Dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội được Quốc hội thông qua, xuất hiện 3 nhà đầu tư lớn

P.V 10:18 | 17/06/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội với tổng mức đầu tư 85.813 tỷ đồng chính thức được Quốc hội thông qua, dự án này hứa hẹn tạo không gian phát triển mới và giải quyết các vấn đề tồn tại của Hà Nội.

Ngày 16/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội với tỷ lệ tán thành 95,18% (474/475 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành).

Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, vành đai liên vùng, khu kinh tế trọng điểm Vùng Thủ đô Hà Nội, kết nối Thủ đô Hà Nội với tỉnh Hưng Yên, tỉnh Bắc Ninh và các địa phương khác trong vùng, phát huy hiệu quả đầu tư đối với các dự án đã và đang được đầu tư, tạo không gian phát triển mới và giải quyết các vấn đề tồn tại của Thủ đô Hà Nội, khai thác tiềm năng sử dụng đất, xây dựng hệ thống đô thị bền vững, hiện đại.

Tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội dài khoảng 112,8 km, chia thành 7 dự án thành phần. Dự án được chuẩn bị đầu tư, thực hiện từ năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027.

Sơ bộ tổng mức đầu tư của Dự án là 85.813 tỷ đồng, trong đó nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 là 41.860 tỷ đồng, giai đoạn 2026 - 2030 là 14.506 tỷ đồng.

Dự án thành phần 3 (dự án PPP) loại hợp đồng Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao (BOT), được áp dụng cơ chế bảo đảm đầu tư, cơ chế chia sẻ phần giảm doanh thu theo quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

Sơ bộ phương án tài chính như sau: Vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước khoảng 27.089 tỷ đồng, chiếm 48% sơ bộ tổng mức đầu tư dự án thành phần 3; Sơ bộ khung giá, phí sử dụng dịch vụ đường bộ theo phương án tài chính của Dự án; Phương án tài chính sẽ được tính toán quyết định cụ thể theo quy định của pháp luật và kết quả đấu thầu khi thực hiện Dự án.

Trước khi Nghị quyết được thông qua, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết.

Về việc suất đầu tư của Dự án Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội cao hơn 1,2 lần so với Dự án đường Vành đai 3 TP HCM, UBTVQH cho biết: Do phương án thiết kế sơ bộ của mỗi dự án có các giải pháp kỹ thuật, khối lượng khác nhau (đường Vành đai 4 có chiều dài cầu cạn 66,72km, chiếm 59% và 03 cầu lớn vượt sông Hồng, sông Đuống, 08 nút giao liên thông; đường Vành đai 3 có chiều dài cầu cạn 12,75km, chiếm 17% và 06 nút giao) do đó suất vốn đầu tư của 2 dự án là có sự khác biệt. Ngoài ra, chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của 2 dự án có sự khác biệt lớn do đơn giá, phạm vi khối lượng khác nhau.

Sơ đồ tuyến đường Vành đai 4 đoạn chạy qua địa phận Hà Nội.

Tuy nhiên, tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan trong bước lập Báo cáo nghiên cứu khả thi căn cứ số liệu khảo sát, phương án thiết kế, khối lượng các hạng mục cụ thể xác định chi tiết tổng mức đầu tư của Dự án bảo đảm phù hợp quy định của pháp luật về quản lý chi phí đầu tư xây dựng.

Một số ý kiến cho rằng phương án đầu tư phân kỳ theo bề rộng nền đường 17m, không có làn dừng xe khẩn cấp sẽ khó bảo đảm an toàn giao thông.

UBTVQH nêu rõ: Trong thời gian đầu khi lưu lượng giao thông chưa cao, việc đầu tư theo phương án phân kỳ mặt cắt ngang 17m sẽ phù hợp với nhu cầu vận tải và khả năng cân đối vốn. Tuy nhiên, việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sẽ được thực hiện theo quy mô 6 làn xe hoàn chỉnh để thuận lợi cho việc mở rộng về sau và bảo đảm tầm nhìn dài hạn.

Để bảo đảm an toàn giao thông trong khai thác, dự kiến các điểm dừng xe khẩn cấp sẽ được bố trí hợp lý, kết hợp với việc vận hành đường bộ cao tốc thông qua hệ thống giao thông thông minh nhằm kịp thời phát hiện, xử lý các tình huống cấp bách để bảo đảm giao thông được thông suốt.

Vingroup, Tập đoàn T&T muốn làm dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội

Theo báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và UBND TP Hà Nội đã nhận được đề xuất của các nhà đầu tư tiềm năng mong muốn được tham gia thực hiện dự án như: Tập đoàn Vingroup - CTCP (Nhà đầu tư đề xuất dự án) hiện do tỉ phú Phạm Nhật Vượng làm Chủ tịch HĐQT; Tập đoàn T&T của Chủ tịch HĐQT Đỗ Quang Hiển (bầu Hiển); Tập đoàn Him Lam do ông Dương Công Minh làm Chủ tịch HĐQT, Công ty CP DIC…

Các nhà đầu tư đều có cam kết đối với việc huy động vốn nhà đầu tư trên thị trường và khẳng định tính khả thi của Dự án nếu được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư. Như vậy, khả năng huy động vốn của doanh nghiệp Dự án sẽ được bảo đảm.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng báo cáo, việc đánh giá cụ thể năng lực tài chính của nhà đầu tư sẽ được tiếp tục thực hiện tại bước đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án. Đồng thời, qua kết quả tính toán sơ bộ về phương án tài chính có các thông số bảo đảm khả thi, thời gian hoàn vốn 21 năm. Do đó, việc áp dụng phương thức đầu tư PPP đối với dự án thành phần 3 là có cơ sở.

Về thẩm quyền, phương thức đầu tư, Quốc hội giao UBND TP Hà Nội chịu trách nhiệm là cơ quan đầu mối tổ chức thực hiện Dự án. Trong đó, Dự án thành phần 3 được áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước để lựa chọn nhà đầu tư.

 

Dự án Vành đai 4 – vùng Thủ đô Hà Nội có chiều dài 112,8 km. Điểm đầu nằm trên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (địa phận xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn, Hà Nội), điểm cuối nằm trên đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long (địa phận huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh).

Dự án qua địa phận 3 tỉnh, thành phố, cụ thể đi qua 7 quận, huyện của Hà Nội gồm Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín và Hà Đông; đi qua 4 huyện của Hưng Yên: Văn Giang, Khoái Châu, Yên Mỹ, Văn Lâm; qua địa phận tỉnh Bắc Ninh: huyện Thuận Thành, Quế Võ, Gia Bình và TP Bắc Ninh.