Doanh nghiệp phân bón Việt ngày càng gặp khó

09:27 | 28/07/2018 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Cung vượt cầu; rào cản từ thuế, cạnh tranh nội ngành, cạnh tranh với phân bón nhập khẩu từ Trung Quốc và đặc biệt là việc xử lý chưa dứt điểm các sai phạm làm hàng giả đang khiến doanh nghiệp phân bón Việt ngày càng gặp khó.

Đó là những ý kiến được thẳng thắn đưa ra tại “Hội nghị phân bón và thuốc bảo vệ thực vật” sáng 27/7.
Doanh nghiệp phân bón Việt ngày càng gặp khó - ảnh 1
Công ty cổ phần phân lân Ninh Bình. Nguồn: Internet 
Cung vượt cầu tới 48%

Theo Báo cáo mà Vibiz trình bày tại Hội nghị, thị trường phân bón cả nước hiện có 735 cơ sở sản xuất đủ điều kiện hoạt động với tổng công suất hơn 29,5 triệu tấn/năm. Trong số 29,5 triệu tấn phân bón hàng năm này, phân vô cơ là trên 26 triệu tấn/năm và phân hữu cơ là 2,5 triệu tấn/năm.

Sản lượng sản xuất phân bón đạt mức tăng trưởng cao trong những năm gần đây. Hiện tại, các cơ sở sản xuất trong nước đã sản xuất được hầu hết các sản phẩm phân bón và chỉ còn phải nhập khẩu 2 loại đó là phân SA và phân Kali.

Tuy có hàng trăm cơ sở sản xuất, nhưng nguồn cung phân bón chủ yếu của nước ta tập trung vào các doanh nghiệp lớn thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

“Một điều đáng chú ý, với năng lực các nhà máy sản xuất và sản lượng hằng năm đều đạt mức tăng trưởng cao như trên, thì tổng sản lượng phân bón trong nước (bao gồm cả nhập khẩu hàng năm khoảng 4 triệu tấn) là khoảng 33 triệu tấn, gấp hơn 3 lần so với nhu cầu sản xuất nông nghiệp (hằng năm chỉ cần từ 10 đến 11 triệu tấn). Như vậy, cung phân bón luôn vượt mức 48% so với cầu"c, báo cáo của Vibiz nhấn mạnh.

Ảnh hưởng tiêu cực từ thuế, quy chuẩn sản xuất và quản lý thị trường

Vibiz cho rằng, mặc dù Chính phủ và các cơ quan chức năng đã cải thiện hoạt động quản lý sản xuất và thị trường, tuy nhiên, ngành phân bón vốn phụ thuộc nhiều vào những chính sách và quy định của nhà nước đang chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực từ thuế, quy chuẩn sản xuất và quản lý thị trường trong hai năm trở lại đây.

Đáng chú ý, về chính sách thuế giá trị gia tăng (VAT), trước năm 2015, sản xuất phân bón chịu thuế VAT đầu vào chủ yếu là 10%, thuế đầu ra 5% và thuế VAT đầu vào được khấu trừ cho các doanh nghiệp.

Nhưng từ khi áp dụng Luật số 71/2014/QH13 sửa đổi bổ sung một số điều của các luật về thuế thì mặt hàng phân bón thuộc đối tượng không chịu thuế VAT, điều này đã làm cho tất cả chi phí thuế VAT đầu vào không được khấu trừ mà phải hạch toán vào chi phí của doanh nghiệp, làm ảnh hưởng rất lớn đến lợi nhuận của các doanh nghiệp.

Để khắc phục vướng mắc trên, ngày 15/8/2017 Bộ Tài Chính đã có dự thảo trình lên Chính phủ đề nghị đưa phân bón vào diện chịu thuế VAT với mức thuế suất 5% hoặc 10%, trong đó Bộ Tài chính đề nghị cân nhắc phương án 5%. Nếu chính sách thuế VAT được thông qua thì từng doanh nghiệp cũng sẽ có mức độ tác động khác nhau.

Đối với các doanh nghiệp sản xuất phân đơn như Urea và lân (Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau, Tổng công ty CP Phân bón và Hóa chất Dầu khí, Công ty cổ phần phân lân nung chảy Văn Điển, Công ty cổ phần phân lân Ninh Bình, Công ty cổ phần DAP - VINACHEM) hiện nay đầu vào của các doanh nghiệp này là khí, điện, than, quặng apatit và bao bì đang được đánh thuế VAT 5-10% thì các doanh nghiệp này được hưởng lợi.

Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp sản xuất phân hỗn hợp NPK (Công ty cổ phần phân bón Bình Điền, Công ty cổ phần Phân bón Miền Nam) thì doanh nghiệp này chỉ được hưởng lợi một phần nhỏ từ chi phí điện, nước, bao bì đầu vào, những chi phí này chiếm từ 10-20% tổng chi phí nguyên liệu.

Đó là chưa kể tới, doanh nghiệp phân bón vô cơ sẽ bị thu hẹp trước xu hướng phát triển nông sản hữu cơ trong thời gian tới. Bản thân doanh nghiệp muốn tồn tại phải sản xuất những loại phân ưu việt và hướng dẫn nông dân sản xuất đúng kỹ thuật để hạn chế những tác hại xấu do dư thừa các chất độc hại của phân bón, hóa chất tồn đọng trong nông sản.

Phân bón Trung Quốc giá rẻ ngày càng chiếm ưu thế

Các doanh nghiệp như Công ty cổ phần DAP - VINACHEM, Công ty cổ phần phân lân Ninh Bình sẽ phải chịu cạnh tranh khốc liệt bởi phân lân nhập khẩu từ Trung Quốc. Vibiz giải thích từ năm 2017, thuế xuất khẩu phân lân Trung Quốc giảm về mức 0% vì vậy mà giá phân DAP của Trung Quốc đã rẻ càng rẻ hơn, làm giảm tính cạnh tranh của các doanh nghiệp nội địa với hàng ngoại nhập.

Trong khi, những nhà máy DAP phần lớn là các dự án của Chính phủ, vốn đầu tư của nhà nước nên rất khó để các doanh nghiệp này rời khỏi ngành. Bên cạnh đó, chi phí cố định lớn cũng đòi hỏi các doanh nghiệp phải tăng cường công suất hoặc duy trì công suất, cho dù tình trạng dư thừa đang diễn ra trên thị trường. Vì vậy mà cạnh tranh nội bộ ngành cũng rất cao.

“Chi phí đầu tư cố định rất lớn, các doanh nghiệp phải nhanh chóng vận hành nhà máy hết công suất để thu hồi vốn, hoặc đối với những nhà máy mà việc vận hành tốn rất nhiều chi phí cố định như Công ty cổ phần phân lân Ninh Bình hay Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau thì họ không thể cắt giảm nhiều công suất dù trong hoàn cảnh dư cung”, báo cáo từ Vibiz chỉ rõ.

Vibiz thống kê hiện chưa có một doanh nghiệp nào đủ sức chi phối thị trường Ure trong nước. Phân Ure nhập khẩu vào nước ta có giá bán thấp hơn cả phân sản xuất trong nước, cùng với việc giảm thuế xuất khẩu thì phân Ure giá rẻ của Trung Quốc sẽ ngày càng có ưu thế và làm tăng tính cạnh tranh trong ngành.

Nạn làm phân bón giả chưa được xử lý đúng mức

Doanh nghiệp phân bón Việt ngày càng gặp khó - ảnh 2
Công an huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng, bắt quả tang một cơ sở đấu trộn phân bón trái phép tại thôn 13, xã Lộc Thành. Nguồn: Internet 
Bên lề Hội nghị, trả lời phỏng vấn Tạp chí điện tử Doanh nhân Việt Nam, ông Nguyễn Hạc Thúy, Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho rằng thị trường phân bón Việt Nam là thị trường tự phát nên lộn xộn.

“Hiện nay, nạn làm phân bón giả chưa được xử lý đúng mức. Vì vậy, vừa rồi, Hiệp hội Phân bón có đề nghị Chính phủ giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phải thực hiện tổng thanh tra thì mới phát hiện được sai phạm và xử lý nghiêm minh”, ông Thúy nói.

Ông Thúy cũng thông báo vừa qua, Hiệp hội Phân bón Việt Nam đề nghị TPHCM làm điểm cho công tác kiểm tra hoạt động của các công ty phân bón. Chỉ tính riêng quận Bình Chánh, kiểm tra 56 công ty thì có tới 20 công ty không có giấy phép hoạt động trong nhiều năm. Kiểm tra về môi trường 40 công ty thì chỉ có 21 công ty đạt tiêu chuẩn.

“Như vậy, thị trường phân bón đang rất phức tạp. Các cơ quan chức năng từ Trung ương tới địa phương nếu không xử lý nghiêm minh các trường hợp làm phân bón giả gây bức xúc dư luận thời gian qua thì các nghị định liên quan đến xử lý nạn làm phân bón giả sẽ không có hiệu lực thực tiễn. Thậm chí, nếu lực lượng thi hành công vụ sai phạm, cũng cần xử lý nghiêm ”, ông Thúy khuyến nghị.