Đứng trên vai người khổng lồ: Chiến lược từng giúp Gilimex tăng trưởng ngoạn mục, giờ biến thành 'gót Asin'

Trang Mai 15:55 | 15/12/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Ngay sau khi đâm đơn kiện Amazon vì “bất ngờ thay đổi và giảm nhu cầu dự kiến”, cổ phiếu GIL của CTCP Sản xuất Kinh doanh và Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (Gilimex) đã bị bán tháo cùng với đà giảm sau chuỗi 4 phiên tăng liên tiếp. Trước đó, doanh nghiệp này cũng ghi nhận doanh thu và lợi nhuận từ hoạt động cốt lõi giảm mạnh trong 9 tháng đầu năm.

 Cổ phiếu GIL bị bán tháo ngay sau thông tin về đơn kiện Amazon

Ngày 13/12 (theo giờ Việt Nam), Bloomberg đăng tải thông tin Gilimex kiện Amazon và đòi bồi thường 280 triệu USD. Cụ thể, Gilimex cáo buộc ông lớn thương mại điện tử Mỹ đột ngột thu hẹp các đơn đặt hàng sau khi tăng trưởng chi tiêu trực tuyến hạ nhiệt trong năm nay, khiến nhà sản xuất này gặp tình trạng dư thừa năng lực sản xuất và nguyên liệu thô.

Gilimex cho biết họ là đối tác chính của Amazon từ năm 2014 đến 2022 và đã đầu tư hàng chục triệu USD vào các cơ sở sản xuất để xây dựng kho chứa để chứa hàng hóa của Amazon. Những kho chứa này được vận chuyển bởi robot, giúp đẩy nhanh tốc độ hoàn thành các đơn đặt hàng trực tuyến.

Gilimex cho biết họ đã tuyển dụng hơn 7.000 nhân viên tại nhiều nhà máy để sản xuất hơn một triệu đơn vị lưu trữ hàng năm. Hoạt động sản xuất cho Amazon đã tăng gấp 20 lần trong suốt 8 năm qua.

Doanh nghiệp cho biết họ đã có một thỏa thuận lâu dài với Amazon về tính minh bạch về nhu cầu dự kiến để có thể mua nguyên liệu, điều chỉnh công suất nhà máy và sắp xếp nhân viên nhằm đáp ứng sự tăng trưởng ngày càng mạnh của Amazon trong thời kỳ đại dịch. Tuy nhiên, vào tháng 4-5 vừa qua, Amazon đã “bất ngờ thay đổi và giảm nhu cầu dự kiến” trong thời gian còn lại của năm 2022-2023, khiến ến họ phải nắm giữ hàng tồn kho và nguyên liệu thô vô giá trị.

Theo đơn kiện của Gilimex, Amazon là khách hàng lớn nhất của công ty này, với các đơn đặt hàng trị giá 146,6 triệu USD vào năm 2021. Gilimex đã từ chối các khách hàng lớn như IKEA, Columbia Sportswear để đáp ứng nhu cầu của Amazon.

“Vì vậy, trong khi Amazon đạt được mức tăng doanh thu kỷ lục trong thời kỳ đại dịch chủ yếu do sự bùng nổ về lượng đặt hàng trực tuyến của người tiêu dùng thì ban lãnh đạo và người lao động của Gilimex đã mạo hiểm hàng ngày để lập kỷ lục đó theo đúng nghĩa đen”, đơn kiện viết.

Đối tác của Công ty luật Kasowitz Benson Torres, Marc Kasowitz, nói với The New York Post: "Gilimex đóng vai trò quan trọng đối với thành công chưa từng có của Amazon.com, kể cả trong đại dịch COVID-19. Như cáo buộc trong đơn khiếu nại, hành vi nghiêm trọng của Amazon Robotics khiến Gilimex phải đầu tư đáng kể vào các nhà máy của mình. Hiện tại, họ phải nắm giữ hàng tồn kho và nguyên liệu thô vô giá trị". 

Hiện Amazon không bình luận khi được truyền thông liên lạc. 

Kết phiên giao dịch 15/12, cổ phiếu GIL giảm sàn 6,9% về 26.250 đồng/cp với khối lượng dư bán giá sàn là 1,7 triệu đơn vị, tổng khối lượng cổ phiếu giao dịch trong phiên là gần 2,5 triệu đơn vị. Phiên giảm sàn hôm nay đã chấm dứt chuỗi 4 phiên hồi phục gần đây của GIL.

Doanh thu Gilimex giảm mạnh do phụ thuộc vào 1 thị trường lớn

Thành lập năm 1982, Gilimex chủ yếu sản xuất, gia công, thương mại, xuất khẩu các sản phẩm thuộc ngành may và cho thuê khu công nghiệp. Hiện công ty có 6 công ty con và 1 công ty liên kết, cùng 158 dây chuyền may tại Nhà máy Bình Thạnh, Thạnh Mỹ và các nhà máy vệ tinh.

Theo chia sẻ của Gilimex, họ đã trở thành đối tác chính của Amazon từ năm 2014 và hoạt động sản xuất cho Amazon đã tăng gấp 20 lần trong 8 năm qua.

Việc “đứng trên vai ông lớn” đã giúp doanh nghiệp này có tốc độ tăng trưởng năm trung bình trên 20%. Trong 2 năm đại dịch, Gilimex đều thu về hơn 300 tỷ đồng lãi ròng do kênh thương mại điện tử bùng nổ, và Amazon đã góp phần lớn vào mức tăng trưởng này. Theo Chứng khoán Mirae Asset, 85% doanh thu xuất khẩu của Gilimex đến từ Amazon, với các đơn đặt hàng trị giá 146.6 triệu USD (tương đương 3,448 tỷ đồng) vào năm 2021.

Chính nhờ sự tăng trưởng vượt trội này giúp Gilimex trở thành điểm sáng trong 2 năm vừa qua và giá cổ phiếu cũng tăng hơn 8 lần, từ 10.000 đồng/cổ phiếu lên đỉnh 83.000 đồng/cổ phiếu trước khi quay đầu giảm.

Tuy nhiên, việc Gilimex phụ thuộc quá nhiều vào thị trường lớn đang bắt đầu bộc lộ những rủi ro.

Nói về Amazon, sàn thương mại điện tử này cũng liên tục thua lỗ trong 2 quý gần nhất, chủ yếu do đầu tư vào diện tích kho hàng, trung tâm phân phối lượng chi phí quá lớn. Bên cạnh đó, nhu cầu cũng giảm đáng kể. Do đó, Amazon đã bắt đầu sa thải nhân sự hàng loạt để cắt giảm chi phí và việc này dự kiến kéo dài đến sang năm 2023. Đây có lẽ là những lý do thôi thúc Amazon quyết định “thay đổi và giảm nhu cầu dự kiến” với Gilimex trong tháng 4-5/2022. Động thái này ngay lập tức tác động đến doanh nghiệp của Việt Nam.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất, doanh thu thuần của Gilimex trong quý III vừa qua đạt 213 tỷ đồng, giảm hơn 66% so với cùng kỳ năm trước, dù lãi ròng lại tăng mạnh 600% nhờ lãi từ hoạt động tài chính. Luỹ kế 9 tháng, doanh thu thuần của Gilimex  đạt 2.905 tỷ đồng, tăng gần 6% so với cùng kỳ do kết quả kinh doanh mạnh mẽ của hai quý đầu năm. Lãi ròng của doanh nghiệp đạt 352 tỷ đồng, tăng 72%.

Dù Gilimex đã cố gắng đa dạng hoá kinh doanh bằng cách lấn sân sang bất động sản khu công nghiệp, mảng này đến nay vẫn chưa thể tạo ra lợi nhuận. 

Xét về tài sản, hàng tồn kho của công ty tăng tới 70% so với đầu năm, lên gần 1.278 tỷ đồng. Tính đến ngày 30/9, Gilimex còn khoản phải thu với công ty Amazon Robotics gần 15,5 tỷ đồng.