Doanh thu BĐS 'hụt hơi', DIC Corp (DIG) mới hoàn thành 9% mục tiêu lợi nhuận cả năm
Quý II, DIG đạt doanh thu thuần gần 162 tỷ đồng, giảm 72% so với cùng kỳ (svck) năm ngoái. Giá vốn hàng bán gần 130 tỷ đồng, giảm 61%. Lãi gộp còn gần 32 tỷ đồng, giảm đáng kể 87% svck, đánh dấu quý có lãi gộp thấp nhất sau 8 năm của công ty kể từ quý II/2015.
Theo giải trình, doanh thu quý II của DIG chủ yếu từ hoạt động kinh doanh bất động sản như chuyển nhượng căn hộ dự án Gateway Vũng Tàu, chuyển nhượng căn hộ dự án CSJ, chuyển nhượng quỹ sử dụng đất dự án Nam Vĩnh Yên và chuyển nhượng nhà xây thô dự án Hiệp Phước. Bên cạnh đó, doanh thu bất động sản giảm 341 tỷ đồng tương ứng giảm 91% so cùng kỳ dẫn đến lợi nhuận của công ty giảm.
Doanh thu hoạt động tài chính hơn 28 tỷ đồng, tăng 10%. Các chi phí của DIG đã được tiết giảm đáng kể. Cụ thể, chi phí tài chính 22 tỷ đồng, giảm 82%; trong đó, lãi vay hơn 18 tỷ đồng, chiếm 82%, giảm 84% so cùng kỳ. Đồng thời, chi phí bán hàng còn 9 tỷ đồng và chi phí quản lý doanh nghiệp hơn 34 tỷ đồng, giảm lần lượt 38% và 18% so với cùng kỳ năm trước.
Kết thúc quý II, DIG chỉ lãi hơn 9 tỷ đồng, giảm tới 89% svck. Ngoài các biến động trên, công ty cho biết nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm mạnh về lãi ròng hợp nhất là trong kỳ, doanh thu bán thành phẩm (sản xuất vật liệu xây dựng) của công ty giảm 43,78 tỷ đồng, tương ứng giảm 46,06%, doanh thu cung cấp dịch vụ gần 44 tỷ đồng, xây lắp 32 tỷ đồng, kinh doanh bất động sản 33 tỷ đồng (cùng kỳ đây là khoản doanh thu chính của DIG khi đạt hơn 374 tỷ đồng).
Lũy kế 6 tháng đầu năm, DIG đạt gần 358,5 tỷ đồng doanh thu thuần và 85,6 tỷ đồng lãi sau thuế, lần lượt giảm 67% và 40% so cùng kỳ. Lãi trước thuế đạt 118,6 tỷ đồng.
Năm 2023, DIG đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất 4.000 tỷ đồng, gấp đôi so với thực hiện năm 2022 và lãi trước thuế 1.400 tỷ đồng, gấp 7 lần. Như vậy, so với kế hoạch, nửa đầu năm DIG thực hiện chưa đầy 9% cho cả chỉ tiêu doanh thu và lãi trước thuế năm.
Về tình hình tài chính, tổng tài sản của công ty tại ngày 30/6 đạt 14.047 tỷ đồng, giảm 5% so đầu năm. Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền đạt gần 153 tỷ đồng, giảm 38%. Khoản đầu tư tài chính ngắn hạn 186 tỷ đồng, tăng 5%. Các khoản phải thu ngắn hạn gần đi ngang so đầu năm với 4.346 tỷ đồng.
Hàng tồn kho đạt 6.310 tỷ đồng, tăng 7% đầu năm. Trong đó phần lớn là chi phí sản xuất kinh doanh dở dang 6.173 tỷ đồng; các dự án đáng chú ý trên 1.000 tỷ đồng gồm dự án khu đô thị du lịch sinh thái Đại Phước hơn 1.336 tỷ đồng, dự án khu đô thị mới Nam Vĩnh Yên gần 2.035 tỷ đồng.
Chi phí xây dựng cơ bản dở dang 155 tỷ đồng, tăng 22% đầu năm. Trong đó, dự án khu du lịch sinh thái, vui chơi giải trí Ba Sao hơn 40 tỷ đồng, nhà máy gạch men hơn 47 tỷ đồng.
Nợ phải trả gần 6.172 tỷ đồng, giảm 11% so đầu năm. Trong đó, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn gần 929 tỷ đồng; khoản vay tài chính dài hạn hơn 1.796 tỷ đồng.
Ở một khía cạnh khác, mới đây (ngày 26/7), công ty vừa thông báo điều chỉnh thời gian hạn chế chuyển nhượng cổ phiếu phát hành theo chương trình lựa chọn người lao động (ESOP) năm 2021 xuống còn 2 năm kể từ ngày phát hành.
Cụ thể, theo phương án được Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2021 diễn ra ngày 22/4/2021 thông qua, DIG sẽ phát hành 15 triệu cổ phiếu ESOP cho cán bộ công nhân viên với giá 15.000 đồng/cp. Cổ phiếu ESOP sẽ bị hạn chế chuyển nhượng 3 năm kể từ ngày phát hành. Đợt phát hành sau đó được hoàn tất vào ngày 31/8/2021.
Như vậy, với việc "mở khoá" sớm hơn 1 năm so với kế hoạch ban đầu, 15 triệu cổ phiếu DIG trong đợt ESOP trên dự kiến sẽ được tự do chuyển nhượng kể từ ngày 31/8 năm nay thay vì phải đợi đến ngày 31/8/2024.
Động thái này diễn ra trong bối cảnh cổ phiếu DIG đang có nhịp tăng mạnh trên sàn chứng khoán. Từ giữa tháng 3 đến nay, cổ phiếu này đã tăng hơn 130%, lên mức 25.450 đồng/cp kết phiên 26/7, cao nhất trong vòng hơn 9 tháng. Vốn hoá thị trường tương ứng đạt hơn 15.600 tỷ đồng.