Doanh nhân Lương Trí Thìn cùng hành trình 20 năm 'chèo lái' Đất Xanh

Đông Bắc 09:45 | 08/07/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Ông Lương Trí Thìn là người sáng lập và cũng là Chủ tịch HĐQT của Công ty Cổ phần Tập đoàn Đất Xanh (Mã: DXG) trong hơn 20 năm qua (từ 2003-2024) vừa xin thôi chức Chủ tịch HĐQT Đất Xanh. Trong suốt 20 năm qua, Đất Xanh đã phát triển mạnh mẽ và cũng có lúc thăng trầm dưới sự "chèo lái" của ông Thìn.

  

Rời ghế Chủ tịch sau hành trình tăng vốn "thần tốc"

Tập đoàn Đất Xanh (mã: DXG) vừa có biến động nhân sự lớn khi ông Lương Trí Thìn rời ghế Chủ tịch HĐQT, lui về giữ chức danh Chủ tịch Hội đồng chiến lược. Người được thay thế ông Thìn là ông Lương Ngọc Huy, từng là Phó Tổng Giám đốc Đất Xanh.

 Đất Xanh lâu nay vẫn gắn liền với tên tuổi người sáng lập Lương Trí Thìn, việc thay đổi lãnh đạo đột ngột này sẽ khiến nhiều người chờ đợi những thay đổi lớn với doanh nghiệp bất động sản có tiếng này.

  Ông Lương Trí Thìn rời ghế Chủ tịch HĐQT Đất Xanh. Ảnh DXG.

Vào đầu tháng 6/2024, Đất Xanh đã công bố nghị quyết HĐQT thông qua việc triển khai phương án chào bán 150,1 triệu cổ phiếu với mệnh giá 10.000 đồng/cp cho cổ đông hiện hữu. Tỷ lệ chi trả là 20,8% (cổ đông sở hữu 1.000 cổ phiếu được quyền mua 208 cổ phiếu mới).

Với hơn 1.500 tỷ đồng thu về, Đất Xanh sẽ dùng 1.358 tỷ đồng góp vốn cho CTCP Đầu tư Kinh doanh Bất động sản Hà An, mục đích thanh toán nợ. Thời gian dự kiến vào quý III - IV/2024 cho đến năm 2025.

Sau khi phát hành thành công, vốn điều lệ của Đất Xanh sẽ nâng từ 7.224 tỷ đồng lên 8.724 tỷ đồng. Như vậy, xét trong nhóm công ty bất động sản dân cư trên sàn chứng khoán, vốn điều lệ của Đất Xanh sau đợt phát hành tới đây dự kiến chỉ đứng sau hai ‘ông lớn’ Vinhomes (VHM) và Novaland (NVL).

Nhìn lại hành trình này, Tập đoàn Đất Xanh tiền thân là Công ty TNHH Dịch vụ và Xây dựng Địa ốc Đất Xanh với vốn điều lệ ban đầu chỉ 800 triệu đồng. Doanh nghiệp chính thức chuyển đổi sang mô hình CTCP từ tháng 11/2007 và đưa 8 triệu cổ phiếu niêm yết trên HoSE vào ngày 22/12/2009. Thời điểm đó, vốn điều lệ doanh nghiệp đạt 80 tỷ đồng.

Cho đến nay, Đất Xanh liên tục mở rộng quy mô vốn từng năm và đạt 7.224 tỷ đồng vào cuối năm 2023, gấp 90 lần so với quy mô vốn 15 năm trước đó.

Nếu hoàn tất phát hành 150 triệu cổ phiếu lần này, con số trên không chỉ dừng lại ở đó mà lên tới hơn 109 lần chỉ sau hơn 15 năm. Nếu thành công, doanh nghiệp địa ốc này có tốc độ tăng vốn bình quân là 7,3 lần/năm kể từ khi niêm yết.

 

Đất Xanh dưới thời Chủ tịch Lương Trí Thìn kinh doanh ra sao?

Tập đoàn  Đất Xanh ngày nay, tiền thân là Công ty TNHH Dịch vụ và Xây dựng Địa ốc Đất Xanh do ông Lương Trí Thìn là người sáng lập. Công ty thành lập tháng 11/2003, ban đầu hoạt động như một bên môi giới, chuyên phân phối các dự án bất động sản khu vực TP HCM, Đồng Nai và Bình Dương.

 Năm 2004, 2005, Đất Xanh lần đầu mang khái niệm siêu thị chung cư đến với thị trường bất động sản. Đất Xanh cũng là đơn vị tiên phong mở ra phương thức bán hàng tập trung.

Năm 2007 là bước chuyển mình mới, Đất Xanh quyết định lấn sân sang lĩnh vực đầu tư, phát triển bất động sản, chuyển đổi mô hình thành công ty cổ phần. Những dự án đầu tiên của Đất Xanh bắt đầu được khởi công với tư cách là chủ đầu tư, như dự án Sunview 1&2 (Thủ Đức), dự án Phú Gia Hưng Apartment (Quận Gò Vấp).

Năm 2009, Đất Xanh đưa cổ phiếu lên niêm yết trên HoSE, mở rộng hệ thống dịch vụ ra toàn quốc, lấn sân sang cả lĩnh vực xây dựng...

Sau hơn 20 năm phát triển, Tập đoàn Đất Xanh đã và đang triển khai gần 20 dự án, hợp tác phát triển hơn 50 dự án, tổng sản phẩm phân phối mỗi năm khoảng 30.000 sản phẩm.

Tính đến hết quý I/2024, Đất Xanh có đến 84 công ty con trong hệ thống, với hơn 2.500 nhân viên.

Sau 15 năm, đã có hơn 720 triệu cổ phiếu DXG lưu hành, vốn hóa doanh nghiệp đạt xấp xỉ nửa tỷ USD. Thanh khoản giao dịch rất lớn với bình quân khoảng 4,5 triệu cổ phiếu giao dịch mỗi phiên từ đầu năm 2024 đến nay.

Lớn mạnh cả về quy mô, tổng tài sản Đất Xanh đến hết năm 2023 đạt gần 28.800 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức dưới 20.000 tỷ đồng năm 2019. Tuy vậy tổng tài sản đã giảm đáng kể so với con số hơn 30.300 tỷ đồng đạt được cuối năm 2022.

Trong hành trình lớn mạnh, nợ của Đất Xanh cũng có mức gia tăng khá tương đồng. Tổng nợ phải trả đến cuối năm 2023 là 14.600 tỷ đồng, chiếm gần 1/2 tổng tài sản.

Về tình hình kinh doanh, từ mức doanh thu vài chục tỷ đồng, lãi tính bằng tiền tỷ, năm 2009, Đất Xanh chuyển mình, đưa cổ phiếu lên sàn niêm yết. Năm 2010 doanh thu đột biến gấp hơn 4 lần, lên 374 tỷ đồng; lãi gấp đôi năm 2009, lên 78 tỷ đồng.

Tuy vậy năm 2015 mới là năm chứng kiến sự tăng trưởng mạnh, Đất Xanh xúc tiến M&A các dự án, doanh thu đạt xấp xỉ 1.400 tỷ đồng và lãi đạt 446 tỷ đồng.

Những năm sau đó, doanh thu tăng mạnh. Năm 2017 là lần đầu tiên Đất Xanh báo lãi trên nghìn tỷ đồng, và đạt kỷ lục gần 1.900 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế vào năm 2019. Năm 2020 năm đầu “ngấm” đòn Covid, đây cũng là lần đầu tiên Đất Xanh báo lỗ (-174 tỷ đồng). Lợi nhuận DXG đạt đỉnh vào năm 2021 với mức xấp xỉ 10.100 tỷ đồng.

Năm 2023 vừa qua là năm thứ 2 liên tiếp tình hình kinh doanh của Đất Xanh lao dốc cả về doanh thu và lợi nhuận.

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024 vừa qua, lãnh đạo Đất Xanh cho biết, một trong những mục tiêu quan trọng trong năm nay là hoàn thiện pháp lý dự án, trọng điểm là 8 dự án tại khu vực TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương. Điển hình là dự án Gem Riverside, Gem Sky World, Opal Luxury.

Trong kế hoạch phát triển năm 2024, Đất Xanh đang mục tiêu doanh thu thuần và lãi ròng đạt lần lượt 3.900 tỷ đồng và 226 tỷ đồng, tăng 5% và 31% so với thực hiện 2023; cùng với đó là thực hiện tham vọng mở rộng quỹ đất, tích lũy nhiều dự án bất động sản.

Với các tín hiệu cải thiện cơ cấu tài chính và tình hình kinh doanh, Chứng khoán MB (MBS) dự phóng kết quả kinh doanh năm 2024-2025 của DXG sẽ ghi nhận ở mức khả quan. Doanh thu của công ty trong năm 2024 dự kiến đạt 3.745 tỷ đồng (tăng 0,5%) và đạt 4.460 tỷ đồng (tăng 19,1%). Theo đó, lợi nhuận ròng năm 2024 dự kiến đạt 234 tỷ đồng (tăng 36,2%) và đạt 440 tỷ đồng trong năm 2025 (tăng 88,1%).