Vành đai 3 TP HCM hoàn thiện vào năm 2026 có khả thi?

Đông Bắc 09:52 | 16/05/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cho biết, quyết tâm hoàn thành dự án Vành đai 3 vào năm 2025, hoàn thiện toàn bộ, vận hành vào 2026.

Trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến chủ trương đầu tư dự án Vành đai 3 TP HCM. Theo tờ trình của Chính phủ, dự án có quy mô 76,3 km, 4 làn xe cao tốc, tốc độ thiết kế 80 km/h, gồm 8 dự án thành phần. Tổng mức đầu tư sơ bộ là 75.370 tỷ đồng.

Thay mặt cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho hay, Thường trực Ủy ban nhất trí với sự cần thiết đầu tư dự án, song nhận định "khó bảo đảm tiến độ cơ bản hoàn thành trong năm 2025". Cơ quan này đề nghị bổ sung khả năng giải ngân, hấp thụ vốn, phân bổ nguồn lực để bảo đảm tiến độ, chất lượng dự án.

Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị làm rõ sự cần thiết của tuyến đường song hành dự án Vành đai 3 vì "chi phí xây dựng còn lớn hơn đường chính".

Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi lý giải đây là đường cao tốc đô thị nên vai trò đường song hành rất quan trọng. Ở giai đoạn một, đường song hành chỉ bố trí ở khu vực dân cư, có nhu cầu kết nối phục vụ lưu thông, vỉa hè chỉ xây dựng ở đoạn có dân tại các quận Thủ Đức, Thuận An, Dĩ An, Củ Chi...

Ông Mãi đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét trình Quốc hội cho áp dụng cơ chế đặc thù để đảm bảo giải quyết khối lượng công việc và nguồn vốn rất lớn của dự án. Cơ chế đặc thù theo Nghị quyết 43 về chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội chỉ thực hiện trong hai năm (2022-2023). TP HCM xin được áp dụng cơ chế đặc thù trong toàn bộ thời gian thực hiện dự án.

Chủ tịch TP HCM cũng đề nghị cho chỉ định thầu các gói tư vấn, đặc biệt là tư vấn trong thống kê, bồi thường, giải phóng mặt bằng; gói xây lắp thì cơ bản đấu thầu để bảo đảm minh bạch, hạn chế tiêu cực. "Việc triển khai dự án trong thời gian tới là thách thức đối với TP HCM và các địa phương. Chúng tôi tiếp tục chuẩn bị, quyết tâm hoàn thành cơ bản dự án vào cuối năm 2025 để hoàn thiện vào 2026", ông Mãi nói thêm.

Trong khi đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ băn khoăn về tính "hiệu quả trong phân bổ nguồn lực đầu tư công" vì ngoài hai dự án nói trên, tại kỳ họp thứ 3 Chính phủ sẽ trình ba dự án cao tốc khác. Nếu dồn hết vốn vào đây, nhiều địa phương, nhiều dự án sẽ không còn vốn để thực hiện.

Đối với các cơ chế đặc thù, ông Huệ cơ bản đồng tình. Riêng với đề nghị cho phép Chính phủ phát hành trái phiếu để địa phương vay lại nhằm thực hiện dự án, ông đề nghị địa phương tự phát hành, không cần nhờ Chính phủ.

Theo dự kiến chương trình, dự án đường Vành đai 3 TP HCM sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3, khai mạc vào cuối tháng 5.

Sơ đồ tuyến đường vành đai 3 TP HCM.

Rà soát quỹ đất, thực hiện tái định cư, giải phóng mặt bằng

Tại phiên họp giao ban báo chí thường kỳ diễn ra ngày 13/5 vừa qua, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP HCM, đã thông tin về tiến độ thực hiện dự án đường Vành đai 3 TP HCM.

Theo đó, các địa phương có tuyến đường đi qua đã tiến hành rà soát quỹ nhà ở, triển khai phương án bồi thường giải phóng mặt bằng, xem xét quỹ đất có khai thác tạo vốn xây dựng tuyến đường.

Đường Vành đai 3 có tổng chiều dài 76,34km đi qua địa bàn 4 tỉnh, thành phố gồm TP HCM 47,51km; Đồng Nai 11,26km; Bình Dương 10,76km; Long An 6,81km. Điểm đầu công trình là nút giao với đường cao tốc Bến Lức - Long Thành tại huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai; điểm cuối nút giao với đường cao tốc Bến Lức - Long Thành tại huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Tổng mức đầu tư sơ bộ là 75.378 tỷ đồng.

Rút kinh nghiệm từ những dự án trước, ông Trần Quang Lâm cho biết, các địa phương đã rà soát quỹ đất, nguồn vốn phục vụ đầu tư. Riêng TP HCM đã rà soát lại kế hoạch đầu tư trung hạn trong 5 năm để bố trí sắp xếp, ưu tiên vốn cho dự án Vành đai 3. Bên cạnh đó, các địa phương cũng rà soát, sắp xếp đấu giá quỹ đất công dọc theo tuyến đường Vành đai 3 để tạo vốn.
UBND TP HCM đã giao Sở QH-KT và Sở TNMT rà soát toàn bộ quỹ đất liên quan.

Bước đầu xem xét, quỹ đất công của TP HCM dọc tuyến đường Vành đai 3 có hơn 511ha, tính giá sơ bộ gần 30.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, TP HCM cũng rà soát quy hoạch quỹ đất công ở TP Thủ Đức, huyện Hóc Môn, huyện Củ Chi để đấu giá bổ sung nguồn vốn đầu tư cho đường Vành đai 3.

Khi thực hiện dự án có khoảng 3.863 hộ dân bị ảnh hưởng, trong đó khoảng 1.476 hộ dự kiến phải bố trí tái định cư (TP HCM có 741 hộ, tỉnh Đồng Nai 100 hộ, tỉnh Bình Dương 515 hộ và tỉnh Long An 120 hộ). Trong quá trình giải phóng mặt bằng, TP HCM sẽ triển khai cơ chế chỉ định đấu thầu từ khâu khảo sát, xây dựng, tái định cư… Tỉnh Bình Dương dự kiến sẽ bồi thường bằng tiền.

TP HCM sẽ là “nhạc trưởng” kết nối, phối hợp với các tỉnh từ kỹ thuật, tiến độ chung đến vật liệu xây dựng.

Dự kiến, năm 2022 chuẩn bị dự án, năm 2023 khởi công và cơ bản hoàn thành năm 2025, hoàn thành toàn bộ năm 2026.