Tiềm lực của doanh nghiệp đăng ký làm Dự án KĐT hơn 1.250 tỷ ở TP.Vinh mạnh cỡ nào?

16:16 | 11/09/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Nghệ An vừa công bố kết quả mở hồ sơ đăng ký thực hiện dự án khu đô thị Bắc Nghi Kim và khu nhà ở trung tâm Nghi Kim, TP. Vinh.

Theo đó, Liên danh giữa Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Trường Sơn và Công ty Cổ phần xây dựng Phục Hưng Holdings là nhà đầu tư duy nhất đăng ký thực hiện dự án khu đô thị hơn 1.250 tỷ tại TP. Vinh, Nghệ An.

Dự án khu đô thị hơn 1.250 tỷ tại TP. Vinh, Nghệ An (ảnh minh hoạ)

Dự án khu đô thị hơn 1.250 tỷ

Tháng 8 vừa qua, Sở Kế hoạch và Đầu tư Nghệ An đã công bố danh mục dự án cần tìm nhà đầu tư, trong đó có khu đô thị Bắc Nghi Kim và khu nhà ở trung tâm Nghi Kim.

Xây dựng khu đô thị mới với quy mô khoảng 17,9ha, trong đó khu đô thị Bắc Nghi Kim 12,7ha và khu nhà ở trung tâm Nghi Kim là 5,22ha là mục tiêu của dự án. Dự án có tổng chi phí xây dựng và đền bù giải phóng mặt bằng ước tính khoảng 1.250 tỷ đồng.

Thời hạn thực hiện dự án không quá 50 năm kể từ ngày giao đất cho nhà đầu tư. Thời hạn sử dụng đất ở theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do cơ quan có thẩm quyền cấp. Tiến độ thực hiện dự án dự kiến 5 năm, kể từ ngày giao đất.

Các hạng mục đầu tư bao gồm: Khu nhà ở xã hội, khu siêu thị, dịch vụ, các công trình công cộng, các khu biệt thự vườn và nhà ở liền kề.

Hiện trạng khu đất tại vị trí thực hiện dự án đều chưa được giải phóng mặt bằng. Cụ thể, đất thuộc xã Nghi Kim chủ yếu là đất hoa màu, xã Nghi Liên là đất lúa, hệ thống tưới tiêu ở cả hai xã này đều không đồng bộ; đất dùng để xây dựng khu nhà ở trung tâm Nghi Kim chủ yếu chỉ trồng cây ngô, khoai, lạc, năng suất không cao.

Chủ đầu tư mạnh đến đâu?

Về liên danh thực hiện dự án, Công ty Cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings (HoSE: PHC) được thành lập từ năm 2002, lên sàn HNX năm 2009, chuyển sàn HoSE năm 2018 và được xem là một trong những đơn vị nhà thầu danh tiếng tại Việt Nam.

Báo cáo tài chính cho biết nửa đầu năm 2021, công ty đạt 412 tỷ đồng doanh thu hợp nhất, bằng 50% cùng kỳ năm trước, nhưng lợi nhuận sau thuế đạt 37 tỷ đồng, gấp hơn 6 lần cùng kỳ. Phục Hưng Holdings cũng đi lên đi xuống và không hề bằng phẳng. Tính từ thời điểm cáo bạch tài chính (2007) tới nay, công ty này đã trải qua những giai đoạn tăng trưởng hết sức thất thường với mức độ tăng/giảm rất mạnh.

Giai đoạn 2007 – 2010, doanh thu của Phục Hưng Holdings tăng trưởng rất nhanh với mức tăng tính bằng lần. Nhưng đến năm 2011, doanh thu lại suy giảm và cú trượt dốc này kéo dài đến tận năm 2014. Từ năm 2015, công ty lấy lại được đà tăng trưởng, doanh thu lần đầu tiên vượt ngưỡng 1.000 tỷ đồng và liên tục gia tăng vài chục % mỗi năm, nhất là giai đoạn 2017 – 2018 với tốc độ tăng hơn 40%, đạt đến đỉnh cao năm 2019 với 3.720 tỷ đồng. Song đến năm 2020 do tác động của dịch Covid-19, doanh thu lại giảm tới 58% so với năm trước, chỉ đạt 1.537 tỷ đồng.

Tỉ lệ thuận với với doanh thu, lợi nhuận gộp cũng có biến động tương đương, thời kỳ 2007 – 2011 tăng trưởng, thời kỳ 2012 – 2014 suy giảm, thời kỳ 2015 – 2019 thăng hoa và năm 2020 xuống dốc.

Xét riêng giai đoạn 2015 – 2020, biên lợi nhuận gộp của công ty cải thiện khá đáng kể, nhất là năm 2020 dù doanh thu giảm mạnh nhưng biên lợi nhuận gộp vẫn tăng và đạt mức cao nhất lịch sử, lần lượt là: 4,9%, 7,2%, 6,8%, 7,6%, 8,3% và 10,3% Tuy vậy, biên lợi nhuận gộp cũng chỉ là một niềm an ủi nhỏ, bởi lãi trước thuế năm 2020 vẫn sụt giảm rất mạnh, chỉ bằng 1/6 của năm 2019, đạt 15,8 tỷ đồng. Đây là mức lãi thấp nhất của Phục Hưng Holdings trong 6 năm qua.

Khái quát lại, có thể thấy từ sau khi hồi phục vào năm 2015, Phục Hưng Holdings có tốc độ tăng trưởng khá ấn tượng. Tuy nhiên, từ năm 2019, tốc độ tăng doanh thu và lợi nhuận đã chậm lại, dù cho đây là năm đỉnh cao của công ty.

Cụ thể, về doanh thu, năm 2019 chỉ tăng 17%, trong khi các 2 năm trước đó tăng tới 43% và 49%; về lợi nhuận, năm 2019 chỉ tăng 9%, trong khi 2 năm trước đó tăng 72% và 116%. Còn năm 2020 là một dấu lặng, cả doanh thu và lợi nhuận của Phục Hưng Holdings cùng lao dốc. Kết quả đáng buồn này khiến năm 2021, công ty chỉ dám đặt mục tiêu doanh thu 2.000 tỷ đồng, lợi nhuận gộp 120 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 36 tỷ đồng – đều là những con số khá thấp trong nhiều năm trở lại đây.

Trong khi Phục Hưng Holdings là doanh nghiệp niêm yết và được xem là một trong những đơn vị nhà thầu danh tiếng tại Việt Nam, thì Công ty Trường Sơn lại là doanh nghiệp khá "kín tiếng".

Theo tìm hiểu, Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Trường Sơn được thành lập ngày 5/4/2001 tại số 23 đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, xã Nghi Phú, TP. Vinh, Nghệ An. Ông Nguyễn Văn Khang, ông Khang cũng là người đại diện pháp luật, chủ tịch HĐQT, kiêm tổng giám đốc của doanh nghiệp này. Ông Khang nắm giữ 75,7% cổ phần tại Công ty Trường Sơn, bà Ngô Thị Hoa nắm giữ 23,3%. Cùng với ông Hoàng Bình và bà Nguyễn Thị Hường đã thoái vốn

Theo tìm hiểu, doanh thu giai đoạn 2016 – 2019 của Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Trường Sơn đã tăng gần gấp 3 lần. Nếu như doanh thu năm 2016 của doanh nghiệp này là 205 tỷ đồng thì tới năm 2017, con số này đã tăng lên 337,9 tỷ đồng. Sang năm 2018, doanh thu của công ty giảm nhẹ xuống mức 301 tỷ đồng, sau đó tiếp tục tăng lên mức 560 tỷ đồng vào năm 2019. Dù doanh thu tăng trưởng mạnh, nhưng lợi nhuận sau thuế của Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Trường Sơn lại chỉ có 15,7 tỷ đồng (2016); 1,7 tỷ đồng (2017); 1,6 tỷ đồng (2018) và 7,5 tỷ đồng vào năm 2019.

Quy mô tài sản của Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Trường Sơn cũng tăng mạnh trong giai đoạn 2016 – 2019, tương ứng từ 482 tỷ đồng lên 685 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp cũng tăng từ mức 188 tỷ vào năm 2016 lên 345 tỷ đồng vào năm 2019.

Xem thêm: Dự án di dân khẩn cấp vùng ngập lụt ở Quảng Bình sau 8 năm vẫn chưa hoàn thành