Doanh nghiệp làm nhà ở xã hội sẽ được tiếp cận gói tín dụng 55.000 tỷ đồng

Đông Bắc 07:46 | 24/02/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Các ngân hàng thương mại sẽ bố trí khoản tài chính 55.000 tỷ đồng trong tổng số 110.000 tỷ đồng cho các chủ đầu tư nhà ở xã hội (NƠXH) vay ưu đãi, để phát triển dự án.

 

Văn phòng Chính phủ vừa mới công bố Dự thảo Nghị quyết về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường BĐS phát triển lành mạnh, bền vững. Trong đó, vấn đề phát triển nhà ở xã hội được đặc biệt quan tâm, cụ thể: Trong lúc chờ Quốc hội thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi) để tháo gỡ tổng thể, đồng bộ những khó khăn, vướng mắc hiện nay trong phát triển nhà ở nói chung, phát triển nhà ở xã hội nói riêng.

 Nghị quyết đã đề nghị Quốc hội giao Chính phủ xây dựng, trình Quốc hội xem xét, ban hành “Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội” để tháo gỡ ngay một số khó khăn, vướng mắc cụ thể nhằm tạo động lực phát triển trong thời gian tới.

Đối với những nội dung vướng mắc lớn trong thời gian qua, gồm: Việc giao đất để đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội theo hướng giao đất không thu tiền sử dụng đất; Chủ đầu tư có đầy đủ quyền và nghĩa vụ như của tổ trong nước được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất (được chuyển chức nhượng NƠXH gắn liền với chuyển quyền sử dụng đất).

 

 Chính phủ đề xuất sử dụng 55.000 tỷ đồng từ các ngân hàng thương mại hỗ trợ vay ưu đãi cho chủ đầu tư nhà ở xã hội. Ảnh BĐS.

Trên cơ sở đó, Dự thảo Nghị quyết quy định, việc quy hoạch, bố trí đủ quỹ đất nhà ở xã hội đảm bảo đáp ứng nhu cầu trên địa bàn, theo chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở là trách nhiệm của UBND cấp tỉnh; Việc lựa chọn chủ đầu tư theo hướng đấu thầu theo pháp luật về đấu thầu hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội nếu có quyền sử dụng đất phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, phù hợp với quy hoạch phát triển nhà ở quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, chương trình, kế hoạch của địa phương... Đồng thời, bổ sung chính quyền địa phương và Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam được tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội tại KCN theo pháp luật về nhà ở.

Chủ đầu tư được dành toàn bộ diện tích sàn khối đế của dự án để làm sản dịch vụ - kinh doanh thương mại, dịch vụ - công cộng (y tế, giáo dục, văn hóa, thể dục thể thao và các tiện ích phục vụ cư dân); phần diện tích khối để này kinh doanh, hạch toán riêng và được hưởng toàn bộ lợi nhuận từ phần diện tích này. Đối với phần diện tích sàn làm nhà ở xã hội, chủ đầu tư được hưởng lợi nhuận định mức theo quy định của Luật Nhà ở (có lợi nhuận định mức).

Việc xác định giá bán, giá cho thuê, giá cho thuê mua nhà ở xã hội theo hướng xác định đủ chi phí bảo trì nhà ở, các chi phi để thu hồi vốn đầu tư xây dựng nhà ở, lãi vay (nếu có), các chi phí hợp lý, hợp lệ của DN (chi phi tổ chức bản hàng, chi phí quản lý, chi phí hợp lý khác), lợi nhuận định mức theo quy định của Chính phủ và không tính các khoản ưu đãi của Nhà nước.

Chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội xây dựng phương án giá đảm bảo nguyên tắc nêu trên và trình cơ quan chuyên môn của tỉnh thẩm định tại thời điểm nhà ở đủ điều kiện được bán, cho thuê, cho thuê mua theo quy định của pháp luật về kinh doanh BĐS.

Về đối tượng và điều kiện được thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội: Cho phép DN, hợp tác xã thuê nhà ở xã hội tại KCN theo pháp luật về nhà ở và cơ sở lưu trú theo pháp luật về quản lý KCN, khu kinh tế để cho người lao động trong đơn vị mình thuê lại; Cắt giảm điều kiện đối với trường hợp thuê NƠXH (chi cần là đối tượng thu nhập thấp), đổi với trường hợp mua, thuê mua nhà ở xã hội thì đảm bảo 2 điều kiện về khó khăn về nhà ở và thu nhập thấp.

Đáng chú ý, Dự thảo Nghị quyết cũng đưa ra các nội dung quy định về nguồn vốn phát triển nhà ở xã hội, đề xuất Quốc hội, Chính phủ dành gói tín dụng khoảng 110.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 10% nhu cầu vốn của giai đoạn 2022 - 2030) cấp cho các ngân hàng thương mại để cho các dự án NƠXH, nhà ở công nhân vay theo phương thức tái cấp vốn (giống gói 30.000 tỷ đồng đã thực hiện rất tốt trong giai đoạn 2013 - 2016 trước đây).

“Trong đó, dành khoảng 50% gói tín dụng, tương đương 55.000 tỷ đồng cho chủ đầu tư dự án vay ưu đãi và khoảng 50% gói tín dụng, tương đương 55.000 tỷ đồng cho khách hàng cá nhân là người mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân”- dự thảo nêu rõ.

Khơi thông dòng vốn cho nhà ở xã hội

Việc sửa Luật Nhà ở là cấp bách bởi nhiều quy định đã không còn phù hợp. Bên cạnh đó, việc khơi thông nguồn vốn cho nhà ở xã hội cũng là vấn đề rất quan trọng.

Thông tin về gói tín dụng 120.000 tỷ cho doanh nghiệp, người mua nhà ở xã hội vay được đánh giá là một trong những tín hiệu tích cực sau hội nghị về tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản do Thủ tướng chủ trì vào cuối tuần trước.

"Về cái gói 120.000 tỷ này, chủ trương gói này là phù hợp. Còn về thực tế, rõ ràng bất cứ một phân khúc nào được hỗ trợ thì nó cũng tác động lan tỏa tới các phân khúc khác. Chúng ta cũng thấy rằng, để hỗ trợ cho thị trường bất động sản phát triển ổn định và bền vững thì rõ ràng việc hỗ trợ cho phân khúc nhà ở trung bình và nhà ở xã hội là phân khúc được sự đồng thuận nhiều nhất của người dân", TS. Đinh Thế Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tin học và Kinh tế ứng dụng chia sẻ với VTV.vn.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quốc Khánh, Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, nhận định: "Chính sách hỗ trợ lãi suất cho người mua nhà ở xã hội và những nhà cho người làm ở các khu công nghiệp hay các khu dân cư cũng sẽ giải quyết được tính thanh khoản cho thị trường. Nó cũng là một điểm nhấn giúp thị trường hoạt động sôi động trở lại".

"Nếu chúng ta hỗ trợ được cho họ sống sót qua cái giai đoạn này thì về sau, trong vòng vài năm tới, thị trường lúc đó ấm lên, kinh tế phát triển lên và bất động sản lại trở lại nhịp bình thường", ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc TPbank, cho hay.

"Dòng vốn tín dụng của các ngân hàng để phát triển các dự án nhà ở xã hội, một đồng vốn rất là quý. Chúng tôi tin tưởng tới giữa năm 2023 sẽ có sự khởi sắc hơn, có những cái dấu hiệu tốt hơn, có những cái điều kiện phát triển bền vững hơn", ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, nói.

Gói tín dụng 110.000 tỷ đồng do Bộ Xây dựng đề xuất cho vay tập trung phát triển nhà ở xã hội và gói vay thương mại 120.000 tỷ đồng từ 4 ngân hàng thương mại dành cho phân khúc này đang tạo nhiều hy vọng cho người dân và doanh nghiệp, bởi đây là hai gói tín dụng hoàn toàn độc lập. Đây cũng được xem là tín hiệu tích cực để khôi phục thị trường bất động sản, đặc biệt là phân khúc nhà ở xã hội.

Thủ tướng giao Bộ Xây dựng chủ trì phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, chồng chéo, khoảng trống của pháp luật trong thời gian chưa sửa các Luật liên quan, trình Chính phủ.