Doanh nghiệp hiến kế chính sách sống chung với dịch

Theo Zingnews.vn 08:55 | 13/09/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Chuyên gia nhìn nhận chiến lược vaccine phù hợp là chìa khóa để duy trì sản xuất bền vững. Doanh nghiệp cần có mô hình phù hợp, thích ứng với tình hình dịch, điều kiện địa phương.

Với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 và các đợt giãn cách liên tiếp trong 2 năm vừa qua, các doanh nghiệp đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, dẫn tới đình trệ sản xuất, kéo theo hàng loạt hệ lụy với nền kinh tế.

Tại diễn đàn Kịch bản Kinh tế Việt Nam thường niên tổ chức ngày 9/9, các chuyên gia đã đưa ra những giải pháp giúp doanh nghiệp chủ động thích ứng và sống chung an toàn với Covid-19.

Xây dựng kịch bản ứng phó, thay đổi phương thức kinh doanh

Ông Nguyễn Thanh Ngữ, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa, đánh giá khó khăn lớn nhất đối với doanh nghiệp lúc này là vấn đề tổ chức chuỗi cung ứng hàng hóa, logistics một cách có hệ thống tổng thể, chiến lược. Đây là mắt xích quan trọng nhất để các doanh nghiệp có thể thiết kế và ổn định sản xuất.

“Doanh nghiệp mong muốn Chính phủ và các ban ngành liên quan tập trung để quy định có hệ thống, đưa ứng dụng công nghệ vào để giải quyết nhanh chóng, bớt những thủ tục rườm rà không cần thiết từ thông quan tới di chuyển trên đường”, ông Ngữ đề xuất.

Đại diện Thành Thành Công - Biên Hòa cũng chỉ ra khó khăn trong việc tiếp cận và tiến độ tiêm vaccine. Ông cho rằng cần có kế hoạch tiêm chủng cụ thể tại các tỉnh thành, mức độ ưu tiên ra sao đối với nhóm an sinh xã hội cho người dân và doanh nghiệp.

Cách thức tiếp cận sống chung an toàn với virus đòi hỏi sự chủ động và kỷ luật cao của doanh nghiệp. Ảnh: Hoàng Hà.

Về nội tại doanh nghiệp, trong giai đoạn này, doanh nghiệp cần đào tạo kiến thức và tinh thần cho nhân viên, chính sách đồng hành cùng người lao động, thiết kế các gói an sinh để người lao động không rơi vào trạng thái hoảng loạn hoặc bị cô lập. Doanh nghiệp muốn an toàn thì từng cán bộ phải an toàn, gia đình của họ phải an toàn.

Thứ hai, cần xây dựng kịch bản ứng phó cho từng bối cảnh. Cụ thể, chủ động trong mọi trường hợp và có sẵn nguồn lực và cơ sở y tế để ứng phó; chủ động rà soát lại chuỗi cung ứng trong và ngoài nước để đưa ra kế hoạch lưu trữ hàng hóa với tỷ lệ phù hợp để đảm bảo sản xuất không đứt gãy.

Thứ ba là thay đổi phương thức kinh doanh, đây được coi là điểm mấu chốt. Doanh nghiệp cần điều chỉnh cơ cấu thị trường, có nên tập trung vào thị trường nội địa hay nâng tỷ trọng xuất khẩu để tận dụng cơ hội.

Bên cạnh đó, chuyển đổi hệ thống quản lý từ phương thức truyền thống sang làm việc trên hệ thống tự động từ kho, tổ chức sản xuất hàng hóa…; chú trọng hơn vào công tác đào tạo để chuẩn bị sẵn sàng cho việc phục hồi sau dịch, bắt nhịp lại nhanh và tận dụng được cơ hội của thị trường.

Duy trì sản xuất bền vững cũng là duy trì sức khỏe của con người

Bổ sung ý kiến của ông Ngữ, bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó chủ tịch Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam, cho rằng cần trang bị cho đội ngũ của doanh nghiệp kiến thức căn bản về y tế để doanh nghiệp có thể tự xây dựng được hệ thống tại chỗ.

“Khi doanh nghiệp sản xuất gặp sự cố về y tế thì họ có thể báo ngay với chính quyền sở tại và cơ quan y tế, nhưng để đội ngũ này tới thì thời gian mất 3-5 ngày. Trong quá trình này, nếu doanh nghiệp được đào tạo và trang bị đầy đủ về cơ sở vật chất thì hoàn toàn có thể chủ động trong việc ứng phó, giống như việc sơ cứu ban đầu vậy”, bà Xuân bày tỏ quan điểm.

Chiến lược tiêm chủng vaccine hợp lý là chìa khóa để duy trì sản xuất bền vững. Ảnh: Nhật Sinh.

Về chiến lược chống dịch, Thiếu tướng, PGS TS. Nguyễn Viết Lượng, Chính ủy Học viện Quân y, cho biết hiện nay có 2 phương án: một là cố gắng làm sao để đưa virus về con số 0, hai là sẽ không bao giờ chấm dứt được virus. Khái niệm sống chung an toàn, sản xuất an toàn với Covid-19 thì chúng ta phải tiếp cận theo xu hướng thứ hai.

Thiếu tướng Lượng nhìn nhận mục tiêu đầu tiên là phải an toàn cho con người, bên cạnh đó là mục tiêu phát triển kinh tế. “Duy trì sản xuất bền vững cũng là duy trì sức khỏe của con người”, ông nói.

Hiến kế để doanh nghiệp chủ động thích ứng và sống chung với dịch Covid-19, PGS TS Nguyễn Viết Lượng cho rằng Việt Nam phải có chiến lược tiêm vaccine phù hợp để người dân có thể tiêm càng sớm càng tốt.

Ngoài ra, cần cá nhân hóa trong phòng chống dịch; 5K cũng phải linh hoạt, điều chỉnh dần; các quy định phòng chống dịch cần tính lâu dài, ổn định để các doanh nghiệp lên kế hoạch sản xuất kinh doanh.

Đồng quan điểm, PGS TS Trần Đắc Phu, Nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng, kiến nghị Nhà nước cần cập nhật và tháo gỡ ngay lập tức khó khăn cho doanh nghiệp để vừa đảm bảo phòng chống dịch nhưng không làm đứt gãy chuỗi cung ứng. Doanh nghiệp thì cần phải có mô hình an toàn, phù hợp, thích ứng trong tình hình dịch bệnh và trong điều kiện của địa phương.