Dự báo lạm phát năm nay khoảng 3,9%: Cảnh giác với giá tăng kiểu 'té nước theo mưa'

Nguyễn Thị Thùy Dung 11:46 | 23/04/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Đoàn cán bộ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) do bà Era Dabla-Norris làm trưởng đoàn vừa đưa ra dự báo lạm phát Việt Nam năm 2022 khoảng 3,9%, tức tăng gấp đôi so với năm 2021. Các chuyên gia trong nước cho rằng bên cạnh sức ép lạm phát từ hai phía cầu kéo và chi phí đẩy, cũng cần cảnh giác với lạm phát tâm lý.

IMF dự báo lạm phát tăng
nhưng vẫn dưới mức mục tiêu

Phái đoàn IMF cho biết nhờ chiến dịch triển khai tiêm vaccine COVID-19 thành công đạt tỷ lệ bao phủ cao và các chính sách hỗ trợ tăng trưởng, nền kinh tế Việt Nam đang cho thấy tín hiệu phục hồi sáng sủa.

Tuy nhiên, phái đoàn cảnh báo sự phục hồi diễn ra không đồng đều, khu vực dịch vụ phục hồi với tốc độ chậm hơn phần còn lại của nền kinh tế trong khi các rủi ro tài chính và bất bình đẳng dường như đã gia tăng. “Triển vọng kinh tế trong thời gian tới đối diện với một số rủi ro đáng kể. Các rủi ro tăng trưởng thiên về hướng làm giảm tăng trưởng, trong khi những rủi ro lạm phát thiên về hướng làm tăng lạm phát", bà Dabla-Norris cảnh báo.

Dù vậy, phái đoàn IMF dự báo lạm phát tại Việt Nam năm 2022 ở mức 3,9%, tức hơn gấp đôi mức lạm phát trong năm 2021, nhưng vẫn nằm dưới mục tiêu 4%. Tăng trưởng GDP trong năm dự báo đạt 6%, tức có khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng 6-6,5% mà Quốc hội đưa ra.

Vào tháng 3, chỉ số CPI tại Việt Nam đã tăng 2,41% so với cùng kỳ 2021

Cũng theo IMF, trong chương trình hỗ trợ kinh tế, chính sách tài khoá cần đóng vai trò chủ đạo bởi dư địa để tiếp tục nới lỏng tiền tệ còn rất hạn chế trong bối cảnh các rủi ro lạm phát đang gia tăng.

Cụ thể, IMF khuyến cáo chính sách tài khóa thời gian tới cần cân bằng giữa các hỗ trợ có mục tiêu mang tính tạm thời và các hỗ trợ mang tính dài hơi để thúc đẩy quá trình chuyển đổi kinh tế. Trong khi đó, chính sách tiền tệ nên tiếp tục thận trọng trước các áp lực lạm phát đang gia tăng.

“Nếu xuất hiện áp lực lạm phát dai dẳng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nên thắt chặt vị thế chính sách tiền tệ và truyền thông rõ ràng những yếu tố dẫn đến quyết định này để giúp kiểm soát lạm phát", trưởng phái đoàn của IMF, bà Dabla-Norris khuyến nghị.

Chuyên gia trong nước khuyến cáo
cảnh giác với lạm phát tâm lý

Áp lực lạm phát tăng trong năm 2022 là điều đã được dự báo trước cả khi chiến sự Ukraine bùng nổ làm trầm trọng thêm tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trao đổi với Doanh nhân Việt Nam, chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh nhận định trong năm nay, có nhiều yếu tố làm gia tăng áp lực lạm phát, trong đó các yếu tố tác động lớn nhất là lạm phát nhập khẩu và việc điều hành chính sách của các cơ quan quản lý, đặc biệt là triển khai Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội.

Chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh. Ảnh: Dân Việt.

Cụ thể, theo TS. Ánh, rủi ro lạm phát năm nay đến từ cả hai phía: cầu kéo và chi phí đẩy.

Về phía cầu kéo, có thể thấy sự phục hồi của tiêu dùng thể hiện qua tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 3/2022 tăng 2,9% so với tháng trước và tăng 9,4% so với cùng kỳ năm 2021. Tính chung quý I/2022, con số này tăng 4,4% so với cùng kỳ 2021, cao hơn đáng kể so với mức tăng 3,5% của quý I/2020. 

“Năm 2021, áp lực lạm phát cũng rất lớn khi lạm phát toàn cầu tăng vọt, nhưng tại Việt Nam, lạm phát chưa tới 2%. Nguyên nhân cơ bản là sức cầu trong nước còn yếu. Một trong những mục tiêu quan trọng của gói kích thích kinh tế năm 2022-2023 là kích cầu tiêu dùng. Nếu kích cầu thành công thì rào cản lớn nhất để lạm phát không tăng - như trong năm 2021 - sẽ bị phá vỡ, lạm phát sẽ không còn bị kìm cương”, TS. Vũ Đình Ánh nhận định.

Bên cạnh đó, TS. Ánh cho rằng việc triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sẽ đẩy một lượng tiền đáng kể ra thị trường. Do đó, nếu không kiểm soát tốt sẽ dẫn đến lạm phát tiền tệ.

Về phía chi phí đẩy, áp lực nhập khẩu lạm phát trong bối cảnh giá nhiên nguyên vật liệu thế giới tăng vọt suốt thời gian qua cũng là mối quan ngại. Chẳng hạn, giá xăng dầu vừa có đợt điều chỉnh tăng trở lại do áp lực giá thế giới sau 3 lần điều chỉnh giảm liên tiếp trước đó.

Ngoài ra, TS. Ánh cũng đề cập đến một yếu tố quan trọng không kém là lạm phát tâm lý. “Lạm phát là hiện tượng tương lai, nhưng một khi số đông cho rằng lạm phát sẽ tăng thì họ sẽ tìm cách trốn chạy lạm phát, chẳng hạn như chối bỏ đồng tiền có khả năng lạm phát cao để tìm đến các tài sản trú ẩn an toàn. Ngay lập tức, trên thị trường tràn ngập tiền mặt trong khi giá tài sản trú ẩn tăng cao", TS. Vũ Đình Ánh lý giải.

"Khi ai cũng chối bỏ đồng tiền thì vòng quay đồng tiền sẽ tăng nhanh, tương tự như hiện tượng “củ khoai tây nóng”, cầm là bỏng tay nên chẳng ai muốn cầm lâu cả. Cứ như vậy, lạm phát sẽ tăng lên xuất phát từ chính lạm phát tâm lý ban đầu”, vị chuyên gia kinh tế nói thêm. 

Tương tự, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV cũng từng cảnh báo rằng khi giá xăng dầu tăng, các mặt hàng khác cũng có xu hướng tăng theo phong trào, tăng kiểu “té nước theo mưa” do tâm lý lo lạm phát của người dân.

Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính (Bộ Tài chính) nhận định trong nhiều trường hợp, kỳ vọng của người dân về lạm phát trong tương lai có khả năng tác động rất nhanh và trực tiếp đến tình hình giá chung, thậm chí tạo nên mặt bằng giá mới trước cả khi lạm phát thực sự phản ánh vào giá sản xuất.

Từ phía cung cung, công tác kiểm soát lạm phát trong tình hình hiện nay đối diện nhiều thách thức do áp lực lạm phát hiện tại chủ yếu đến từ nhập khẩu lạm phát khi giá cả thế giới tăng phi mã.

Biến động của giá xăng trong nước thời gian qua cho thấy sức ép lạm phát nhập khẩu rất lớn, gây khó khăn cho điều hành lạm phát

Từ phía cầu, biện pháp kỹ thuật kiểm soát lạm phát cầu kéo là thắt chặt tài khóa và tiền tệ. Nhưng trong bối cảnh nền kinh tế chật vật phục hồi sau đại dịch, Chính phủ cùng Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính và các bộ ngành liên quan cho đến nay vẫn kiên trì chủ trương hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.

Trong bối cảnh mục tiêu kiểm soát trong năm 2022 vốn đã rất thách thức, càng cần ổn định tâm lý người tiêu dùng, tránh để tâm lý lo lạm phát đẩy lạm phát lên cao hơn và giảm hiệu quả của chính sách điều hành lạm phát cũng như các gói hỗ trợ kinh tế.