Doanh nhân Việt Nam luôn là lực lượng xung kích và đi đầu
Chiều 7/10, tại Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm làm việc với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và gặp gỡ đại diện giới doanh nhân Việt Nam nhân kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10.
Cùng tham dự có Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng; Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên; Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Phạm Tấn Công; đại diện các cơ quan hữu quan.
100 đại biểu là doanh nhân tại điểm cầu Hà Nội và trên 300 đại biểu doanh nhân tại nhiều điểm cầu các chi nhánh, văn phòng đại diện VCCI trên cả nước cùng tham dự.
Phát biểu tại cuộc gặp, nhân kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gửi tới cộng đồng doanh nhân Việt Nam lời chúc mừng nồng nhiệt nhất; đồng thời nêu rõ, đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam luôn là lực lượng xung kích và đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.
Đảng Cộng sản Việt Nam luôn coi trọng vai trò của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp. Cách đây 10 năm, ngày 9/12/2011, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TW về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Bộ Chính trị đang yêu cầu các cơ quan tổng kết Nghị quyết này để từ đó có thể ban hành Nghị quyết mới hoặc Kết luận để tiếp tục thực hiện. Hội nghị Trung ương lần thứ tư, khóa XIII vừa kết thúc sáng 7/10 với hai nhóm nhiệm vụ quan trọng, đó là nhóm về phát triển kinh tế, xã hội, tài chính, ngân sách của năm 2022, kế hoạch tài chính cho ba năm 2022-2024; thực hiện nhiệm vụ kép, vừa phòng, chống, kiểm soát dịch hiệu quả, vừa phục hồi phát triển kinh tế.
Quốc hội đang tích cực chuẩn bị cho kỳ họp thứ hai, dự kiến khai mạc vào ngày 20/10 tới. Nội dung kỳ họp lần này có xem xét, quyết định một số dự án luật quan trọng, trong đó có nhiều dự án luật liên quan đến doanh nghiệp, cần có tiếng nói, ý kiến của doanh nhân. Các quyết sách lớn về kinh tế, xã hội sắp tới cần có đánh giá tác động đầy đủ của đại dịch COVID-19 đến mọi mặt kinh tế-xã hội, nhất là đối với việc làm, sinh kế của người dân và hoạt động của doanh nghiệp…
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, trong công tác lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của quốc gia, Quốc hội đều đặt người dân và doanh nghiệp vào vị trí trung tâm, vì lợi ích của người dân, doanh nghiệp...
Báo cáo tình hình hoạt động của VCCI và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho biết VCCI là tổ chức đại diện quốc gia của cộng đồng doanh nhân và doanh nghiệp Việt Nam. Trong 58 năm qua, trong bất cứ hoàn cảnh nào, VCCI cũng luôn có những đóng góp to lớn đối với sự phát triển của nền kinh tế, của cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân Việt Nam.
Trong năm nay, khi đại dịch COVID-19 đang bùng phát trên toàn thế giới và tại Việt Nam, VCCI đã tập trung mọi nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với đại dịch. Mới đây, ngày 17/9 VCCI đã thành lập Hội đồng Hợp tác Doanh nghiệp ứng phó COVID-19 để kết nối các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp cùng hợp sức trong cuộc chiến chống COVID-19.
Hội đồng cũng đã đưa vào hoạt động nền tảng tương tác trực tuyến 24/7 để tiếp nhận phản ánh từ các doanh nghiệp, đồng thời hướng dẫn, tư vấn, hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, vào ngày 26/9 vừa qua, VCCI đã tổ chức Hội nghị Thủ tướng gặp cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam để bàn về các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh COVID-19.
Vừa là động lực, vừa là sản phẩm của công cuộc đổi mới, đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam thời gian qua đã có sự phát triển nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng. Đến nay Việt Nam đã có trên 800.000 doanh nghiệp hoạt động, hơn 25.000 hợp tác xã và khoảng 5,2 triệu hộ kinh doanh phi nông nghiệp. Với số lượng doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh nêu trên, tính một cách tương đối, cả nước có khoảng 7-8 triệu doanh nhân.
Nét đặc trưng của doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam là tinh thần dân tộc, lòng yêu nước, ý thức trách nhiệm với xã hội, điều này thể hiện đặc biệt rõ khi vừa qua doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam đã quyên góp tiền và hiện vật trị giá hàng chục nghìn tỷ đồng, triển khai hàng loạt chương trình thiện nguyện trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19.
Doanh nghiệp, doanh nhân là lực lượng chủ lực trong phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người lao động và thực hiện an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo. Các thành tựu phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam có vai trò và đóng góp quan trọng của Đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp.
Tuy nhiên, xem xét trong tương quan với các nước phát triển, đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam còn khá nhỏ bé và hạn chế. Doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chiếm tới trên 95% tổng số doanh nghiệp của nền kinh tế. Năng lực cạnh tranh, khả năng sinh lợi, trình độ quản lý, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp còn thấp; tính liên kết chưa cao…
Chủ tịch VCCI nhấn mạnh cộng đồng doanh nghiệp trân trọng và đánh giá cao việc ngày 28/7/2021, Quốc hội đã kịp thời ban hành Nghị quyết 30, tạo cơ sở pháp lý cho việc ban hành các chính sách, giải pháp đặc biệt để ứng phó kịp thời trong phòng, chống dịch và phục hồi, phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế quốc tế nhận định đại dịch COVID-19 sẽ có ảnh hưởng lâu dài. Theo ông Phạm Tấn Công, hoàn thiện pháp luật, chính sách, cải thiện môi trường kinh doanh có ý nghĩa quyết định đối với việc nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, nhất là trong giai đoạn phục hồi kinh tế. Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh," nhanh chóng khôi phục sản xuất, VCCI đề xuất một số giải pháp có tính chất cấp bách, đột phá.
Cụ thể, trong bối cảnh mới, cần khẩn trương nghiên cứu thực hiện các cơ chế, chính sách mới có quy mô tác động đủ lớn, thời gian thực hiện trong trung và dài hạn đáp ứng mục tiêu đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện để nền kinh tế phục hồi nhanh; hỗ trợ các hoạt động kinh tế, đặc biệt là các doanh nghiệp nhằm ngăn chặn và giảm thiểu tình trạng mất thanh khoản, phá sản, giải thể doanh nghiệp; thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế phù hợp với những thay đổi trên thế giới sau đại dịch; kích thích tiêu dùng trong nước, bảo đảm an sinh xã hội.
Cùng với đó, các gói hỗ trợ duy trì và phục hồi kinh tế cần đủ lớn và kịp thời để nắm bắt được thời cơ phục hồi; nghiên cứu ban hành một số chính sách tài khóa, tiền tệ có tính chất đột phá.
Theo Chủ tịch VCCI, cần đẩy nhanh việc xây dựng và triển khai chương trình tổng thể về phục hồi kinh tế, có phân chia giai đoạn, phân chia nhóm đối tượng để có chính sách phù hợp, tránh cào bằng và cần có tham vấn rộng rãi ý kiến cộng đồng doanh nghiệp. Đặc biệt, cần có phương án ổn định và phục hồi lại thị trường lao động.
Các doanh nghiệp sẽ đối mặt với thách thức to lớn về lao động trong giai đoạn sáu tháng tới, vì vậy cần có ngay các gói hỗ trợ doanh nghiệp thu hút và đào tạo lại lao động được thiết kế dễ tiếp cận, có quy mô và mức hỗ trợ phù hợp…