Nhiều ngân hàng Việt được nâng xếp hạng

Minh Phương 09:50 | 26/03/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo TS Phạm Minh Tú, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, một trong những công cụ giám sát quan trọng của cơ quan quản lý là hoạt động xếp hạng các tổ chức tín dụng (TCTD) để phục vụ công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực ngân hàng nói chung và trong công tác thanh tra, giám sát, cấp phép, cơ cấu lại TCTD nói riêng.

 

Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu kinh tế trên thế giới đều chỉ ra rằng, việc xếp hạng các TCTD là một trong những công cụ quan trọng của chính sách an toàn hoạt động ngân hàng. Để có thể nắm bắt chính xác được tình hình hoạt động, sức khỏe của các TCTD thì hệ thống tiêu chí xếp hạng đóng vai trong quan trọng nhất trong việc xếp hạng các TCTD.

Trước đó, Moody's đã nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam từ mức Ba3 lên mức Ba2 (Ảnh: Reuters). 

Mới đây, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody’s Investors Service (Moody's) – một trong ba tổ chức xếp hạng tín nhiệm uy tín nhất thế giới vừa cập nhật mức xếp hạng đối với các ngân hàng Việt Nam. Theo đó có 12 ngân hàng được cập nhật xếp hạng lần này bao gồm: Vietcombank, BIDV, TPBank, Agribank, VIB, VietinBank, LienVietPostBank, OCB, SHB, SeABank, MSB và ABBank.

Trong đó, 8 ngân hàng được nâng xếp hạng nhà phát hành và tiền gửi nội tệ, ngoại tệ dài hạn bao gồm Vietcombank, BIDV, OCB, SeABank, TPBank, Agribank, VIB và VietinBank.

Về chỉ tiêu rủi ro đối tác bằng nội tệ, ngoại tệ và đánh giá rủi ro đối tác Việt Nam, cũng có 7 ngân hàng được nâng hạng gồm BIDV, Agribank, VietinBank, ABBank, LienVietPostBank, SHB và MSB. Đây là một tin vui cho ngành ngân hàng Việt Nam, đặc biệt là đối với các ngân hàng được nâng hạng.

Moody's cho rằng: Việc cải thiện sức mạnh tín dụng độc lập và đánh giá tín dụng cơ bản có thể giúp MSB, ABBank, LienVietPostBank và SHB nâng cao xếp hạng tiền gửi và tổ chức phát hành của mình.

Moody's đã điều chỉnh triển vọng xếp hạng của Agribank, BIDV, OCB, SeABank, TPBank, VIB, Vietcombank và VietinBank từ "ổn định" sang "tích cực". Riêng các ngân hàng ABBank, LienVietPostBank và MSB vẫn giữ được mức xếp hạng "ổn định", trong khi SHB vẫn được đánh giá tín nhiệm ở mức "tích cực".

Trước đó, Moody's đã nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam từ mức Ba3 lên mức Ba2, đưa Việt Nam trở thành quốc gia duy nhất ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một trong 4 quốc gia trên toàn thế giới được Moody's nâng bậc tín nhiệm trong năm 2022. Theo Moody's, việc nâng xếp hạng này cũng phần nào phản ánh sức mạnh kinh tế của Việt Nam đang tăng lên so với các nước cùng nhóm. Khả năng chống chịu với các cú sốc kinh tế vĩ mô bên ngoài cũng được cải thiện và các chính sách cũng được đánh giá là hiệu quả hơn.

Trong khi đó, triển vọng xếp hạng của Việt Nam cũng được thay đổi từ "tích cực" sang "ổn định", phản ánh mức độ cân bằng trong các yếu tố rủi ro có thể tác động đến xếp hạng. Moody's kỳ vọng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục được cải thiện trong tương lai.