quân phải kéo lên bằng giá bình quân, bậc đang cao hơn giá bình quân phải kéo xuống bằng giá bình quân để thực hiện bán một giá", TS. Nguyễn Tiến Thỏa nhận xét.

Để diễn giải quan điểm của mình,  TS. Nguyễn Tiến Thỏa đưa ra một bản tính toán đơn giản về tiền, không bàn đến chính sách giá điện và các vấn đề khác và chỉ mang tính chất tham khảo giúp mọi người có thêm thông tin lựa chọn. Ví dụ bản tính cho 1 hộ dùng điện sinh hoạt 1 tháng:

Nếu dùng 100 kWh thì một giá so với giá bậc thang phải trả thêm 19.000 đồng (tăng 11,2%); Nếu dùng 200 kWh phải trả thêm 74.000 đồng (tăng 1,98%).

Tuy nhiên, khi dùng nhiều điện hơn thì tiền lại giảm, cụ thể: Nếu dùng 300 kWh thì giảm 56.500 đồng (0,9%); Nếu dùng 400 kWh thì giảm 149.200 đồng (16,44%); Nếu dùng 600 kWh thì giảm 455.000 đồng (28,57%); Nếu dùng 700 kWh thì giảm 458.000 đồng (25,6%); Nếu dùng 1000 kWh thì giảm 767.200 đồng (28,79%).

Trao đổi với Lao Động, TS. Nguyễn Tiến Thỏa cho rằng, việc làm chính sách phải tập trung vào số đông người thụ hưởng làm sao để hợp lý nhất chứ vì một nhóm nhỏ hơn nhưng có khả năng thanh toán cao thì không nên. Vì thế việc đưa ra phương án để người dân lựa chọn là hợp lý.

Rõ ràng, người tiêu dùng được lựa chọn và lựa chọn nào thông minh nhất phải căn cứ vào nhu cầu tiêu thụ thực tế. Nhóm đối tượng có điều kiện thấp, trung bình tiêu thụ điện năng ít, có thể lựa chọn phương án nhiều bậc giá. Nhóm đối tượng thường xuyên tiêu thụ nhiều điện năng, chọn lựa phương án điện một giá xem ra có phần tích cực hơn.

Cũng bàn về biểu giá điện mới này, trong cuộc trao đổi với báo Hải Quan, TS. Ngô Đức Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Năng lượng, nguyên Cục trưởng Cục An toàn Kỹ thuật môi trường (Bộ Công Thương) nhìn nhận, việc áp dụng giá điện 5 bậc có cải tiến hơn lũy tiến 6 bậc, song chưa chứng minh được sự cốt lõi là phải đảm bảo giá điện bình quân không thay đổi.

Ông Lâm đề xuất phương án lũy tiến theo 3 bậc là: Bậc thấp hơn giá điện bình quân (từ 0 – 100 kWh); bậc bằng giá điện bình quân (từ 100 – 400 kWh) và bậc cao hơn giá điện bình quân (từ 401 kWh trở lên).

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam nhấn mạnh: "Cần rút 6 bậc thang hiện nay xuống còn 3, 4 hoặc 5 bậc, tốt nhất là 3 bậc; ghép các bậc lại với nhau để tăng khoảng cách tiêu thụ điện hợp lý, phù hợp với tình hình thực tế sử dụng điện hiện nay giữa các nhóm khách hàng dùng điện. Đồng thời, giải thích rõ ràng về phương pháp sắp xếp bậc, cơ sở và các căn cứ sắp xếp khoảng các giữa các bậc".

Không ít chuyên gia đánh giá, phương án lũy tiến 3 bậc có thể ưu tiên đảm bảo tính toán đủ chi phí trong sản xuất kinh doanh của ngành điện đảm bảo có lãi, đảm bảo kinh phí tài chính hoạt động của doanh nghiệp; đồng thời minh bạch, rõ ràng, dễ tính toán…

Rất khó để có được một phương án giá điện nhận được sự đồng thuận của tất cả các thành viên trong xã hội vì mỗi người đứng trên một quan điểm riêng, thuộc về một nhóm đối tượng riêng, với những lợi ích khác nhau. 

Tuy nhiên, điều mà dư luận quan tâm là việc tính toán giá bán loại hàng hóa đặc biệt này dựa trên những tiêu chí nào và những tiêu chí đó phải được công khai, minh bạch, công bố rõ ràng. Bởi đây sẽ là căn cứ để xã hội giám sát được tính hợp lý, sự hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước, người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Lệ Vỹ (T/h)