Doanh nghiệp tại Tp.HCM sẽ phải đối mặt với khó khăn gì khi mở cửa trở lại?

08:56 | 12/09/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Dù háo hức trước viễn cảnh trở lại hoạt động trở lại, nhưng các doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với nhiều trở ngại.

Đại dịch COVID-19 bùng phát tại Tp.HCM đã làm cho nhiều doanh nghiệp (DN) điêu đứng. Hàng loạt doanh nghiệp lâm vào cảnh cạn vốn, hoạt động thoi thóp cầm chừng qua ngày sau khoảng thời gian giãn lên tới hơn 3 tháng. 

Do đó, thông tin thành phố quyết định mở cửa trở lại với một lộ trình cụ thể là tin không thể vui hơn đối với nhiều DN. Tuy nhiên, khi mở cửa trở lại làm sao để vượt qua nhiều khó khăn là nỗi nan giải đối với không ít doanh nghiệp. 

Nan giải bài toán lao động

Theo VnExpress, hầu hết doanh nghiệp cho biết, họ có nguy cơ thiếu hụt 30-40% lao động, thậm chí có doanh nghiệp số lượng lao động giảm tới 50% khi hoạt động lại.

Ông Trương Chí Thiện, Tổng giám đốc Vfood chia sẻ một thực tế rằng đa phần công nhân đã về quê và chưa có ý định sớm trở lại, do đó các doanh nghiệp trở lại cần sớm giải quyết vấn đề này. 

Bài toán thiếu hụt lao động không dễ giải quyết trong "một sớm một chiều". Ảnh minh họa: Báo Sài Gòn Đầu Tư

Một lãnh đạo doanh nghiệp thực phẩm ở Tp.HCM đang tiến hành 3 tại chỗ, từ đầu tháng 8, công ty đã nhiều lần vạch kế hoạch cho tình trạng "bình thường mới" tuy nhiên càng tính toán, mọi thứ càng đi chệch hướng bởi diễn biến dịch bệnh phức tạp. Người này cho biết thêm đến nay, lượng lao động tại doanh nghiệp chỉ còn khoảng 40%, cố gắng sản xuất cầm chừng cũng như không dám mơ tưởng đến chuyện mở rộng khi thành phố trở lại bình thường bởi thiếu lao động. 

Thống kê do Hiệp hội các doanh nghiệp khu công nghiệp Tp.HCM HBA tiến hành cho thấy 20.000 lao động làm việc trong các khu công nghiệp rời thành phố về quê. Hàng chục nghìn công nhân làm việc ở các khu công nghiệp và chế xuất ở Tp.HCM nhưng sinh sống ở các khu vực giáp ranh như Đồng Nai, Bình Dương, Long An... Do đó, thành phố mở cửa lại khả năng nhóm công nhân này quay trở lại cũng là dấu hỏi lại bởi chưa đủ điều kiện tiêm chủng. 

Tỷ lệ thất nghiệp cũng là vấn đề thành phố nên chú ý bởi nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra  cơ hội việc làm vốn đã suy giảm trong thời gian giãn cách, nhiều khả năng sẽ giảm mạnh hơn sau giãn cách, nhất là cơ hội việc làm với lao động tự do, kinh doanh cá thể. Vấn đề cũng bởi thành phố cũng thiếu lao động có tay nghề cao, chất lượng đáp ứng yêu cầu công việc sau giãn cách. 

Tiến độ phủ vaccine chưa đủ nhanh

Nhiều doanh nghiệp thuộc các nhóm ngành nghề khác nhau phản ánh với báo chí rằng tỷ lệ phủ vaccine dành cho người lao động rất thấp chỉ đạt từ 30-40%. Đa số công nhân chỉ mới tiêm mũi thứ nhất, nhiều lãnh đạo DN đang đề xuất tiêm mũi thứ hai mới đảm bảo được hoạt động trở lại bình thường. 

Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản (Vasep) cũng đưa ra thông tin tương tự khi  Chính phủ đã chỉ đạo đưa lực lượng công nhân tại các khu chế xuất, khu công nghiệp vào diện ưu tiên tiêm vaccine ngừa COVID-19, nhưng tới cuối tháng 8, tỷ lệ tiêm vaccine (mũi 1) cho công nhân thủy sản tại miền Nam, Đồng bằng sông Cửu Long chưa cao quá 50%, thậm chí chưa có doanh nghiệp nào được triển khai tiêm mũi 2. 

Ảnh minh họa: Trang tin điện tử Đảng Bộ Tp.HCM

Về tình hình triển khai tiêm chủng cho thành phố, hiện Tp.HCM đang là địa phương được Trung ương  ưu tiên phân bổ vaccine, tỷ lệ người dân đủ điều kiện đã được tiêm mũi 1 tính tới 8/9 là khoảng 85%. Dự kiến đến 15/9, hơn 90% người dân đủ điều kiện được tiêm mũi 1, đồng thời thành phố cũng tiêm mũi 2 cho những người đủ thời gian (có thể đạt tới 20-30%). Rõ ràng thành phố cần nhanh chóng tăng tốc phủ vaccine cho người dân để kịp với kế hoạch mở cửa trở lại bắt đầu từ 15/9 tới. 

Tp.HCM cần làm gì để tránh rơi vào tình trạng "mở rồi lại đóng"?

Theo các chuyên gia thuộc nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Kinh tế - Luật và Viện nghiên cứu Phát triển công nghệ ngân hàng thì cũng như nhiều nước trên thế giới, Chính phủ cần nhanh chóng sớm đẩy nhanh tiêm chủng trên khắp cả nước, chứ không riêng gì Tp.HCM. Đây là điều kiện mấu chốt để các doanh nghiệp có thể hoạt động lại an toàn. 

Thứ hai, thành phố cần chú ý tới xây dựng căn hộ dành cho công nhân ở các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao,... đủ điều kiện an toàn nhằm hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh, thu hút lao động ngoại tỉnh tay nghề cao sớm quay lại làm việc. 

Nhóm cũng kiến nghị thành phố cần chủ động tạo gói hỗ trợ với quy mô 22.291 tỷ đồng, tương đương 1,7% GRDP (tổng sản phẩm địa bàn) năm ngoái mới đủ lớn để tạo động lực cho hồi phục kinh tế bên cạnh nguồn hỗ trợ từ Trung ương. 

Bên cạnh đó, cần khắc phục tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng bởi thời gian vừa qua sự liên kết vùng giữa các địa phương Tp.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An chưa cao bởi  chủ yếu dựa vào "công năng của thị trường", chưa đồng bộ. Do đó, cần phòng ngừa dịch bệnh diễn ra trong tương lai cần xây dựng chương trình phát triển liên kết vùng bền vững cũng như xây dựng các kịch bản duy trì chuỗi cung ứng tùy tình hình dịch bệnh. 

Ngoài ra, trong thời gian triển khai giãn cách vừa qua, khối DN cũng chỉ ra hàng loạt những bất cập trong thực hiện chính sách, bởi ngay cả khi đã có văn bản chính thức thời gian thực hiện cũng chóng vánh, thậm chí có văn bản nhưng không thực hiện được (như sản xuất 4 xanh). Do đó, các DN trên địa bàn lo lắng rằng thành phố chỉ nói vậy nhưng triển khai là cả một câu chuyện khác. 

Các doanh nghiệp đều mong muốn các chính sách ban hành cần nhất quán tránh tình trạng “sáng nắng chiều mưa”, như việc giấy đi đường hôm trước ban hành hôm sau hết hiệu lực. Đặc biệt, việc mở cửa trở lại nền kinh tế của Tp.HCM là vô cùng quan trọng, ảnh hưởng rất lớn các tỉnh/thành phía Nam, không thể để tình trạng "mở rồi lại đóng", như vậy mới tạo sự thông suốt trong chuỗi cung ứng hàng hoá.

 

3 giai đoạn mở cửa của Tp.HCM

Theo đó, Giai đoạn 1, dự kiến từ 16/9-31/10, trong đó sẽ có một khoảng thời gian thử nghiệm (từ ngày 16/9 đến 30/9) ưu tiên triển khai tại các địa bàn an toàn cao như: Q.7, H.Củ Chi, H.Cần Giờ, Khu chế xuất Tân Thuận, Khu công nghệ cao...

Cá nhân, lao động có Thẻ xanh COVID có thể tham gia các hoạt động, trừ karaoke, vũ trường, quán bar, massage; dịch vụ ăn uống tại chỗ, hoạt động tại các khu vui chơi giải trí, thể dục thể thao, rạp chiếu phim, trung tâm thương mại.

Cá nhân, lao động có Thẻ vàng COVID, có xét nghiệm âm tính với COVD-19 được tham gia một số lĩnh vực cụ thể. Riêng tổ chức có 100% lao động có Thẻ xanh COVID được tham gia tất cả các lĩnh vực trừ karaoke, vũ trường, quán bar, massage; dịch vụ ăn uống tại chỗ, hoạt động tại các khu vui chơi giải trí, thể dục thể thao, rạp chiếu phim, trung tâm thương mại.

Tổ chức có 100% lao động có Thẻ xanh COVID tại bộ phận có tiếp xúc người ngoài, có lao động có Thẻ xanh COVID hoặc Thẻ vàng COVID tại các bộ phận còn lại được tham gia một số hoạt động.

Trong giai đoạn 2, dự kiến từ 31/10/2021 đến 15/1/2022, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ mở rộng các hoạt động được phép cho đối tượng có Thẻ xanh COVID gồm: trung tâm thương mại; trung tâm tập luyện thể dục thể thao; hoạt động vui chơi giải trí ngoài trời; dịch vụ ăn uống có quy mô nhỏ và đảm bảo giãn cách theo quy định (dưới 20 người).

Giai đoạn 3, dự kiến sau 15/1/2022, Thành phố Hồ Chí Minh lên kế hoạch mở cửa tất cả các hoạt động của nền kinh tế. Đối với hoạt động karaoke, vũ trường, quán bar, massage, bắt buộc người tham gia phải có Thẻ xanh COVID.