Dự đoán mới nhất về xu hướng chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương
Trong báo cáo phân tích về triển vọng lạm phát hôm 20/8, chuyên gia Avery Shenfeld của Ngân hàng thương mại hoàng gia Canada (CIBC) cho rằng chỉ số thị trường lao động sẽ được dùng là chỉ dẫn thực tế chính, vượt trên cả chỉ số GDP để dự báo các quyết định lãi suất của Ngân hàng trung ương.
Shenfeld cho biết trong nhiều thập kỷ BoC thường gắn đánh giá xu hướng tăng hay giảm của lạm phát theo biến động của GDP để đánh giá khả năng phi lạm phát hay còn gọi là đánh giá khoảng cách sản lượng.
Mặc dù trong báo cáo về chính sách tiền tệ vẫn sử dụng theo những thuật ngữ này, nhưng thực tế cách tính toán theo khoảng cách sản lượng không còn là công cụ hữu ích hoặc được coi là chỉ dẫn thực tế để dự báo các quyết định về lãi suất của Ngân hàng trung ương kể từ mùa Thu năm 2021.
Chuyên gia kinh tế cấp cao Ali Jaffery của CIBC nói thêm rằng việc đo lường khoảng cách sản lượng luôn là một thách thức và nó trở nên đặc biệt khó khăn trong năm 2021 khi GDP thực tế của Canada vẫn ở dưới mức trước đại dịch COVID-19, nhưng thị trường lao động lại bị thắt chặt.
Điều này có nghĩa là điểm khởi đầu cho khoảng cách về sản lượng và tốc độ tăng trưởng tiếp theo không còn đưa ra được chỉ dẫn ổn định về việc liệu nền kinh tế có đang quá nóng và có khả năng đẩy lạm phát lên hay kéo nó xuống hay không.
Do vậy, BoC cần một chỉ dẫn mới để có thể dự báo các quyết định về lãi suất và dấu hiệu đó là chỉ số về thị trường lao động, bao gồm tỷ lệ thất nghiệp, tỷ lệ trống việc làm và tăng trưởng tiền lương, những cái có thể cho thấy liệu thị trường việc làm có dư cung hoặc cầu hay không.
Bản báo cáo việc làm gần đây cho thấy nền kinh tế bất ngờ mất đi 6.400 việc làm trong tháng 7/2023 và tỷ lệ thất nghiệp tăng cao trong tháng thứ 3 liên tiếp. Điều này làm tăng thêm dự báo rằng BoC sẽ không tăng lãi suất và tạm dừng chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ của mình vào đầu tháng 9 này.
Tuy nhiên, các nhà kinh tế truyền thống lại cho rằng chỉ số GDP sắp được công bố vào cuối tuần này sẽ là chỉ báo quan trọng đối với quyết định của BoC vào đầu tháng 9/2023. Dự báo tăng trưởng kinh tế chậm lại trong quý 2/2023 sẽ thuyết phục được BoC tạm dừng chu kỳ tăng lãi suất cho dù chỉ số lạm phát ở mức 3,3% gần đây có cao hơn mức phạm vi cho phép từ 1% đến 3%.
Hai nhà kinh tế Nathan Janzen và Claire Fan của Ngân hàng hoàng gia Canada (RBC) nhận định rằng các ước tính sơ bộ về GDP quý II/2023 (tăng trưởng trong khoảng 0,5% đến 1,5%) thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng 3,1% của quý trước cho thấy nền kinh tế đang chậm lại. Đây là dấu hiệu để BoC tạm thời bỏ qua một đợt tăng lãi suất vào tháng 9 tới.
Ngân hàng RBC cũng đánh giá rằng thị trường lao động đã có dấu hiệu hạ nhiệt, với tỷ lệ thất nghiệp tăng 0,5 điểm phần trăm trong 3 tháng tính đến tháng 7/2023 sẽ khiến BoC duy trì mức lãi suất hiện nay. Tuy nhiên, đây chỉ là hành động tạm thời bởi khả năng lãi suất cơ bản sẽ phải đạt mức 5,25% trước cuối năm nay.
Có thể thấy rằng thước đo về thị trường lao động hay thước đó về khoảng cách sản lượng của các chuyên gia kinh tế đều dẫn tới khả năng BoC sẽ ngừng chu kỳ tăng lãi suất cơ bản vào đầu tháng tới bởi kinh tế Canada đang bước vào suy thoái.
Các chuyên gia nhận định sự suy thoái này là hệ quả đã được dự kiến từ việc tăng lãi suất để điều chỉnh cung cầu của BoC mặc dù điều này chưa chắc ngăn cản được ý định điều chỉnh của họ bởi tỷ lệ lạm phát vẫn ở ngoài phạm vi cho phép.
Việc thắt chặt chính sách tiền tệ để giảm lạm phát sẽ dẫn tới lãi suất cao hơn đối với các khoản vay thế chấp và tín chấp, buộc người tiêu dùng và doanh nghiệp phải giảm bớt nhu cầu đang tác động tiêu cực lên nền kinh tế và điều này sẽ dẫn tới giảm sức nóng tăng trưởng. Đây có thể mới là lý do chính trong quyết định điều chỉnh chính sách lãi suất của BoC trong thời gian tới./.