Đường bay thẳng Việt-Mỹ: Tiềm năng song hành cùng thách thức

21:47 | 01/08/2019 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Việc mở đường bay thẳng Việt-Mỹ là một “bước tiến quan trọng vượt bậc của ngành hàng không Việt Nam” trong những năm gần đây.

Đây là đánh giá của hầu hết các chuyên gia tại buổi Tọa đàm Bay thẳng Việt – Mỹ: Sẵn sàng cho ngày cất cánh, do Tập đoàn FLC – hãng Hàng không Bamboo Airways tổ chức vào chiều 1/8.

Phát biểu khai mạc tọa đàm, TS. Trần Quang Châu, Chủ tịch Hội Khoa học và Công nghệ hàng không Việt Nam cho rằng, trong thời gian gần đây thị trường vận tải hàng không Việt Nam tăng nhanh và đây là tín hiệu đáng mừng.

Chủ tịch Hội Khoa học và Công nghệ hàng không Việt Nam cũng đánh giá, nhìn một cách tổng quát, trong thời điểm hiện nay, môi trường kinh tế, chính trị và bầu không khí hòa bình, hữu nghị trên toàn thế giới đang khá thuận lợi cho phát triển vận tải hàng không, mặc dù đâu đó vẫn tiềm ẩn những nguy cơ diễn biến khó lường. Cụ thể, thị trường vận tải hàng không quốc tế vẫn đang tiếp tục phát triển, trong đó châu Á-Thái Bình Dương được Hiệp hội vận tải hàng không thế giới (IATA) đánh giá là khu vực năng động với sự tăng trưởng cao nhất thế giới là 6 đến 7%/năm. Thị trường vận tải hàng không Việt Nam có mức tăng trưởng gấp đôi khu vực, trong thập kỷ qua bình quân đạt hơn 16%/năm.

Đường bay thẳng Việt-Mỹ: Tiềm năng song hành cùng thách thức - ảnh 1
 Ảnh: DNVN/HuongLan.
Chia sẻ về cơ hội mở đường bay thẳng nối hai quốc gia, bà Lâm Thùy Dương, Viện Chiến lược Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, hiện lượng khách du lịch Việt Nam đến Mỹ tăng mạnh từ mức vài chục nghìn người/năm lên hơn 100.000 người vào năm 2018. Trong khi đó, ở chiều ngược lại, tiềm năng gia tăng lượng du khách Mỹ vào Việt Nam còn rất lớn. Do đó, với tình hình và bối cảnh hợp tác kinh tế Việt Nam-Mỹ có thể thấy, việc mở đường bay thẳng nối hai quốc gia có triển vọng phát triển mạnh mẽ.
Bên cạnh đó, đường bay thẳng Việt Nam-Mỹ còn có nhiều cơ hội thành công bởi ra đời trong thời kỳ thị trường hàng không Việt Nam đang bùng nổ mạnh mẽ. Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế IATA dự báo, Việt Nam sẽ nằm trong top 5 thị trường du lịch hàng không phát triển nhanh nhất thế giới trong 20 năm tới. Việc mở đường bay thẳng Việt Nam-Mỹ đang trong điều kiện “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” và có triển vọng phát triển tốt đẹp. Gần đây, các chuyên gia Mỹ cũng đánh giá rằng tuyến bay thẳng Việt Nam-Mỹ sẽ mở ra một thị trường mới cho các hãng hàng không dân dụng của Việt Nam.
Còn ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, nhìn nhận, thị trường vận tải hàng không đến Hoa Kỳ là một thị trường lớn giàu tiềm năng với tổng dung lượng thị trường giữa Việt Nam và Hoa Kỳ năm 2017 đạt trên 700.000 lượt hành khách với tỉ lệ tăng trưởng trung bình giai đoạn 2010-2017 đạt trên 8%/năm.
Đường bay thẳng Việt-Mỹ: Tiềm năng song hành cùng thách thức - ảnh 2
 Ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam.
Ông Cường nhấn mạnh, để bay thẳng từ Việt Nam sang Hoa Kỳ, trong thời gian tới, Cục Hàng không Việt Nam vẫn phải tiếp tục thực hiện nhiệm vụ quan trọng là duy trì năng lực giám sát an toàn hàng không mức 1 (CAT1), đảm bảo không bị hạ cấp gây ảnh hưởng tới uy tín của ngành hàng không, cũng như kế hoạch mở đường bay của hãng hàng không Việt Nam. Tuy nhiên, với tư cách là người tiên phong, Bamboo Airways cũng sẽ phải vượt qua không ít thách thức, áp lực từ việc đầu tư máy bay hiện đại, nâng cấp dịch vụ, cạnh tranh với các đối thủ khác, và thậm chí là áp lực thua lỗ trong thời kỳ đầu khai thác đường bay nói trên.
Phân tích thêm về những bài toán cần giải quyết để mở đường bay thẳng Việt – Mỹ, TS. Lê Đình Tĩnh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Ngoại giao, Học viện Ngoại giao cho rằng: 25 năm trước khi Mỹ dỡ bỏ cấm vận với Việt Nam, kim ngạch thương mại giữa hai nước chỉ là 500 triệu USD nhưng đến nay đã lên tới con số 50 tỷ USD. Dù vậy, dư địa trong quan hệ Việt-Mỹ còn rất lớn. Một điểm tích cực nữa là hội nhập quốc tế là chủ trương lớn của Nhà nước và chúng ta đã làm tốt ở cấp độ Nhà nước nhưng lại chưa làm tốt ở cấp độ doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt Nam chưa khai thác tốt những lợi thế từ quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam cũng như chưa đáp ứng và vận dụng các Hiệp định FTA mà Việt Nam ký kết.
Do đó, về việc mở đường bay thẳng sang Mỹ, tâm lý lạc quan là có cơ sở nhưng cũng cần giải quyết năm vấn đề. Thứ nhất là vấn đề pháp lý, đối với nước Mỹ, vấn đề pháp lý chưa bao giờ đơn giản. Chúng ta phải đồng hành với các công ty luật của Mỹ để giải vấn đề này. Thứ hai là câu chuyện về an ninh, vì Hoa Kỳ vẫn luôn coi khủng bố là mỗi đe doạ hàng đầu của nước Mỹ.
Vấn đề thứ ba cần giải quyết là bài toán kinh tế, bởi chúng ta chưa tính đến nhiều ẩn số như giá cả nguyên liệu, sân bay tắc nghẽn… Thứ tư là vấn đề cạnh tranh bởi các hãng hàng không khác cũng có những thế mạnh của họ, do vậy chúng ta phải lấy tiêu chuẩn cao để vượt lên họ. Và cuối cùng là vấn đề nguồn nhân lực và đào tạo nhân lực…