Dự báo nửa đầu năm 2023 đầy thách thức, ngành dệt may cần chuẩn bị cho ‘mùa đông' đến gần
Xuất khẩu dệt may lần đầu ghi nhận tăng trưởng âm trong năm 2022
Theo số liệu sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trị giá xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam trong tháng 11/2022 ghi nhận 2,9 tỷ USD, giảm 5,2% so với cùng kỳ năm ngoái dù tăng 7% so với tháng 10.
Xét theo thị trường, có thể thấy xuất khẩu hàng dệt may sang loạt thị trường trọng tâm cũng có xu hướng giảm về cuối năm. Chẳng hạn, với thị trường Hoa Kỳ - nhà nhập khẩu dệt may lớn nhất của Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu tháng 11 ước đạt 1,2 tỷ USD, giảm 18,5% so với cùng kỳ 2021 dù tăng 18,3% so với tháng 10. Hay kim ngạch xuất khẩu sang thị trường láng giềng Trung Quốc cũng ghi nhận giảm 9,8% so với cùng kỳ năm trước xuống 110 triệu USD, dù vẫn tăng 36,4% so với tháng 10. Xuất khẩu sang Hàn Quốc chỉ đạt 191 triệu USD, giảm 22,6% so với cùng kỳ và giảm 43,3% so với tháng 10.
Bù lại, với một số thị trường như EU và Nhật Bản, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may vẫn đang tăng trưởng dương. Trong đó, xuất khẩu sang EU tháng 11 đạt 376 triệu USD, tăng 19,8% so với cùng kỳ năm 2021 và tăng 5,6% so với tháng 10. Xuất khẩu sang Nhật Bản đạt 395 triệu USD, tăng 19% so với cùng kỳ và tăng 4,6% so với tháng 10.
Trên khía cạnh sản xuất, sản lượng sản xuất hàng may mặc trong tháng 11 đạt 431,8 triệu cái, giảm 0,2% so với cùng kỳ nhưng tăng 6,8% so với tháng 10.
Đáng chú ý, những số liệu tháng 11 cũng chỉ ra rằng xuất khẩu xơ sợi đang nối dài đà lao dốc với trị giá xuất khẩu xơ sợi cả nước trong tháng chỉ đạt 305 triệu USD, giảm 40,6% so với cùng kỳ 2021. Nếu so với tháng 10, xuất khẩu xơ sợi tháng 11 cũng giảm 1%.
Với thị trường Trung Quốc, đối tác nhập khẩu xơ sợi lớn nhất của nước ta và chiếm hơn 40% kim ngạch nhập khẩu, giá trị xuất xơ sợi tháng 11 chỉ đạt 145 triệu USD, giảm mạnh 45,5% so với cùng kỳ do ảnh hưởng từ chính sách zero-Covid.
Số liệu xuất khẩu xơ sợi sang thị trường Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản và Hàn Quốc trong tháng 11 ghi nhận nhiều mức sụt giảm mạnh, với giá trị lần lượt đạt 10,7 triệu USD (-24,9 svck), 3,6 triệu USD (-12,3% svck), 8,6 triệu USD (+1,9% svck) và 31,7 triệu USD (-40,1% svck).
Không chỉ kim ngạch, giá xuất khẩu xơ sợi bình quân trong tháng 11/2022 cũng giảm mạnh 21,7% so với tháng 11/2021 và giảm 3,4% so với tháng 10 xuống chỉ còn 2.551 USD/ tấn.
Nhìn chung, xuất khẩu hàng may mặc trong 11 tháng năm 2022 tăng 18,7% so với 11 tháng năm 2021, đạt gần 34,6 tỷ USD, chủ yếu nhờ kết quả khả quan của hai quý đầu năm. Tuy vậy, xuất khẩu xơ sợi lại không mấy khả quan khi chứng kiến mức tăng trưởng âm 13,6% so với cùng kỳ và trị giá xuất khẩu chỉ đạt 4,4 tỷ USD sau 11 tháng.
“Mùa đông” đang đến gần
Thực trạng đơn hàng giảm ngày càng tạo ra thách thức với các doanh nghiệp dệt may trong nước trong bối cảnh các thị trường nhập khẩu quen thuộc đối diện với khó khăn kinh tế.
Dự báo mới đây của Hiệp Hội Dệt May Việt Nam (VITAS) nhận định ngành sẽ đối mặt với sự sụt giảm mạnh đơn hàng từ các thị trường xuất khẩu chính ít nhất là cho đến quý I/2023, trong bối cảnh lượng hàng tồn kho ở mức cao và lạm phát cao làm giảm tiêu thụ toàn cầu.
VITAS cũng cho biết thực trạng các doanh nghiệp dệt may trong nước đang phải cắt giảm từ 10-15% sản lượng và một số doanh nghiệp buộc phải cắt giảm lao động kể từ đầu quý III/2022. Trong khi đó, nhiều công ty cho biết giá trị đơn hàng đang phải chịu áp lực giảm giá từ các nhà bán lẻ nước ngoài.
Từ những yếu tố như vậy, trong báo cáo triển vọng ngành công bố vào giữa tháng 12, Chứng khoán KIS Việt Nam đánh giá triển vọng của ngành dệt may là kém khả quan trong tháng 12 và quý I/2023 trong bối cảnh số lượng đơn hàng tiếp tục bị ảnh hưởng tiêu cực do nhu cầu toàn cầu suy giảm đối với các sản phẩm may mặc.
Tương tự nhận định này, trong một báo cáo triển vọng ngành vào cuối tháng 11, Chứng khoán Nhất Việt cũng dự báo với việc lượng hàng tồn kho vẫn ở mức cao cùng với nhu cầu sụt giảm do lạm phát, nguy cơ ngành dệt may sẽ còn tiếp tục khó khăn trong các tháng cuối năm 2022 và sang cả năm 2023, cho đến khi nhu cầu sử dụng hàng may mặc hồi phục trở lại ở các thị trường chính như Hoa Kỳ, Châu Âu…
Nhóm nghiên cứu Chứng khoán Nhất Việt chỉ ra một số thách thức cơ bản với ngành: mặc dù giá nguyên vật liệu đầu vào chính suy giảm nhưng giá bán giảm theo nên biên lợi nhuận gộp không được cải thiện, trong khi đó lỗ tỷ giá tăng mạnh. Cùng đó, chi phí nhân công tăng cao trong môi trường cạnh tranh làm các doanh nghiệp mất dần lợi thế. Đặc biệt, nhu cầu sụt giảm tại 2 thị trường lớn nhất là Mỹ (đang đối diện lạm phát cao) và EU (đang trong khủng hoảng năng lượng) trong khi lượng hàng tồn kho cao đã khiến nhiều đơn hàng bị hủy; dự báo sức mua khó hồi phục trong vòng 1 năm tới.
Dự phóng kết quả kinh doanh của một số doanh nghiệp lớn trong ngành, chứng khoán Nhất Việt cho rằng cả TNG và May Sông Hồng (MSH) đều ghi nhận doanh thu và lợi nhuận năm 2023 sụt giảm.
Cụ thể, TNG được dự báo doanh thu năm 2022 đạt 6.305 tỷ đồng, tăng 15,8% so với năm 2021. Lãi ròng đạt 290 tỷ đồng, tăng 25%. Tuy nhiên, sang năm 2023, dự phóng cả doanh thu và lợi nhuận đều giảm đáng kể với mức giảm lần lượt 3,25% và 15,8% xuống 6.100 tỷ đồng và 244 tỷ đồng.
Với May Sông Hồng, nhóm phân tích dự báo doanh thu năm 2022 tăng mạnh hơn 18% so với năm 2021, đạt 5.623 tỷ đồng nhưng lợi nhuận ròng lại giảm mạnh 23,6% xuống chỉ còn 337 tỷ đồng. Năm 2023, dự phóng cả doanh thu và lợi nhuận giảm xuống lần lượt đạt 4.802 tỷ đồng (-14% svck) và 312 tỷ đồng (-7,4% svck).
Một báo cáo hồi tháng 11 của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cập nhật triển vọng ngành dệt may cũng dự báo kim ngạch xuất khẩu của ngành có khả năng xấu đi trong nửa đầu 2023 do những diễn biến bất lợi của tình hình vĩ mô tiếp tục gây áp lực lên sức tiêu dùng tại các thị trường xuất khẩu dệt may chính của Việt Nam. Nhất là với thị trường xuất khẩu chủ lực hàng dệt may Việt Nam là Hoa Kỳ, lạm phát dự kiến sẽ giảm từ từ, qua đó tiếp tục tác động tiêu cực lên nhu cầu tiêu dùng của nhóm hàng không thiết yếu, bao gồm sản phẩm may mặc.
"Trong khi nhu cầu tại các thị trường xuất khẩu chậm lại, hàng tồn kho các sản phẩm may mặc của các nhà bán lẻ và các nhãn hàng tiếp tục ở mức cao sẽ làm xấu đi triển vọng đơn hàng dệt may của Việt Nam trong nửa đầu năm tới. Với 2023, chúng tôi tin rằng đây sẽ là một năm đầy thách thức phía trước. Chúng tôi cũng khuyến nghị các nhà đầu tư chờ đợi các tín hiệu về triền vọng tiêu thụ phục hồi trở lại", Chứng khoán VDSC khuyến nghị.