Dự báo giá Bitcoin rơi xuống vùng hỗ trợ 32.000 USD, thậm chí lao dốc sâu hơn
Kết thúc phiên giao dịch 6/5 trên sàn Mỹ, giá Bitcoin giao dịch ở mức 35.944,12 USD, theo Coin Metrics. Chỉ một phiên trước đó, Bitcoin giảm mạnh khoảng 8%, cùng thời điểm với đợt bán tháo tồi tệ trên phố Wall sau khi nhà đầu tư xem xét lại thông điệp từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) về việc tăng lãi suất cơ bản 0,5 điểm phần trăm.
Như vậy, trong 8 phiên giao dịch gần nhất, Bitcoin đã kết thúc trong sắc đỏ ở 7 phiên. Tính đến thời điểm hiện tại, Bitcoin đã giảm hơn 20% trong năm nay. Những diễn biến ảm đạm làm dấy lên lo ngại về một đà trượt giá có thể đưa đồng tiền điện tử phổ biến nhất thế giới tụt xuống dưới ngưỡng 32.000 USD, thấp hơn vùng dao động 33.000 USD - 48.000 USD mà giá Bitcoin được nhìn thấy từ đầu năm đến nay. Lần gần nhất Bitcoin lao xuống ngưỡng 32.000 USD là vào tháng 7/2021.
Ông Edul Patel, Giám đốc điều hành và đồng sáng lập của Mudrex, một nền tảng đầu tư tiền điện tử dựa trên thuật toán thì nhận định rằng việc Bitcoin giảm gần 10% trong 2 phiên gần nhất đang phá vỡ vùng giá hỗ trợ, mở ra nguy cơ giảm sâu hơn nữa. “Vùng hỗ trợ của Bitcoin hiện nằm dưới mức 32.000 USD”.
Ông Jeffrey Halley, nhà phân tích thị trường cấp cao tại Oanda khu vực châu Á Thái Bình Dương cho biết: “Nếu niềm tin thị trường tiếp tục giảm do lo sợ những rủi ro, giá Bitcoin có thể đang trên đường lao dốc xuống ngưỡng 28.000 USD và sau đó là 20.000 USD”.
Còn ông Vijay Ayyar, phó chủ tịch phát triển công ty và quốc tế tại sàn giao dịch tiền điện tử Luno thì nhận định Bitcoin đã mất mức quan trọng khi giảm xuống dưới 37.500 USD, điều này có thể báo hiệu những mức giảm trong vài ngày tới. Ông cho biết mức giảm tiếp theo là 30.000 USD, nhưng nếu bitcoin không giữ được mình ở mức đó, nó có thể lao đầu xuống 25.000 USD.
David Duong, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu thể chế tại Coinbase Global Inc., bình luận rằng thị trường tiền điện tử nói chung và Bitcoin nói riêng đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn khi các ngân hàng trung ương lớn siết chặt chính sách tiền tệ để đối phó với lạm phát tăng nóng, cũng như sự không chắc chắn về phục hồi của nền kinh tế toàn cầu.
Trong một góc nhìn tương tự, ông Michael Novogratz, Giám đốc điều hành của Galaxy Digital cho hay việc tăng lãi suất và thắt chặt chính sách tiền tệ của FED đã làm dấy lên nhiều lo ngại rằng nền kinh tế có thể rơi vào suy thoái. “Điều khác biệt so với những lần khủng hoảng tài chính năm 2008 và khủng hoảng đại dịch COVID-19 vừa qua là lần này, chúng ta không còn ‘cứu viện’. Sẽ không có bất kỳ sự bơm thanh khoản khổng lồ nào để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi hình chữ V”.
Bất chấp nỗi sợ hãi và sự không chắc chắn bao phủ trên thị trường, sự quan tâm của các tổ chức và nhà đầu tư dài hạn với tiền điện tử vẫn rất mạnh mẽ. Ông Novogratz cho biết: “Thật ngạc nhiên khi xem xét dòng vốn từ các tổ chức bắt đầu đổ vào tiền điện tử. Từ BlackRock, Blackstone cho đến Citadel, Apollo đều đang xây dựng những nỗ lực lớn về tiền điện tử”.
Hệ số tương quan trong 90 ngày của Bitcoin và các cổ phiếu công nghệ hiện ở mức 0,67 điểm, mức cao nhất trong dữ liệu mà Bloomberg ghi nhận kể từ năm 2010. Hệ số 1 nghĩa là hai tài sản này di chuyển cùng chiều, ngược lại hệ số -1 cho thấy sự chuyển động ngược chiều.
Trong thời gian Bitcoin ghi nhận đà bán tháo, các cổ phiếu công nghệ trên phố Wall cũng trải qua chuỗi ngày tràn sắc đỏ. Đơn cử, tại phiên 5/5, phiên Bitcoin giảm sâu 8% trong một ngày giao dịch tệ nhất kể từ đầu năm, hàng loạt cổ phiếu công nghệ cũng nằm sàn. Chỉ số Nasdaq Composite thiên về công nghệ giảm 4,99% xuống 12.317,69 điểm, mức đóng cửa thấp nhất kể từ tháng 11/2020 và là ngày giảm tồi tệ nhất của chỉ số này kể từ tháng 6/2020 đến nay. Nasdaq 100 đã ghi nhận tuần thứ 5 liên tiếp giảm.
Nhóm công nghệ chịu tác động hàng đầu, hàng trăm tỷ USD vốn hóa 'bốc hơi' khỏi thị trường. Cổ phiếu gã khổng lồ thương mại điện tử Amazon tụt mạnh 8% trong khi cổ phiếu Meta, công ty mẹ của Facebook giảm khoảng 7%; cổ phiếu Apple bay hơi 6%; cổ phiếu Alphabet - công ty mẹ của Google - mất 5% và Microsoft mất 4%.