Doanh thu thuần FLC giảm 70%, lỗ ròng hơn 785 tỷ đồng

Trang Mai 09:05 | 31/10/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo báo cáo tài chính Công ty cổ phần Tập đoàn FLC (HOSE: FLC) công bố mới đây, doanh nghiệp có doanh thu giảm một nửa, đồng lợi lợi nhuận cũng âm gần 800 tỷ đồng so với 5.600 tỷ đồng lãi ròng cùng kỳ năm ngoái.

Trong quý III, FLC ghi nhận doanh thu thuần từ bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 431 tỷ đồng, giảm 70% so với quý III/2021. Giá vốn cũng giảm xuống 525 tỷ đồng, lợi nhuận gộp âm 96 tỷ đồng, giảm 774 tỷ đồng, tương đương 60%. Doanh thu hoạt động tài chính giảm 93% xuống còn 17,8 tỷ đồng, chủ yếu từ lãi tiền gửi, tiền cho vay và doanh thu tài chính khác.

Trừ các chi phí, doanh nghiệp âm 787 tỷ đồng trước thuế và lỗ ròng 785 tỷ đồng, giảm mạnh 14.125% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó công ty mẹ lỗ 782 tỷ đồng. Đây đã là quý III lỗ liên tiếp của FLC. 

Kết quả kinh doanh đi xuống trong quý III khiến luỹ kế 9 tháng cũng sụt giảm theo. Cụ thể, FLC ghi nhận doanh thu thuần 2.090 tỷ đồng, giảm 63% và lỗ ròng 1.891 tỷ đồng, trong khi 9 tháng 2021 lãi hơn 69 tỷ đồng.  

Thông tin từ FLC cho biết, doanh nghiệp đặt mục tiêu doanh thu trong năm 2022 gần 27.000 tỉ đồng, với lợi nhuận ước tính 2.100 tỷ đồng. Trong đó, cơ cấu doanh thu lớn nhất thuộc về lĩnh vực bất động sản, với mục tiêu hơn 18 ngàn tỷ đồng; chiếm hơn 67% tổng doanh thu. Các lĩnh vực thương mại, sản xuất, du lịch và các dịch vụ khác dự tính đóng góp gần 33% doanh thu. Sau 9 tháng kinh doanh, tất cả mục tiêu đều chưa thể thực hiện. 

 

Tính đến 30/9, FLC có tổng tài sản 36.216 tỷ đồng, tăng 7% từ đầu năm. Trong đó, tổng tiền mặt và tiền gửi các kỳ hạn của doanh nghiệp đạt 269 tỷ đồng, bao gồm: 12 tỷ đồng tiền mặt tại quỹ, 245 tỷ đồng gửi ngân hàng không kỳ hạn, 496 triệu đồng tiền đang chuyển, hơn 1 tỷ đồng các khoản tương đương tiền và 20 tỷ đồng đầu tư tài chính nắm giữ đến ngày đáo hạn (tiền gửi có kỳ hạn gốc từ trên 3 tháng đến 12 tháng).

 

Các khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng 15.720 tỷ đồng; Hàng tồn kho còn 1.922 tỷ đồng, giảm nhẹ từ đầu năm, chủ yếu là hàng tồn kho bất động sản với gần 1.400 tỷ đồng. Tài sản cố định chiếm 3.311 tỷ đồng. Hết quý III, FLC có 8.712 tỷ đồng chi phí xây dựng cơ bản dở dang, tăng 971 tỷ đồng từ đầu năm. 

 Chi phí xây dựng dở dang của FLC tính đến 30/9. (Ảnh: FLC)

Ngoài ra, tập đoàn dành 4.177 tỷ đồng đầu tư tài chính dài hạn, chủ yếu góp vốn vào Công ty CP Hàng Không Tre Việt (Bamboo Airways) với 4.015 tỷ đồng, tương đương 21,7% vốn của hãng bay này. Phần chia lỗ của FLC trong Bamboo Airways là 1.269 tỷ đồng, tương ứng với giá trị hợp lý còn lại là 2.746 tỷ đồng.

Bên kia bảng cân đối tài chính, FLC ghi nhận tổng nghĩa vụ nợ 28.271 tỷ đồng, chủ yếu là nợ ngắn hạn với 20.180 tỷ đồng. Đáng chú ý là khoản vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn tăng từ 2.035 tỷ đồng đầu năm lên 3.195 tỷ đồng cuối kỳ, chủ yếu FLC vay nợ các ngân hàng thương mại. Khoản người mua trả tiền trước 7.149 tỷ đồng, phải trả ngắn hạn khác hơn 5.643 tỷ đồng. Vay và nợ thuê tài chính dài hạn giảm từ 4.169 tỷ đồng đầu năm xuống còn 1.822 tỷ đồng hết quý. Vốn chủ sở hữu đến 30/9 là 7.945 tỷ đồng.

Về lưu chuyển tiền tệ, dòng tiền thuần từ kinh doanh tăng lên 3.793 tỷ đồng. Dòng tiền đầu tư hiện âm 2.532 tỷ đồng do doanh nghiệp chi hơn 1.718 tỷ đồng cho vay, mua các công cụ nợ của đơn vị khác. Dòng tiền tài chính âm 1.189 tỷ đồng do FLC chi hơn 4.583 tỷ đồng trả nợ gốc vay và 15 tỷ đồng trả nợ gốc thuê tài chính. Lưu chuyển tiền thuần trong kỳ ghi nhận dương 73 tỷ đồng.