Đường vành đai 4 sẽ thẩm định trong tháng 10, loạt "đại gia" muốn tham gia thực hiện dự án

12:05 | 05/10/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Hội đồng thẩm định Nhà nước và tổ chuyên gia lên kế hoạch họp phiên đầu tiên ngay trong tháng 10 về thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng tuyến Vành đai 4 - Vùng thủ đô với 19 nội dung được xem xét.

Cụ thể, ông Nguyễn Chí Dũng Chủ tịch Hội đồng thẩm định nhà nước, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư đã phê duyệt kế hoạch thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng tuyến Vành đai 4 - vùng thủ đô Hà Nội.

Phương thức đầu tư là PPP, nếu được chấp thuận phương án triển khai thì sẽ báo cáo lên Chính phủ xem xét và trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư. Dự kiến ngay trong tháng 10 Hội đồng thẩm định Nhà nước và tổ chuyên gia sẽ họp phiên đầu tiên. 

Hướng tuyến đường Vành đai 4 vắt ngang qua Hà Nội và khu vực các địa phương lân cận. Ảnh: Hà Nội Mới

Hội đồng thẩm định sẽ xét duyệt 19 nội dung thuộc báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường Vành đai 4 - vùng thủ đô Hà Nội như: Sự phù hợp với điều kiện lựa chọn dự án để đầu tư theo phương thức PPP, sự cần thiết đầu tư; có lợi thế so với các hình thức đầu tư khác; có khả năng bố trí vốn Nhà nước trong trường hợp có nhu cầu sử dụng vốn Nhà nước; đánh giá về mục tiêu; dự kiến quy mô, địa điểm, thời gian thực hiện dự án; nhu cầu sử dụng đất và tài nguyên khác; việc xác định sơ bộ tổng mức đầu tư; đánh giá sơ bộ hiệu quả đầu tư, hiệu quả tài chính, hiệu quả kinh tế - xã hội; cơ chế, chính sách đặc thù, ưu đãi hỗ trợ đầu tư…

Những doanh nghiệp nào muốn tham gia làm dự án này?

Báo cáo tổng thể tuyến đường vừa được Sở GTVT Hà Nội trình UBND thành phố cho thấy tuyến đường Vành đai 4 được chia làm 7 đoạn, và tổng chiều dài lên đến 98km. Trong đó, đoạn trên địa bàn Hà Nội dài 54km; trên địa bàn Hưng Yên dài 23km; đoạn trên địa bàn Bắc Ninh 21km; điểm đầu dự án là đoạn nút giao với cao tốc Nội Bài - Lào Cai, điểm cuối đoạn giao cao tốc Nội Bài - Hạ Long. Tuyến có một đoạn đi trùng với QL18 và cao tốc Nội Bài - Hạ Long. Tuyến đường có mặt cắt ngang rộng 120 mét (bao gồm cả quỹ đất dự trữ và sử dụng cho hạ tầng kỹ thuật).

Tổng vốn đầu tư, Sở GTVT đề xuất 2 phương án cho dự án này: phương án 1 sẽ có tổng mức đầu tư khoảng 105.000 tỷ đồng và theo phương án 2 cần tổng vốn khoảng 135.000 tỷ đồng. 

Ảnh: Báo Dân Việt

Cơ quan này cũng cho biết thêm, dựa trên thiết kế dự án do Bộ GTVT lập và các điều chỉnh về sau, hiện tuyến đường Vành đai 4 đã có 4 nhà đầu tư đánh tiếng muốn được tham gia thực hiện dự án theo từng phân đoạn.

Theo đó, Công ty CP Tập đoàn T&T đề xuất đầu tư 2 đoạn, gồm từ cao tốc Nội Bài - Lào Cai đến QL32 và từ QL32 đến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, tổng mức đầu tư được lập trước đây cho 2 đoạn này là 16.200 tỷ đồng. 

Liên danh Công ty CP đầu tư xây dựng công trình giao thông Phương Thành và Công ty PTHT Nguyên Minh đề xuất làm đoạn từ cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ đến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, bao gồm cả cầu Mễ Sở, tổng kinh phí 9.800 tỷ đồng.

Công ty Cổ phần tập đoàn Hoành Sơn muốn xây dựng cầu Hồng Hà (Đông Anh) và đường dẫn 2 đầu cầu với tổng kinh phí vào khoảng 8.800 tỷ.

Mới đây nhất, vào hồi tháng 8, doanh nghiệp bất động sản lớn nhất Việt Nam Vingroup cũng có động thái lập hồ sơ đề xuất chia tuyến đường làm 3 dự án thành phần để lập hồ sơ triển khai. Tổng mức đầu tư cho phương án này là hơn 94 nghìn tỷ đồng, giảm hơn 36.000 tỷ đồng so với phương án ban đầu được UBND thành phố báo cáo Thành ủy Hà Nội.

Về thông số thiết kế kỹ thuật, UBND Hà Nội thông tin rằng Vành đai 4 sẽ lấy trọng tâm là đường cao tốc với tiêu chuẩn thiết kế vận tốc là 100 km/h; tiếp đó là hệ thống đường song hành (đường gom) vận tốc thiết kế 60-80km/h.

Dự án bố trí  mặt cắt ngang rộng 6 làn xe; đường gom đô thị nằm song song hai bên; ngoài ra tuyến đường còn có hành lang để bố trí cây xanh, các công trình hạ tầng kỹ thuật và quỹ đất dự trữ mở rộng (có thể dành cho đường sắt đô thị trong tương lai). Tổng chiều rộng mặt cắt ngang toàn tuyến được tính toán rộng 120m.

UBND Tp.Hà Nội cũng thành lập Hội đồng thẩm định để thẩm định, đánh giá hồ sơ đề xuất của nhà đầu tư trong việc lập hồ sơ thi công dự án trên toàn tuyến. Đồng thời, cũng thống nhất phương án chia hình thức đầu tư dự án thành 3 dự án thành phần theo đề xuất của Vingroup. 

Dự án thành phần 1: Về giải phóng mặt bằng, tái định cư, nguồn vốn huy động sẽ lấy từ ngân sách nhà nước; Dự án thành phần 2: Đầu tư xây dựng hệ thống đường song hành (đường đô thị, đường gom) – nguồn vốn đầu tư là chi đầu tư công (ngân sách); Dự án thành phần 3: Đầu tư xây dựng đường cao tốc và tuyến nối theo hướng đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long – nguồn vốn đầu tư huy động theo hình thức PPP (đối tác công tư).

Bắc Ninh, Hưng Yên cũng "tiếp sức" nhằm thúc đẩy dự án

UBND thành phố Hà Nội cũng thông tin thêm, trong hơn 94 nghìn tỷ đồng đầu tư cho tuyến đường, các địa phương như tỉnh Bắc Ninh, tỉnh Hưng Yên đã có chủ trương tham gia cùng Hà Nội để làm đường Vành đai 4.

Với 3 phân kỳ đầu tư thì các tỉnh sẽ đều góp vốn, tại dự án thành phần 1: trong 24.242 tỷ đồng cho công tác GPMB thì tỉnh Hưng Yên chi khoảng 3.140 tỷ đồng; tỉnh Bắc Ninh chi khoảng 2.950 tỷ đồng; thành phố Hà Nội chi khoảng 18.140 tỷ đồng.

Dự án thành phần 2: Đầu tư xây dựng đường đô thị, đường song hành, khoảng 9.399 tỷ đồng, dự kiến đề xuất đầu tư công và đang tìm nguồn hỗ trợ.

Với dự án thành phần 3: Đầu tư xây dựng hệ thống đường cao tốc khoảng 60.486 tỷ đồng, hình thức đầu tư PPP.

Hội đồng thẩm định Hà Nội tin rằng, với sự tham gia của Hưng Yên, Bắc Ninh và thành phố Hà Nội, dự án có gần 50% vốn đầu tư là ngân sách công. Việc này sẽ giúp dự án khi đưa vào hoạt động sẽ rút ngắn thời gian thi công, giảm phí hoặc giảm trả quyền lợi cho nhà đầu tư theo hình thức đầu tư PPP. Ngoài ra, để thu hút thêm các nhà đầu tư tham gia dự án, hội đồng đề xuất các địa phương nơi tuyến đường đi qua sẽ huy động các nguồn lực cùng với nguồn vốn ngân sách Trung ương để hỗ trợ dự án thành phần 3.