Doanh nghiệp thủy sản báo lãi quý III tăng bằng lần so với cùng kỳ

H.Mĩ 09:54 | 03/11/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Nhiều doanh nghiệp thuỷ sản báo lãi quý III cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, thực chất đây là mức tăng trưởng từ nền thấp do năm ngoái bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 khiến hoạt động xuất khẩu bị cản chế. Hiện tại, những rủi ro về lạm phát, nhu cầu yếu vẫn đang hiện rõ đối với ngành thuỷ sản nói riêng.

Sau giai đoạn tăng trưởng mạnh trong nửa đầu năm nhờ nhu cầu bùng nổ, xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam bước vào giai đoạn điều chỉnh mạnh dưới tác động của lạm phát và một số nền kinh tế có dấu hiệu suy thoái. 

Theo số liệu của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản (VASEP) trong tháng 9, xuất khẩu thuỷ sản ước đạt trên 850 triệu USD. Dù vẫn cao hơn 36% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng đây là lần đầu sau 7 tháng, xuất khẩu thuỷ sản rơi xuống mức dưới 900 triệu USD. Tính đến hết quý III/2022, xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam chạm mốc 8,5 tỷ USD, tăng 38% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lạm phát đang tác động giảm nhu cầu thuỷ sản, nên xuất khẩu sang các thị chính đều tăng trưởng chậm lại trong tháng 9.

Điển hình như thị trường Mỹ với kim ngạch giảm 11% so với cùng kỳ dù thời điểm này năm ngoái, hoạt động xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam giảm sút do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Mặc dù vậy, Mỹ vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong số các thị trường tiêu thụ thuỷ sản của Việt Nam. 

Doanh nghiệp tôm chịu thiệt hại kép: Thiếu nguyên liệu và nhu cầu giảm

Nhu cầu thuỷ sản hạ nhiệt cũng đã ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành, đặc biệt là cá tra và tôm - hai mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất. 

Xuất khẩu tôm trong tháng 9 đạt gần 350 triệu USD, tăng 13%, mức tăng thấp nhất trong các sản phẩm chính. Nguyên nhân đến từ việc thiếu tôm nguyên liệu trong khi nhu cầu tại các thị trường đang chững lại vì lạm phát giá.

  Số liệu: Cục Xuất nhập khẩu, VASEP (H.Mĩ tổng hợp) 

Theo chia sẻ từ một số doanh nghiệp vài tháng qua, tình hình nuôi tôm ở ĐBSCL gặp khó khăn do nước ngọt thượng nguồn đổ về sớm làm mất độ mặn ở một số vùng nuôi, khiến giảm quy mô thả giống. 

Song song với đó, tỷ lệ nuôi thành công, năng suất sản lượng đều không như mong muốn. Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp chế biến tôm than phiền là nguyên liệu không đáp ứng nhu cầu chế biến kịp thời trả đơn hàng trong khi giá tôm nguyên liệu duy trì ở mức khá cao. 

Trong báo cáo tài chính công ty mẹ CTCP Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú cho thấy doanh thu thuần giảm 10% so với cùng kỳ năm ngoái 2.422 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp giảm 17% xuống 373 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp của công ty trong kỳ ở mức 15,4%, giảm 1,2 điểm phần trăm. 

Sau khi trừ các khoản chi phí, lợi nhuận sau thuế của công ty giảm 15% xuống 197 tỷ đồng do doanh thu trong kỳ giảm sút. 

Tại ngày 30/9, hàng tồn kho của Minh Phú tăng gấp đôi với đầu năm lên lên 2.031 tỷ đồng, chủ yếu là thành phẩm hàng hoá (1.928 tỷ đồng), còn lại là nguyên vật liệu, dụng cụ (103 tỷ đồng). Tất cả hàng tồn kho dùng để thế chấp tại các ngân hàng thương mại để đảm bảo cho các khoản vay của tập đoàn.

Với CTCP Thực phẩm Sao Ta (Mã: FMC), mặc dù hoạt động kinh doanh trong quý III tăng trưởng so với nền thấp của cùng kỳ năm ngoái do bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhưng so với quý II lại đi lùi.

  Số liệu: BCTC Sao Ta (H.Mĩ tổng hợp) 

Theo đó, trong kỳ doanh nghiệp ghi nhận doanh thu thuần là 1.752 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 80 tỷ đồng tăng lần lượt 7,8%, 25,4% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, nếu so với quý II, lợi nhuận của Sao Ta giảm 32% xuống 80 tỷ đồng.

Biên lợi nhuận gộp quý III đạt 10,9%, cải thiện so với mức 9,3% quý III/2021.

Luỹ kế 9 tháng đầu năm, Sao Ta đạt 4.491 tỷ đồng doanh thu thuần, gần 240 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế tăng lần lượt gần 19,6% và 35,6% so với cùng kỳ năm ngoái, hoàn thành khoảng 80% kế hoạch kinh doanh năm 2022. 

Hoạt động tiêu thụ ở các thị trường lớn của Sao Ta, đặc biệt là EU, Nhật và Mỹ đang gặp khó khăn lớn vì lạm phát tăng cao, đồng tiền ngoại tệ mất giá trong khi chi phí bán hàng quá lớn. 

Chia sẻ với người viết, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT của Sao Ta cho biết tỷ giá đồng Yên/VND giảm 16% trong khi đồng EUR/VND cũng giảm tới 12%. Do đó việc bán hàng sang các thị trường này đều bất lợi vì tiền mất giá. 

“Riêng ở thị trường EU, cước tàu tăng lên giá “trên trời”, chi phí đầu vào sản xuất thì đều tăng cao trong khi tiêu thụ giảm vì suy thoái kinh tế nên chúng tôi bán hàng gần như hoà vốn”, ông Lực nói. 

Ngoài ra, vị này nói thêm tình hình kinh tế tại Châu Âu khó khăn trong khi tôm chế biến lại là mặt hàng cao cấp, có giá bán cao nên sức tiêu thụ ảnh hưởng lớn. 

“Dẫu sao hợp đồng bán hàng cũng đã ký và khách hàng Châu Âu trước nay vẫn giữ cam kết khá tốt, chỉ có điều giao hàng hơi chậm. Hiện chúng tôi vẫn đang cố duy trì tại thị trường này bằng cách nhắm đến hệ thống phân phối cao cấp để đánh vào đối tượng khách hàng có thu nhập cao bởi sản phẩm xuất sang thị trường này có giá trị gia tăng cao như tôm luộc, tôm bao bột”, ông Lực nói. 

Còn với thị trường Mỹ, đồng tỷ giá USD/VND tăng 2%. Về lý thuyết, xuất khẩu sang thị trường này có lợi thế nhưng thực tế lại hoàn toàn ngược lại bởi cước tàu cao gấp nhiều lần so với điểm trước dịch. Trong khi đó, các đối thủ lớn như Ecuador và Ấn Độ vừa có lợi thế về cước tàu vì ở vị trí gần, vừa có tôm giá rẻ.

“Từ năm ngoái đến năm năm nay, Ecuador liên tục tăng sản lượng nuôi tôm khiến giá bán sang Mỹ càng giảm thêm. Tôm Việt Nam không thể cạnh tranh ở phân khúc tôm thô hoặc chế biến ở mức độ trung bình, giá rẻ mà chủ yếu đánh vào thị trường tôm chế biến chất lượng cao”, ông Lực nói.

Cá tra giá rẻ cũng không nằm ngoài vòng xoáy lạm phát

Theo VASEP, lạm phát và sự mất giá tiền tệ tại nhiều thị trường nhập khẩu đã đến giai đoạn ngấm sâu và ảnh hưởng nặng nề đối với tầng lớp người tiêu thụ có mức thu nhập trung bình hoặc thấp, khiến họ phải cân nhắc, tính toán kỹ trong chi tiêu. Do vậy, đây là thời điểm lạm phát làm giảm nhu cầu đối với cả các mặt hàng thực phẩm có giá vừa phải như cá tra, vốn phù hợp với túi tiền của đại đa số người bình dân các nước. 

Xuất khẩu cá tra vẫn giữ mức tăng trưởng cao nhất, tăng 97% đạt 161 triệu USD. Dù xuất khẩu cá tra trong tháng 9 vẫn cao gấp đôi so với cùng thời điểm năm 2021, nhưng là mức thấp nhất kể từ đầu năm.Hơn nữa, thông thường hàng năm vào tháng 9 sắp vào mùa cao điểm có nhiều đơn hàng cho dịp lễ cuối năm và năm mới, nhưng năm nay, kim ngạch cá tra tháng 9 lại thấp hơn 15% so với tháng 8.  

   Số liệu: Cục Xuất nhập khẩu, VASEP (H.Mĩ tổng hợp)  

 

Xu hướng này diễn ra tương tự với tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành. Báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2022 của CTCP Vĩnh Hoàn (Mã: VHC) cho thấy kết quả kinh doanh tăng mạnh so với cùng kỳ nhờ giá bán tăng. 

Cụ thể, doanh thu thuần của Vĩnh Hoàn tăng 46% lên 3.261 tỷ đồng. Giá vốn hàng bán tăng với mức 45%, thấp hơn mức tăng của doanh thu thuần. Biên lãi gộp đạt 19,1%, tăng 0,7 điểm % so với con số 18,4% cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, cả doanh thu, lợi nhuận gộp và cả biên lãi gộp đều giảm mạnh so với mức kỷ lục doanh nghiệp đã thiết lập hồi quý II - thời điểm công ty đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Mỹ để hưởng lợi từ sự thiếu hụt thủy sản.

Hàng tồn kho tính đến ngày 30/9 là 2.805 tỷ đồng, tăng 56% so với đầu năm. Lượng hàng tồn kho này tương đương 34% tài sản ngắn hạn.

Các khoản phải thu ngắn hạn tăng 39% lên 2.943 tỷ đồng, hầu hết do khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng đi lên.

Trong báo cáo phân tích mới đây, SSI Research dự báo doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của Vĩnh Hoàn trong năm 2022 lần lượt là 14 nghìn tỷ đồng (tăng 54% so với cùng kỳ) và 2,3 nghìn tỷ đồng (tăng 109% so với cùng kỳ). Cho năm 2023, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế có thể lần lượt đạt 12,9 nghìn tỷ đồng  và 1,7 nghìn tỷ đồng, giảm 8% và 27% so với 2022. 

“Chúng tôi giả định sản lượng tiêu thụ tăng 5% theo năm, trong khi giá bán bình quân giảm 17% theo năm trong năm 2023. Vĩnh Hoàn nhiều khả năng sẽ ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận âm trong 6 tháng đầu năm 2023”, SSI Research nhận định.

Tình hình tương tự với CTCP Nam Việt (Mã: ANV) khi doanh thu thuần tăng 89% so với cùng kỳ lên hơn 1.238 tỷ đồng, chủ yếu nhờ doanh thu bán thành phẩm tăng 93%, trong khi doanh thu từ bán điện mặt trời giảm 16% về 27 tỷ đồng.

Trong quý, biên lãi gộp của Nam Việt cải thiện từ 10,5% của quý cùng kỳ lên 23,2%. Công ty lãi sau thuế gần 120 tỷ đồng, cải thiện so với mức lỗ 13 tỷ đồng quý III năm ngoái. Tuy nhiên, kết quả này đã giảm so với hai quý đầu năm.

  Kết quả kinh doanh của một số doanh nghiệp xuất khẩu cá tra trong quý III (H.Mĩ tổng hợp) 

SSI Research mới đây đánh giá trong quý IV/2022, các doanh nghiệp sản xuất cá tra kỳ vọng nhu cầu sẽ tăng trở lại nhờ kỳ nghỉ lễ. Giá bán bình quân là 4,5 USD/kg trong quý IV. Đối với năm 2023, giá bán bình quân có thể giảm sau kỳ nghỉ lễ và giảm xuống 4 USD/kg. 

Mặc dù còn nhiều rủi ro trong những tháng cuối năm, VASEP cho rằng đến cuối tháng 11, xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam có thể đạt hơn 10 tỷ USD – mốc kỷ lục lịch sử ngành thuỷ sản Việt Nam sau hơn 20 năm tham gia vào thị trường thế giới.