Dự kiến mở rộng tài khoản thanh toán của kho bạc tại các ngân hàng thương mại
Kho bạc Nhà nước cho biết, ngành này đang mở tài khoản thanh toán, tài khoản thu, tài khoản chi ngân sách nhà nước tại 5 hệ thống ngân hàng thương mại là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), Ngân hàng Công Thương Việt Nam (Vietinbank), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB) với tổng số 714 tài khoản, bao gồm 5 tài khoản thanh toán tổng hợp của Kho bạc Nhà nước trung ương, 68 tài khoản thanh toán của văn phòng Kho bạc Nhà nước tỉnh, 641 tài khoản thanh toán của Kho bạc Nhà nước cấp huyện.
Theo Kho bạc Nhà nước, hiện BIDV, Vietinbank, Vietcombank và MB có các chi nhánh/phòng giao dịch tập trung chủ yếu tại các trung tâm tỉnh, thành phố, thị xã, nơi giao thông thuận tiện. Vì thế, số lượng tài khoản thanh toán của Kho bạc Nhà nước cấp huyện tại 4 hệ thống ngân hàng thương mại này chiếm tỷ trọng nhỏ.
Đối với Agribank có mạng lưới chi nhánh, phòng giao dịch rộng khắp phạm vi cả nước. Vì thế, số lượng tài khoản thanh toán của Kho bạc Nhà nước mở tại hệ thống Agribank chiếm tỷ trọng lớn (66,5%), chủ yếu là tài khoản thanh toán của Kho bạc Nhà nước cấp huyện tại các địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Hiện 203 địa bàn huyện chỉ có chi nhánh, phòng giao dịch của Agribank, không có chi nhánh, phòng giao dịch của 4 hệ thống ngân hàng thương mạo còn lại. Đồng thời, do có số lượng tài khoản thanh toán lớn, nên số thu, chi ngân sách nhà nước qua các tài khoản thanh toán tại Agribank lớn, khoảng 23% và 55% tổng số tiền thu, tiền chi ngân sách nhà nước qua hệ thống ngân hàng thương mại.
Kho bạc Nhà nước cho biết, chính điều này đã gây ra sự thiếu cạnh tranh trong việc lựa chọn ngân hàng thương mại để nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ thu, chi và thanh toán cho các đơn vị Kho bạc Nhà nước tại các địa bàn hiện chỉ có chi nhánh/phòng giao dịch của Agribank.
Theo Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2025, cơ bản toàn bộ các giao dịch thu, chi ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước được thực hiện theo phương thức điện tử, trừ các giao dịch thuộc phạm vi bí mật nhà nước. Kho bạc Nhà nước sẽ mở rộng sự tham gia của các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán và đa dạng hóa các phương thức thanh toán điện tử trong thu ngân sách nhà nước; tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng các phương thức thanh toán điện tử trong chi trả ngân sách nhà nước cho các đối tượng thụ hưởng, đặc biệt là các phương thức áp dụng đối với các đối tượng thụ hưởng ở vùng sâu, vùng xa hoặc không có tài khoản ngân hàng.
Đồng thời, Kho bạc Nhà nước sẽ giảm dần thu, chi bằng tiền mặt qua Kho bạc Nhà nước và tiến tới hình thành Kho bạc số không có tiền mặt trên cơ sở hiện đại hóa các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt và đẩy mạnh công tác ủy nhiệm thu, chi bằng tiền mặt qua hệ thống ngân hàng thương mại.
Tháng 5/2022, Kho bạc Nhà nước đã thực hiện ký kết phối hợp thêm với 4 ngân hàng thương mại cổ phần nữa là Ngân hàng TMCP Sài Gòn Hà Nội, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh vượng, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam và Ngân hàng TMCP Đông Nam Á. Tại 4 hệ thống ngân hàng thương mại cổ phần này, Kho bạc Nhà nước thực hiện mở tài khoản chuyên thu.