Lượng tiền gửi lớn từ Kho bạc Nhà nước giúp các ngân hàng Big4 hưởng lợi ra sao?
75% tiền gửi của Kho bạc Nhà nước nằm tại ba ngân hàng Big4
Theo số liệu từ báo cáo tài chính của 4 ngân hàng Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank, lượng tiền gửi của Kho bạc Nhà nước (KBNN) tại các ngân hàng này đều có sự tăng vọt trong 6 tháng vừa qua.
Trong đó, tại BIDV, tổng tiền gửi thanh toán và tiền gửi có kỳ hạn tại KBNN đều có tăng trưởng so với đầu năm với tổng là gần 72.000 tỷ đồng, tăng gấp 4 lần so với đầu năm (gần 18.000 tỷ đồng). Trong đó tiền gửi có kỳ hạn của KBNN là 70.000 tỷ đồng, gấp 7 lần so với đầu năm (10.000 tỷ đồng).
Tại Vietcombank, tính đến ngày 30/6, lượng tiền gửi thanh toán của KBNN là hơn 59.000 tỷ đồng, tăng gần gấp 8 lần so với cuối năm trước. Tiền gửi có kỳ hạn tăng từ 7.000 tỷ đồng vào đầu năm lên 57.787 tỷ đồng tính đến ngày 30/6.
Lượng tiền gửi của VietinBank cũng tăng gần gấp đôi sau 6 tháng đầu năm, từ 31.789 tỷ đồng lên 58.200 tỷ đồng.
Tổng lượng tiền gửi của ba ngân hàng này là 189.720 tỷ đồng, tăng gấp 3,7 lần so với cuối năm trước. Nếu so với con số tiền gửi của KBNN được Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đưa ra trong báo cáo ngày 17/8 là 252.000 tỷ đồng thì nó chiếm tỷ trọng khoảng 75%.
Báo cáo ngành ngân hàng của VDSC cũng cho hay trong tuần từ 8/8 đến 12/8,tổng lượng tiền bơm vào hệ thống là 79.900 tỷ đồng. Thanh khoản hệ thống cũng được hỗ trợ rất nhiều từ hoạt động đấu thầu tiền gửi KBNN của các ngân hàng quốc doanh với 67.000 tỷ đồng được bơm vào hệ thống.
Số dư tiền gửi bình quân trên hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng (Citad) tại NHNN là khoảng 280.000 tỷ đồng. Tăng trưởng tổng tiền gửi trong 6 tháng đầu năm ở mức 4,5% kể từ đầu năm.
Nguồn tiền gửi dồi dào giúp giảm bớt áp lực huy động vốn từ khách hàng
Nguồn tiền gửi lớn với mức chi phí huy động thấp hơn mặt bằng chung các ngân hàng tư nhân, những "ông lớn" Big4 đang tận dụng được ưu thế của mình để tối ưu chi phí vốn, từ đó tăng lợi nhuận của ngân hàng.
Theo nhận định của Chứng khoán SSI (SSI Research), tại BIDV, tiền gửi từ KBNN tăng 33.000 tỷ đồng, tăng 90% so với quý trước. Trong khi đó tiền gửi của khách hàng chỉ tăng 10.000 tỷ đồng (tăng 0,7% so với quý trước). Sự thay đổi tạm thời trong cơ cấu nguồn vốn đã giúp chi phí huy động vốn bình quân của BIDV giảm 0,04 điểm % so với quý trước xuống còn 3,32%.
Tại Vietcombank, các chuyên gia của SSI cũng cho rằng trong quý II/2022, ngân hàng không phải chịu nhiều áp lực huy động tiền gửi khách hàng trong giai đoạn này khi tiền gửi của KBNN đã tăng 25.000 tỷ đồng so với quý trước, đạt 59.000 tỷ đồng vào cuối tháng, tương đương với tổng tiền gửi khách hàng.
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến cuối tháng 6, tổng tiền gửi tại các tổ chức tín dụng đạt hơn 11,4 triệu tỷ đồng, tăng hơn 92.400 tỷ đồng so với cuối tháng 5 và tăng hơn 522.500 tỷ đồng so với cuối năm 2021.
Trong đó, tiền gửi của các tổ chức kinh tế tính đến cuối tháng 6 đạt hơn 5,8 triệu tỷ đồng, tăng 3,61% so với cuối năm 2021, tương đương tăng 203.611 tỷ đồng. So với cuối tháng 5, tiền gửi của các tổ chức tăng 41.996 tỷ đồng.
Tiền gửi của dân cư cuối tháng 6 tiếp tục tăng 50.468 tỷ đồng so với tháng trước lên hơn 5,6 triệu tỷ đồng, tăng 318.948 tỷ so với cuối năm 2021, tương đương tăng 6,02%.