DNNN không có đủ quyền tự chủ để vận hành theo cơ chế thị trường
20:32 | 12/06/2019
Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Đó là đánh giá của TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tại hội thảo “Kinh tế nhà nước và cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước: Thực hiện 2011-2020 và kiến nghị quan điểm, phương hướng đến năm 2030”.
Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM cho biết: Chúng ta cần đánh giá lại kinh tế Nhà nước cũng như đánh giá việc thực hiện cơ cấu lại khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN), vai trò đóng góp của kinh tế nhà nước trong phát triển kinh tế-xã hội thực sự có mang lại hiệu quả hay không? Bên cạnh đó, xem xét hoạt động của DNNN và quyền tự chủ của họ. Hiện nay, doanh nghiệp tư nhân thường nói không được đối xử bình đẳng, còn DNNN cho rằng, các chính sách chưa thực sự phát triển.
Tuy nhiên, thông qua tiếp xúc với doanh nghiệp (DN) nhiều thành phần, ông Cung nhận thấy cả khối DNNN lẫn khối tư nhân “ai cũng mong được như khối bên kia, nghĩa là cả hai cùng không phát triển được như mong muốn”. Còn riêng với khối DNNN, ông Cung nhận định, DNNN không có đủ quyền tự chủ để vận hành theo cơ chế thị trường. Mặc dù Luật Doanh nghiệp đã quy định DNNN có đầy đủ các quyền như Công ty TNHH một thành viên tư nhân, nhưng trên thực tế, quyền tự chủ của DNNN bị hạn chế bởi nhiều lý do.
Đánh giá vai trò của kinh tế Nhà nước giai đoạn 2011-2020, ông Phạm Đức Trung, Trưởng ban Nghiên cứu cải cách và phát triển DN của CIEM cho rằng, nhìn trên tổng thể kết quả thực hiện, vai trò của kinh tế Nhà nước chưa rõ nét trong việc dẫn dắt, tạo động lực phát triển đối với nền kinh tế và là lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước định hướng và điều tiết nền kinh tế.
Ông Trung cho biết thêm, đối với việc cổ phần hóa, thoái vốn, mặc dù vẫn có thể hoàn thành kế hoạch số lượng cổ phần hóa đến năm 2020 nhưng chắc chắn sẽ không hoàn thành nhiều mục tiêu quan trọng như thu hút đầu tư xã hội, dẫn tới vẫn phải duy trì cổ phần nhà nước ở mức cao; chưa thể rút vốn Nhà nước để đầu tư vào ngành, lĩnh vực cần tới vai trò của kinh tế nhà nước, của doanh nghiệp nhà nước. Và vì vậy, chưa đạt được mục tiêu “doanh nghiệp Nhà nước có cơ cấu hợp lý hơn”. Vốn Nhà nước còn hiện diện ở hầu hết các ngành kinh doanh trong nền kinh tế.
Vị Trưởng ban Nghiên cứu cải cách và phát triển DN của CIEM cũng chỉ ra nguyên nhân chính của tái cơ cấu DNNN còn chậm chủ yếu là do những tồn tại của thể chế và pháp luật. Quản lý của chủ sở hữu Nhà nước còn chưa tách bạch giữa quản lý thuộc chức năng sở hữu và quản lý Nhà nước, tiềm ẩn nguy cơ đối xử bất bình đẳng và hạn chế cạnh tranh trên thực tế. Bên cạnh đó, trong quá trình sản xuất kinh doanh, DNNN phải xin ý kiến của nhiều cơ quan nhà nước do cơ chế đặc thù về thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu. Quy định này dẫn tới tình trạng cơ quan nhà nước quyết định rất nhiều vấn đề kinh doanh của doanh nghiệp. DNNN đồng thời phải chịu nhiều ràng buộc từ quy định và cơ chế quản lý (như ràng buộc về bổ nhiệm người quản lý, lao động, tiền lương, quản lý tài chính…).
Ông Trung cho rằng, quy định chặt chẽ là cần thiết trong bối cảnh cơ cấu lại, tránh thất thoát tài sản nhà nước, nhưng về lâu dài và dưới góc độ quản trị doanh nghiệp hiện đại, đây lại là yếu tố làm giảm quyền tự chủ của DNNN so với DN khác.
Do đó, để nâng cao hiệu quả của kinh tế nhà nước trong thời gian tới, ông Phạm Đức Trung cho rằng, Việt Nam cần cụ thể vai trò của kinh tế nhà nước. Theo đó, cần đảm bảo hệ thống kết cấu hạ tầng và dịch vụ công cần thiết cho mọi hoạt động kinh doanh của các thành phần kinh tế khác; đảm bảo quốc phòng, an ninh quốc gia và môi trường kinh doanh an toàn cho các chủ thể kinh tế; phân bổ các tài sản sở hữu toàn dân cho các chủ thể kinh tế quản lý, sử dụng theo nguyên tắc cạnh tranh, bình đẳng, hiệu quả…
Còn theo TS. Trần Tiến Cường, chuyên gia kinh tế, quan điểm cơ cấu lại nguồn lực đầu tư đối với DNNN và đơn vị kinh tế nhà nước cần có cách tiếp cận khác nhau, phù hợp với mỗi loại doanh nghiệp. Theo đó, cần tăng cường sử dụng các chính sách vĩ mô do Nhà nước ban hành thay cho việc sử dụng DNNN làm công cụ điều tiết vĩ mô; chỉ sử dụng DNNN như là công cụ hỗ trợ cùng với công cụ chính sách để điều tiết vĩ mô và phải minh bạch hóa, thể chế hóa vai trò này của DNNN.
Bên cạnh đó, ông Cường nhấn mạnh Nhà nước cần đặc biệt tăng cường việc giám sát, kiểm toán của chủ sở hữu nhà nước đối với vốn, tài sản nhà nước; tăng cường năng lực phân tích, đánh giá, phát hiện, cảnh báo các vấn đề của DNNN.