Thời cơ để các doanh nghiệp công nghệ số đầu tư tại Ninh Bình
Tập trung phát triển 4 loại doanh nghiệp công nghệ số
Nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Ninh Bình từng bước làm chủ về công nghệ, chủ động tiếp cận, xây dựng các sản phẩm và sáng tạo các dịch vụ, giải pháp, mô hình kinh doanh mới dựa trên nền tảng công nghệ số, tạo ra các sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số tỉnh Ninh Bình nhanh, bền vững, phục vụ nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân trên địa bàn tỉnh này.
Đồng thời, xác định cụ thể nội dung công việc, thời hạn, tiến độ và trách nhiệm cho các cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả, đồng bộ với các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp được giao tại Chỉ thị số 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Ninh Bình vừa ban hành Kế hoạch số 142/KH-UBND phát triển doanh nghiệp số trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021 - 2025 và 2026 - 2030.
Theo đó, tỉnh Ninh Bình sẽ thúc đẩy việc hình thành và phát triển doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn tỉnh này, tạo điều kiện thuận lợi để ứng dụng thành quả của Cuộc cách mạng lần thứ tư vào sản xuất kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh này. Trong đó tập trung phát triển 04 loại doanh nghiệp công nghệ số.
Đầu tiên, là các doanh nghiệp thương mại, dịch vụ lớn trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội chuyển hướng hoạt động sang lĩnh vực công nghệ số, đầu tư nghiên cứu công nghệ lõi. Thứ hai, là các doanh nghiệp công nghệ thông tin đã khẳng định được thương hiệu đảm nhận các sứ mệnh tiên phong nghiên cứu, phát triển, làm chủ công nghệ số và chủ động trong sản xuất. Thứ ba, là các doanh nghiệp khởi nghiệp ứng dụng công nghệ số để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới trong các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội. Thứ tư, là các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo về công nghệ số.
Đồng thời, tỉnh Ninh Bình sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp công nghệ số ứng dụng thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào sản xuất, kinh doanh, thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh này.
Tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số được hưởng các chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật, củng cố nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, năng lực và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp công nghệ số trong tất cả các ngành, nghề, lĩnh vực. Đồng thời, Ninh Bình cũng hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận mạng lưới chuyên gia, các nhà tư vấn, các nền tảng số để thúc đẩy chuyển đổi số.
Cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp
Theo kế hoạch, đến năm 2025, định hướng, hỗ trợ các doanh nghiệp gia công, lắp ráp trong lĩnh vực công nghệ thông tin, điện tử - viễn thông trên địa bàn tỉnh Ninh Bình chuyển dịch sản xuất kinh doanh từ bị động về công nghệ số sang chủ động nghiên cứu, phát triển và cung cấp các sản phẩm công nghệ số; phấn đấu giai đoạn 2021 - 2025 có ít nhất 02 doanh nghiệp công nghệ số thành lập mới, 03 doanh nghiệp chuyển đổi sang công nghệ số trong tất cả các ngành, nghề, lĩnh vực.
Phấn đấu đến năm 2030, toàn tỉnh Ninh Bình có ít nhất 10 doanh nghiệp công nghệ số đáp ứng yêu cầu hỗ trợ xây dựng đô thị thông minh, chính quyền số, phát triển kinh tế số, ứng dụng thành tựu công nghệ số rộng khắp trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội và thực hiện chuyển đổi số của tỉnh Ninh Bình, giai đoạn 2026-2030 trên địa bàn tỉnh này có tối thiểu 05 doanh nghiệp công nghệ số thành lập mới và trên 12 doanh nghiệp chuyển đổi sang công nghệ số trong tất cả các ngành, nghề, lĩnh vực.
Để phát triển doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021 - 2025 và 2026 - 2030, UBND tỉnh Ninh Bình đề ra một nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Đó là thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp trong tỉnh về phát triển doanh nghiệp công nghệ số, tuyên truyền chiến lược “Make in Viet Nam” để các doanh nghiệp công nghệ số thực hiện tốt chiến lược này, tổ chức tuyên truyền đổi mới nhận thức, tư duy cho đội ngũ cán bộ, công chức về phát triển và ứng dụng công nghệ số trong quản lý nhà nước, trong phát triển kinh tế - xã hội, tích cực sử dụng sản phẩm của doanh nghiệp công nghệ số của tỉnh và của Việt Nam trong hoạt động của cơ quan, tổ chức.
Tiếp đến tỉnh Ninh Bình sẽ xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp về thủ tục tiếp cận, gia nhập thị trường; hỗ trợ trong việc tạo ra các môi trường thử nghiệm cho các mô hình kinh doanh mới, sản phẩm mới ứng dụng công nghệ số tại Ninh Bình. Cụ thể như, cho phép các doanh nghiệp thử nghiệm các phát kiến đổi mới trong điều kiện thị trường thực tế của tỉnh này.
Đồng thời, về phát triển doanh nghiệp công nghệ số, tỉnh Nình Bình sẽ định hướng, hỗ trợ tối thiểu 1 đến 3 doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn phát triển sản phẩm số trọng điểm của tỉnh này, trở thành trụ cột của hệ sinh thái doanh nghiệp công nghệ số Ninh Bình trước năm 2025.
Tỉnh Ninh Bình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số, bằng cách tổ chức đào tạo, tập huấn, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp nhỏ và vừa về chuyển đổi số, hỗ trợ tư vấn về chiến lược, kế hoạch chuyển đổi của doanh nghiệp, tổ chức triển khai các hoạt động của mạng lưới chuyên gia chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh; tổ chức hội thảo và các hoạt động khác.
Tỉnh Ninh Bình cũng sẽ chú trọng phát triển các hình thức đào tạo, thu hút nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp công nghệ số và chuyển đổi số trong doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Để triển khai có hiệu quả Kế hoạch phát triển doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021 - 2025 và 2026 - 2030, UBND tỉnh Ninh Bình yêu cầu các tập đoàn, doanh nghiệp lớn có chi nhánh tại Ninh Bình nghiên cứu, phát triển và sản xuất các sản phẩm công nghệ số trọng điểm của tỉnh này, đặc biệt là về y tế, giáo dục, văn hóa, du lịch, môi trường, đô thị, giao thông, nông nghiệp, công nghiệp và thương mại.
Tăng cường đặt hàng nghiên cứu đối với các trường: Đại học, cao đẳng, cơ sở nghiên cứu, đào tạo trong và ngoài tỉnh Ninh Bình để tạo ra giải pháp công nghệ số phục vụ hoạt động của doanh nghiệp, các doanh nghiệp phần mềm, nội dung số chủ động nghiên cứu, phát triển và cung cấp các sản phẩm công nghệ số, các doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ và các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo chủ động sử dụng giải pháp nền tảng công nghệ số Việt Nam, cung cấp giải pháp công nghệ số phục vụ phát triển mọi lĩnh vực về đời sống, kinh tế - xã hội của tỉnh Ninh Bình. Đồng thời, yêu cầu các doanh nghiệp công nghệ số không ngừng nâng cao năng lực chuyên môn của đội ngũ lao động nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của doanh nghiệp.
UBND tỉnh Ninh Bình giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, làm đầu mối tại địa phương để tham mưu việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện các hoạt động hỗ trợ, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số và chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh này, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư và các đơn vị liên quan để thực hiện việc điều phối, tổ chức hoạt động tư vấn, hỗ trợ cho doanh nghiệp công nghệ số, doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số.
Sở Thông tin và Truyền thông Ninh Bình chủ trì thực hiện công tác tuyên truyền và hoàn thiện và triển khai đầy đủ, kịp thời các cơ chế, chính sách nhằm triển khai có hiệu quả Kế hoạch phát triển doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021 - 2025 và 2026 - 2030.
Sở Thông tin và Truyền thông Ninh Bình sẽ chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông triển khai mạng viễn thông 5G khi có kế hoạch, bảo đảm hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông đáp ứng yêu cầu áp dụng công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư của tỉnh này.