Dư địa phát triển kinh tế số Việt Nam còn rất lớn

20:29 | 07/03/2019 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ trong thời gian qua, kinh tế số đã được xác định là một trong những trụ cột quan trọng và có vai trò tất yếu đối với tăng trưởng kinh tế, tạo ra bước đột phá cho các quốc gia.

Nhằm nắm bắt xu hướng tất yếu, cơ hội và thách thức của nền kinh tế số, Bộ Công Thương đã phối hợp cùng Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức Hội thảo “Những vấn đề chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế số Việt Nam” vào sáng 7/3.

Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho biết: Ngày nay, một nửa dân số thế giới đã kết nối trực tuyến, một phần ba trên mạng xã hội, 53% là qua điện thoại di động và bao phủ ở mọi lứa tuổi, chủng tộc, địa lý và trình độ trên khắp hành tinh. Ước tính kinh tế số khu vực Đông Nam Á đạt 72 tỷ USD năm 2018 và dự kiến đạt 240 tỷ USD năm vào năm 2025. Trong đó, khu vực châu Á - Thái Bình Dương, kinh tế số được dự đoán có thể chiếm tới 60% GDP khu vực vào năm 2021. Nền kinh tế số hiện nay ngày càng bao phủ trong tất cả các khía cạnh kinh tế, xã hội.

Theo Thứ trưởng Cao Quốc Hưng, từ những số liệu thống kê trên cho thấy thương mại điện tử xuyên biên giới đã tạo ra hàng nghìn tỷ USD trong hoạt động kinh tế những năm gần đây và đang tiếp tục tăng tốc. Khả năng truyền dữ liệu xuyên biên giới tạo nền tảng cho các mô hình kinh doanh mới, giúp tăng trưởng 10% GDP toàn cầu trong một thập kỷ qua. Nhìn chung, cuộc cách mạng 4.0 được xây dựng trên nền tảng của cuộc cách mạng kỹ thuật số với các công nghệ tiên tiến ngày càng giúp thu hẹp khoảng cách giữa thế giới thực và thế giới mạng. 

Dư địa phát triển kinh tế số Việt Nam còn rất lớn - ảnh 1
 Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng. 

Cùng với đó, cuộc cách mạng 4.0 góp phần đáng kể vào việc chuyển dịch nền kinh tế số trên toàn cầu và tạo ra nhiều cơ hội cho các nền kinh tế vì nó có tiềm năng tạo ra sự thay đổi to lớn trong môi trường xã hội và các hoạt động kinh tế. Nền kinh tế số còn góp phần tạo ra tăng trưởng cao, đổi mới nhanh chóng và ứng dụng rộng rãi vào các ngành kinh tế khác nhau. Hơn nữa, nền kinh tế số cho phép các doanh nghiệp trong khu vực hội nhập toàn cầu, phù hợp với xu hướng dài hạn hướng tới tự do hóa thị trường và giảm đi các rào cản thương mại.

Tuy nhiên, cùng với những thuận lợi mang lại, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng cũng cho rằng, Chính phủ, doanh nghiệp và người dân đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc hiện thực hóa các lợi ích tiềm năng của nền kinh tế số. Những vấn đề đó có thể bao gồm: Khoảng cách và sự khác biệt về quy định pháp lý và cơ sở hạ tầng, cơ sở hạ tầng còn yếu kém, khả năng thích ứng chuyển đổi công nghệ kém, kỹ năng phát triển kèm theo còn chưa tương ứng, rào cản kinh tế xã hội, các vấn đề liên quan đến niềm tin, quyền bảo mật và minh bạch, hiểu biết hạn chế về sự khác biệt trong việc tiếp cận và thích ứng với sự phát triển của công nghệ của người dân ở các quốc gia khác nhau, v.v...

Do đó, đứng từ góc độ là cơ quan quản lý nhà nước, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng cho biết, Bộ Công Thương đã đánh giá việc xây dựng, điều chỉnh chính sách để hỗ trợ kinh tế số phát triển là một nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.

Dư địa phát triển kinh tế số Việt Nam còn rất lớn - ảnh 2
 Dư địa phát triển kinh tế số Việt Nam còn rất lớn.
Trong báo cáo về tình hình phát triển kinh tế số tại Việt Nam, ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, hiện tại, có hơn 96 triệu dân số, 64 triệu người sử dụng Internet, 57% dân số có tài khoản mạng xã hội. Chỉ trong năm 2018 thương mại điện tử tăng trưởng 30% với tổng doanh thu bán lẻ của thương mại điện tử đạt 8 tỷ USD. Dự kiến, đến năm 2020 con số này sẽ đạt từ 13-15 tỷ USD. Trong thời gian qua, thương mại điện tử (TMĐT) tại các thành phố lớn ở Việt Nam khá phát triển, nhưng việc hỗ trợ TMĐT tại các địa phương còn rất kém, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố vùng sâu, vùng xa. Một trong những trở ngại chính trong phát triển TMĐT tại những nơi này, theo ông Hải chính là vấn đề logistics kém phát triển. Trong khi TMĐT là công cụ giúp đưa hàng hóa, nông sản của nhiều địa phương đi xa hơn, đến các thị trường trong nước và thế giới, nhưng khi logistics và TMĐT chưa phát triển nên quá trình này đến nay còn rất nhiều hạn chế.
Nhìn nhận về quá trình hoàn thiện khung chính sách cho phát triển kinh tế số tại Việt Nam, ông Hải cho rằng, thời gian qua, những văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực kinh tế số đã có cơ sở khá đầy đủ. Cụ thể, sự hỗ trợ về pháp lý trong phát triển KTS của Việt Nam nằm trong số 78% các quốc gia trên thế giới có giao dịch điện tử. Việt Nam nằm trong số 38% quốc gia có chính sách bảo vệ người tiêu dùng; 45% quốc gia có chính sách bảo vệ dữ liệu cá nhân và trong số 75% quốc gia có Luật An ninh mạng.
Tuy nhiên, ông Hải cũng mong muốn, song song với kế hoạch phát triển tổng thể, cần hoàn thiện chính sách cho kinh tế số cũng như quy mô của thị trường bằng cách thúc đẩy TMĐT tại các địa phương. Nhà nước cần tích cực tham gia hỗ trợ các doanh nghiệp triển khai ứng dụng TMĐT. Đây cũng chính là mục tiêu mà Cục TMĐT sẽ cải tiến trong Mục tiêu phát triển TMĐT giai đoạn sau năm 2020.
Còn theo đánh giá của bà Natasha Beschorner, chuyên gia cao cấp về chính sách công nghệ thông tin (WB), Việt Nam nằm trong khu vực mà thị trường, phát triển doanh nghiệp số có tiềm năng tăng trưởng nhanh chóng như Google. Nhưng nền kinh tế số không phải chỉ sử dụng internet, quan trọng là lồng ghép áp dụng những dịch vụ số của Chính phủ và doanh nghiệp. Mặc dù, hiện nay tỉ lệ thanh toán số thấp, thanh toán tiền mặt được ưa chuộng hơn. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để tăng tốc hơn nữa cũng như tăng cường khả năng cạnh tranh của mình. Do đó, một môi trường kiến tạo sẽ quyết định tốc độ và chất lượng phát triển kinh tế kỹ thuật số tại Việt Nam và lợi ích mang lại cho người dân.