EU cấm nhập khẩu dầu mỏ của Nga: Méo mó có còn hơn không
Cuối cùng, các nhà lãnh đạo của Liên minh châu Âu (EU) cũng đã đồng ý cấm hầu hết dầu thô nhập khẩu từ Nga, mở đường cho gói trừng phạt thứ 6 nhằm vào chính quyền Tổng thống Vladimir Putin.
Đó là một biện pháp trừng phạt chưa được hoàn thiện, xuất hiện hơi muộn và nhượng bộ khá nhiều cho Hungary. Chưa kể, kế hoạch cấm vận khí đốt - mặt hàng năng lượng mà châu Âu phụ thuộc nặng nề vào Nga, vẫn chưa được đem ra thảo luận.
Tuy nhiên, suy cho cùng, lệnh cấm nhập khẩu dầu thô Nga của khối kinh tế chung vẫn là một bước tiến quan trọng, Bloomberg nhận xét.
Đầy rẫy những thiếu sót
Trước tiên, hãy cùng điểm lại những thiếu sót của biện pháp trừng phạt mới nhất mà EU áp đặt lên xứ sở Bạch Dương. Rõ ràng, thỏa thuận mà các nhà lãnh đạo EU đạt được vào đầu tuần này đến muộn màng một cách đáng hổ thẹn.
Hơn ba tháng qua, châu Âu liên tục bày tỏ thái độ phẫn nộ với các hành động quân sự của Điện Kremlin tại Ukraine, nhưng cùng lúc vẫn “tạo điều kiện” cho cuộc chiến bằng cách trả rất nhiều tiền để mua dầu thô và khí đốt của Nga.
Theo Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch (CREA), kể từ khi chiến sự tại Ukraine nổ ra, các nước khu vực đồng tiền chung châu Âu đã trả cho Moscow khoảng 57 tỷ để mua nhiên liệu.
Mặt khác, EU vẫn chưa đả động đến vấn đề khí đốt. Khối đặt kế hoạch là giảm nhu cầu, đồng thời tăng nguồn cung của các nước khác. EU lạc quan rằng kế hoạch này có thể giúp giảm mạnh lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga trong năm nay và cuối cùng giúp EU độc lập khỏi năng lượng của Nga.
Rắc rối hơn, sau những màn thể hiện ấn tượng ban đầu về tinh thần đoàn kết và phản ứng nhanh chóng, EU lại đang bộc lộ ra những rạn nứt, bằng chứng là quá trình “mặc cả” để đạt được thỏa thuận mới.
Các cuộc thảo luận kết thúc với nhượng bộ đáng kể dành cho Thủ tướng Hungary Viktor Orban. Trong nhiều tuần, ông Orban đã khiến đàm phán bế tắc và đặt lợi ích riêng lên trên an ninh tập thể - một tiền lệ mà Bloomberg cho là rất đáng ngại.
Kết quả là, lệnh trừng phạt mới nhất của EU chỉ áp dụng với các sản phẩm dầu mỏ vận chuyển bằng đường biển, trong khi khối đưa ra “một ngoại lệ tạm thời” đối với dầu thô vận chuyển bằng đường ống.
Tuyên bố bằng văn bản cũng nêu ra các biện pháp khẩn cấp “để các nước thành viên đảm bảo an ninh nguồn cung năng lượng”, nhằm đáp lại yêu cầu của ông Orban rằng Hungary được phép lựa chọn nếu nguồn cung dầu thô qua đường ống bị gián đoạn. Các thỏa hiệp sẽ khiến một số biện pháp trừng phạt khác mất thêm 6 đến 8 tháng nữa mới có hiệu lực.
Méo mó có còn hơn không
Bất luận những thiếu sót như trên, lệnh cấm vẫn là một thành tựu đáng nể của các nước khu vực đồng tiền chung châu Âu, bởi đây vốn là điều gần như không thể tưởng tượng được vài tháng trước.
Dù chưa hoàn hảo, lệnh cấm vẫn gây đau đớn cho Điện Kremlin ngay lập tức và là một tín hiệu quan trọng về quyết tâm của châu Âu. Nếu các nước EU thực hiện nghiêm túc, lượng dầu mỏ mà khối nhập khẩu từ Nga sẽ giảm tới 90% vào cuối năm nay.
Tác động đến thị trường năng lượng và đặc biệt là đối với các sản phẩm dầu mỏ có thể rất lớn. Theo một số thước đo, Nga đang là nhà xuất khẩu ròng lớn nhất thế giới về các sản phẩm dầu mỏ.
Nhập khẩu dầu diesel Nga của châu Âu chiếm khoảng 20% thương mại toàn cầu của sản phẩm này. Trong vài tháng tới, Nga sẽ phải xoay xở bán hầu như toàn bộ lượng dầu diesel đó vì EU đã không còn mua hàng nữa.
Viễn cảnh trên có thể bóp chết các ngành công nghiệp nặng của châu Âu, bởi các nhà máy vốn phụ thuộc nặng nề vào động cơ diesel. Hơn nữa, giá nhiên liệu chắc chắn sẽ tăng cao như một hệ lụy của lệnh cấm, qua đó làm tăng áp lực lạm phát tại EU.
Trong ngắn hạn, dễ hiểu khi châu Âu sẽ bị thiệt hại nặng nề, trong khi Nga được hưởng lợi vì giá năng lượng tăng nóng. Tuy nhiên, bức tranh dài hạn có vẻ thách thức hơn nhiều đối với Moscow.
Nga không thể “khóa vòi” tạm thời mà không gánh hậu quả nào. Hơn nữa, các lệnh trừng phạt đối với bảo hiểm hàng hải là gần như không thể lách được, cho nên thương mại dầu mỏ toàn cầu sẽ bị tắc nghẽn và xứ sở Bạch Dương sẽ bị giáng đòn đau vì nguồn tài chính từ dầu mỏ sẽ hao hụt đáng kể.
Mặt khác, dù EU chưa cấm vận khí đốt của Nga, bước đi mới của khối cũng rất đáng được khen ngợi. Gói trừng phạt thứ 6 của EU sẽ bao gồm nhiều biện pháp gây khó chịu khác, như loại bỏ thêm nhiều ngân hàng của Nga khỏi hệ thống thanh toán SWIFT.
Nhìn chung, các lệnh trừng phạt không thực sự có thể khiến các nước thay đổi hành vi của họ, nhưng mục đích rõ ràng lúc này của châu Âu là cô lập và làm cạn kiệt nguồn tài chính của Điện Kremlin.
Chiến tranh luôn phụ thuộc vào tài chính. Bằng cách cắt giảm dòng đô la chảy vào kho bạc của Điện Kremlin, châu Âu đang cố gắng làm giảm nhuệ khí của quân Nga. Dù lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ Nga còn thiếu sót, méo mó có vẫn còn hơn không.