Thiếu nguồn cung căn hộ giá rẻ, TP HCM gỡ vướng dự án nhà ở xã hội

Đông Bắc 14:26 | 23/02/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trong bối cảnh đang khan hiếm nguồn cung căn hộ giá rẻ, TP HCM tập trung gỡ vướng cho các dự án nhà ở xã hội nhằm đáp ứng nhu cầu an cư cho người lao động.

  

TP HCM đang thiếu nhà ở xã hội

Giai đoạn 2021-2025, TP HCM dự kiến phát triển 2,5 triệu m2 sàn nhà ở xã hội (khoảng 35.000 căn nhà). Giai đoạn 2026-2030, dự kiến phát triển khoảng 4,08 triệu m2 sàn nhà ở xã hội (58.000 căn). Sở Xây dựng TP HCM cho biết, mặc dù kết quả phát triển nhà ở xã hội giai đoạn sau luôn cao hơn giai đoạn trước, nhưng số lượng căn hộ hoàn thành chưa thể đáp ứng hết nhu cầu rất lớn về nhà ở của người thu nhập thấp và cán bộ, công chức, viên chức có khó khăn về nhà ở.

Theo Sở Xây dựng TP HCM, năm 2022, trên địa bàn thành phố có 5 dự án nhà ở xã hội đang triển khai, với tổng số 3.367 căn hộ nhưng chỉ có 2 dự án hoàn thành, cung ứng 1.252 căn hộ và không có dự án nào được cấp phép mới.

TP HCM hiện có 3 dự án nhà ở xã hội đang gặp vướng mắc pháp lý nên chưa thể khởi công. Sở Xây dựng TP HCM đã có công văn kiến nghị UBND TP HCM tháo gỡ vướng mắc cho 3 dự án nhà ở xã hội này. Nếu được khởi công, 3 dự án dưới đây sẽ cung ứng 2.778 căn hộ ra thị trường. 

Dự án nhà ở xã hội ở số 4 Phan Chu Trinh, phường 12, quận Bình Thạnh có diện tích 12.100m2, dự kiến xây 805 căn, hiện đã hoàn tất khâu bồi thường và đầu tư hạ tầng. Sở Xây dựng từng đề xuất UBND TP.HCM giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp TP.HCM làm chủ đầu tư nhưng đến nay, đề xuất này chưa được chấp thuận.

Dự án nhà ở xã hội chung cư Tanimex ở phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân với quy mô 472 căn hộ do Công ty cổ phần Sản xuất, Kinh doanh, Xuất nhập khẩu, Dịch vụ và Đầu tư Tân Bình làm chủ đầu tư, được phê duyệt từ năm 2010 nhưng đến nay vẫn chưa thể triển khai do mục tiêu ban đầu là xây cho công nhân thuê, sau đó được điều chỉnh thành bán và cho thuê nhưng quyết định giao đất và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho chủ đầu tư vẫn ghi là dự án nhà lưu trú công nhân.

Dự án nhà ở xã hội Lê Thành Tân Kiên (giai đoạn 1) ở huyện Bình Chánh do Công ty TNHH Thương mại Xây dựng Lê Thành làm chủ đầu tư vẫn đang bị vướng mắc về quy hoạch. Dự án có diện tích 23.100,8m2, quy mô 1.456 căn hộ nhà ở xã hội cho thuê. Hiện, Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP.HCM và UBND huyện Bình Chánh vẫn chưa nhất trí các nội dung điều chỉnh quy hoạch 1/2.000 liên quan đến dự án này.

 TP HCM tập trung tháo gỡ dự án nhà ở xã hội. Ảnh SGGP.

Tháo gỡ vướng mắc cho các dự án nhà ở xã hội

Sau Hội nghị về "Tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững", với sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nhiều địa phương đã chủ động tìm các giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho các dự án trên địa bàn, đặc biệt là các dự án nhà ở xã hội.

Tại TP HCM, lãnh đạo thành phố đã có cuộc họp để tháo gỡ những vướng mắc cho dự án nhà ở xã hội ở huyện Bình Chánh, đã được chấp thuận đầu tư từ năm 2019 nhưng đến nay vẫn chưa thể triển khai. Đây là động thái thể hiện sự quyết tâm của chính quyền thành phố nhằm đạt mục tiêu phát triển nhà ở xã hội từ nay đến 2025.

Theo đó, một quỹ đất rộng khoảng 2,5 ha được doanh nghiệp xây dựng khoảng 2.000 căn nhà ở xã hội. Dù doanh nghiệp xin chủ trương đầu tư từ năm 2019 nhưng đến nay thủ tục pháp lý vẫn chưa hoàn thiện.

Theo quy định khi doanh nghiệp thực hiện dự án xã hội sẽ được ưu đãi đầu tư, tăng hệ số sử dụng đất, tăng mật độ xây dựng. Tuy nhiên, khi doanh nghiệp xin thay đổi mật độ xây dựng quy hoạch phân khu tại dự án lại không phù hợp buộc phải điều chỉnh quy hoạch cục bộ 1/2.000.

Để tháo gỡ khó khăn cho dự án, lãnh đạo TP HCM đã đưa ra lộ trình cụ thể đó là ngay trong tháng 3, huyện Bình Chánh phải hoàn thiện 2 hạng mục trình Sở Quy hoạch Kiến trúc để điều chỉnh quy hoạch cục bộ. Thứ hai là có văn bản gửi Sở Tài nguyên và Môi trường, trình UBND thành phố cho phép doanh nghiệp chuyển đổi mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án.

Đến đầu tháng 4, sau khi hoàn thành các đầu việc, Sở Kế hoạch Đầu tư sẽ trình UBND thành phố để chấp nhận doanh nghiệp làm chủ đầu tư. Dự án được khởi công cũng là nhiệm vụ quan trọng hoàn thành mục tiêu đến năm 2025, thành phố tạo lập được 35.000 căn nhà ở xã hội.

 

TP HCM ưu tiên tháo gỡ dứt điểm vướng mắc 38 dự án bất động sản

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc “Tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững” mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Bùi Xuân Cường cho biết, trong 2 năm 2021-2022, TP HCM có 47 dự án với hơn 28.000 căn hộ được đưa ra thị trường. Các phân khúc thị trường chưa có sự đồng bộ, nhất là phân khúc nhà ở giá rẻ, bình dân. Các sản phẩm, các thị trường chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của thành phố.

Phó Chủ tịch UBND TP HCM cho biết, thị trường bất động sản tại TP HCM đang gặp khó khăn do nguyên nhân từ các quy định pháp luật liên quan có vướng mắc, từ Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu. Một số dự án thời gian trước có vướng mắc về pháp lý nên phải rà soát lại hồ sơ gây mất thời gian, có trường hợp vượt thẩm quyền của địa phương. Có tình trạng cán bộ sợ trách nhiệm trong xử lý các vấn đề tồn đọng.

Thời gian tới TP HCM sẽ tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về thủ tục đầu tư đối với các dự án nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân, cải tạo chung cư cũ. Hiện nay, thành phố đang tập trung xây dựng 18 dự án nhà ở xã hội và cải tạo 16 dự án chung cư xuống cấp trong năm 2023. Thành phố đã phân loại khoảng 116 dự án bất động sản cần tháo gỡ, trong đó có 38 dự án ưu tiên tập trung giải quyết, xử lý dứt điểm.

Cùng với đó, thành phố tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm về đầu tư, kinh doanh bất động sản, các dự án bất động sản vi phạm về xây dựng. Đồng thời, tăng cường kiểm soát hoạt động của các sàn giao dịch bất động sản để tăng tính công khai, minh bạch, bảo vệ quyền lợi của người dân khi tham gia giao dịch.