Doanh nghiệp du lịch Ninh Bình cần chuẩn bị tốt các điều kiện, sẵn sàng đón khách trở lại
Hoạt động du lịch trầm lặng vì đại dịch
Phát triển du lịch lâu nay được xem là thế mạnh của tỉnh Ninh Bình, bởi tỉnh này có nguồn tài nguyên du lịch phong phú và đa dạng, cùng với chiến lược xây dựng nhiều loại hình và sản phẩm du lịch đặc sắc như du lịch tâm linh, văn hóa - lịch sử, sinh thái, nghỉ dưỡng, cộng đồng, di sản. Nhiều sản phẩm du lịch của Ninh Bình được du khách trong nước và quốc tế đánh giá cao như khu du lịch Tam Cốc, khu du lịch sinh thái Tràng An, Khu di tích lịch sử, văn hóa Cố đô Hoa Lư....
Hiệu quả kinh tế du lịch tăng mạnh những năm gần đây và được thể hiện sinh động ở số lượng khách tham quan, tổng doanh thu từ dịch vụ du lịch. Theo số liệu của Sở Du lịch, năm 2019, khách du lịch đến Ninh Bình đạt 7,65 triệu lượt khách, tăng 4,79% so với năm 2018.
Trong đó, khách nội địa đạt 6,68 triệu lượt khách, khách quốc tế 970.000 lượt khách, tăng gần 11% so với cùng kỳ năm 2018. Doanh thu du lịch đạt 3.600 tỷ đồng.
Tuy nhiên, bắt đầu từ năm 2020, khi dịch COVID-19 xuất hiện tại Việt Nam, du lịch tỉnh Ninh Bình là một trong những lĩnh vực bị tác động mạnh nhất. Hoạt động du lịch trở nên trầm lắng, các khu, điểm du lịch vắng khách. Toàn tỉnh có 25 đơn vị lữ hành, trong đó có 3 đơn vị kinh doanh lữ hành quốc tế. Trong đợt dịch COVID-19 thứ nhất diễn ra đầu năm 2020 đã làm cho hơn 90% khách hủy tour.
Năm 2020, dịch vụ du lịch Ninh Bình giảm mạnh cả về lượng khách và doanh thu. Toàn tỉnh ước đón 2,8 triệu lượt khách, đạt 37% so với năm 2019, doanh thu đạt 1.600 tỷ đồng, đạt 45% so với năm 2019.
Đến năm 2021, hoạt động du lịch của tỉnh Ninh Bình tiếp tục chịu ảnh hưởng nặng nề do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, nhất là từ khi đợt dịch lần thứ 4 bùng phát, số lượng ca nhiễm tăng lên từng ngày với biến chủng mới có khả năng lây lan nhanh và phức tạp hơn.
Từ đầu năm 2021 đến nay, để đảm bảo công tác phòng chống dịch, UBND tỉnh Ninh Bình đã có quyết định tạm dừng mở cửa đón khách tại các khu, điểm du lịch ở một số thời điểm. Do vậy, lượng khách và doanh thu du lịch càng giảm mạnh. Tổng số lượng khách đến các điểm tham quan, du lịch trên địa bàn toàn tỉnh Ninh Bình 8 tháng năm nay ước đạt trên 925,7 nghìn lượt, giảm 50,4% so với 8 tháng năm 2020. Doanh thu du lịch ước thực hiện trên 588,6 tỷ đồng, giảm 44,7% so với cùng kỳ năm trước.
Đổi mới để thích nghi
Để du lịch khởi động trở lại khi tình hình dịch COVID-19 ổn định, tỉnh Ninh Bình đang tập trung đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá hình ảnh và chuẩn bị tốt nhất các điều kiện phục vụ du khách.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà ngành Du lịch Ninh Bình đang triển khai trong thời điểm hiện nay là tổ chức quảng bá du lịch qua hình thức online. Bắt đầu từ ngày 19/9 vừa qua, Trung tâm đã triển khai chương trình "Khám phá điểm đến Ninh Bình cùng hướng dẫn viên online" nhằm quảng bá, giới thiệu về hình ảnh, giá trị của các điểm đến nổi bật nhất của Ninh Bình thông qua các kênh mạng xã hội như: Facebook, Zalo, Instagram, Tiktok, Youtube.
Qua chương trình sẽ cung cấp những kiến thức, kinh nghiệm khi tới các điểm đến để du khách có thể cân nhắc lựa chọn khi hoạt động du lịch tái khởi động trở lại. Cũng qua chương trình sẽ giúp du khách có cơ hội trải nghiệm, thư giãn trong những ngày nghỉ, giảm bớt căng thẳng, lo âu trong mùa dịch.
Ngoài ra, thông qua chương trình nhằm giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn, lòng yêu nước, tự hào dân tộc, nhớ ơn các vị anh hùng dân tộc có công dựng nước, giữ nước. Đối với các doanh nghiệp dịch vụ du lịch tỉnh Ninh Bình sẽ có cơ hội quảng bá sản phẩm của mình tới du khách trong nước và quốc tế.
Theo kế hoạch, chương trình "Khám phá điểm đến Ninh Bình cùng hướng dẫn viên online" được triển khai từ ngày 19/9 - 26/12. Các tour du lịch trực tuyến diễn ra cố định vào sáng Chủ nhật hàng tuần, mỗi tour kéo dài 45 phút. Sau chương trình đầu tiên với tên gọi "Khám phá Cố đô Hoa Lư", hàng loạt điểm đến nổi tiếng sẽ tiếp tục "lên sóng" như đền Thái Vi, khu du lịch Tam Cốc - Bích Động, khu du lịch sinh thái Tràng An, khu du lịch Hang Múa, Vườn Quốc gia Cúc Phương, Khu du lịch tâm linh núi chùa Bái Đính, vườn chim Thung Nham, nhà thờ đá Phát Diệm… Nhiều món ngon và đặc sản của Ninh Bình như dê ủ chấu, nem Yên Mạc, mắm tép, miến lươn, canh cá rô Tổng Trường… cũng sẽ được giới thiệu trong các tour du lịch này.
Cùng với triển khai chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch, ngành Du lịch Ninh Bình và các doanh nghiệp đang tập trung xây dựng kịch bản phục hồi du lịch khi điều kiện cho phép. Đồng thời quan tâm phát triển sản phẩm du lịch dựa trên việc khai thác các giá trị di sản, văn hóa truyền thống một cách bền vững nhằm tạo ra những sản phẩm mang dấu ấn riêng của địa phương và phù hợp với nhu cầu của các thị trường khách, đặc biệt là khách nội địa.
Đối với doanh nghiệp khai thác tại các khu, điểm du lịch hiện đang tập trung nâng cấp các điều kiện để sẵn sàng đón khách quay trở lại với Ninh Bình. Điển hình như khu du lịch sinh thái Thung Nham trồng thêm hoa, cây xanh, cây ăn quả nhằm tạo điểm nhấn cho cảnh quan môi trường, khu du lịch Hang Múa đang chỉnh trang đầm sen, thay mới các cây xanh từ cổng vào, Vườn Quốc gia Cúc Phương xây dựng tour du lịch trải nghiệm thả động vật về rừng.
Chia sẻ với phóng viên, anh Phạm Tuấn Anh, Giám đốc khách sạn Garden tại Ninh Bình cho biết: “ Để đón khách du lịch trở lại chúng tôi tập trung cao cho việc chỉnh trang về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đào tạo và nâng cao trình độ nghiệp vụ của nhân viên. Đồng thời, chuẩn bị để mang đến sản phẩm, dịch vụ tốt nhất cho du khách, các ngành, địa phương, các cơ sở dịch vụ du lịch, khu, điểm du lịch cũng thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định, đảm bảo an toàn cho người lao động và du khách khi hoạt động du lịch”.