FED đối mặt với lựa chọn khó khăn khi tăng lãi suất
Trong bối cảnh xung đột vẫn đang diễn ra ở Ukraine, dịch COVID-19 còn hoành hành ở châu Á, việc tránh suy thoái kinh tế sẽ cần đến sự may mắn và phụ thuộc vào nhiều yếu tố ngoài tầm kiểm soát của FED.
Các hộ gia đình ở Mỹ đang phải vật lộn để mua những đồ dùng thiết yếu, trong khi giá khí đốt, thực phẩm và nhà ở đều tăng cao. Ngày càng nhiều người phải nhận thêm công việc thứ hai để thanh toán các hóa đơn hàng tháng. Các quan chức FED đã nói rõ rằng chống lạm phát là ưu tiên hàng đầu của họ ngay cả khi nền kinh tế có thể rơi vào suy thoái.
FED sẽ tổ chức cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày vào 26 - 27/7, với nhiều chuyên gia dự đoán FED sẽ tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm nhằm hạ nhiệt nhu cầu và giảm áp lực lạm phát.
Bất chấp thị trường việc làm “khỏe mạnh” với tỷ lệ thất nghiệp thấp gần mức kỷ lục, người lao động Mỹ đang chứng kiến mức tăng lương không đuổi kịp đà tăng giá tiêu dùng. Lạm phát tại Mỹ trong tháng 6/2022 đã tăng 9,1% - mức cao nhất trong 40 năm.
Nếu nền kinh tế hàng đầu thế giới tăng trưởng chậm lại, nhiều người có thể mất việc làm, nhưng các nhà hoạch định chính sách muốn tránh bằng mọi giá nguy cơ lớn hơn - đó là vòng xoáy giá cả trở nên dai dẳng hoặc trở nên mất kiểm soát.
Quyết liệt tăng lãi suất
Cựu Phó chủ tịch FED Donald Kohn cho rằng (lạm phát) là một vấn đề rất phức tạp, đa chiều, đặc biệt là do sự không chắc chắn của chuỗi cung ứng hiện nay.
Sau khi FED mạnh mẽ hỗ trợ nền kinh tế lớn nhất thế giới trong thời kỳ đại dịch, nhờ lãi suất bằng 0 và dòng thanh khoản ổn định được bơm vào hệ thống tài chính, nền kinh tế đã phục hồi với tốc độ đáng kể và mang lại hàng triệu việc làm trong vài tháng.
Nhưng một vấn đề mới đã nảy sinh khi giá hàng hóa tăng nhanh chóng. Người Mỹ mạnh tay chi tiêu, mua ô tô, nhà cửa và các mặt hàng khác vào thời điểm chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn còn còn nhiều nút thắt, đặc biệt là khi Trung Quốc vẫn chưa nới lỏng các biện pháp phong tỏa do đại dịch.
FED cuối cùng đã bắt đầu tăng lãi suất vào tháng 3, với mức tăng 0,25 điểm phần trăm, tiếp theo là 0,5 điểm phần trăm vào tháng 5 và 0,75 điểm phần trăm vào tháng 6.
Chi phí đi vay cao hơn khiến việc vay vốn để mua ô tô và nhà ở hoặc mở rộng kinh doanh trở nên đắt đỏ hơn. Điều này sẽ làm giảm nhu cầu, đồng thời khiến người dân có xu hướng tiết kiệm hơn, thay vì sốt sắng chi tiêu như trước.
Các ngân hàng trung ương lớn khác cũng đã hành động tương tự, bao gồm cả Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã quyết định nâng lãi suất lần đầu tiên trong hơn 10 năm qua vào ngày 21/7.
Chủ tịch FED Jerome Powell vào tháng trước cho biết Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC, cơ quan hoạch định chính sách của FED) sẽ cân nhắc tăng lãi suất 0,5 hay 0,75 điểm phần trăm tại cuộc họp tháng 7. Hầu hết các nhà kinh tế đều kỳ vọng FED sẽ tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm như trong cuộc họp tháng 6.
Thống đốc FED Christopher Waller gần đây đã đưa ra ý tưởng về mức 1 điểm phần trăm. Nếu kịch bản này xảy ra, đây sẽ là lần đầu tiên FED tăng lãi suất lớn như vậy kể từ khi ngân hàng trung ương Mỹ bắt đầu sử dụng lãi suất quỹ liên bang để điều hành chính sách vào đầu những năm 1990.
Số liệu nào mang tính quyết định?
Tuy nhiên, chính ông Waller cũng lưu ý rằng điều quan trọng là không nên tăng lãi suất quá nhanh, và mức tăng 1 điểm phần trăm sẽ chỉ được thực hiện nếu các số liệu tiếp tục cho thấy tốc độ tăng lạm phát đang bị đẩy nhanh
Bà Julie Smith, Giáo sư kinh tế của Đại học Lafayette, nhận xét: “Tôi nghĩ họ (FED) có thể sẽ thảo luận về mức tăng 1 điểm phần trăm vì bức tranh lạm phát vẫn còn rất tồi tệ”. Nhưng một số dữ liệu gần đây chỉ ra rằng các đợt tăng lãi suất của FED có thể đã bắt đầu có hiệu quả.
Giá nhà đất đã tăng chóng mặt, liên tục lập các kỷ lục mới, ngay cả khi lãi suất tăng, và chi tiêu tiêu dùng tiếp tục tăng. Điều đó khiến một số nhà kinh tế đưa ra cảnh báo về nguy cơ kinh tế suy giảm trong quý II/2022.
Dù vậy, đồng thời cũng có những dấu hiệu cho thấy xu hướng ngược lại. Cụ thể như doanh số bán nhà giảm, đơn đăng ký thế chấp giảm đáng kể và tỷ lệ các khoản chi tiêu cho nhu cầu thiết yếu trong tổng mức tiêu dùng ngày càng tăng.
Các quan chức Mỹ cho rằng nền kinh tế Mỹ đủ mạnh để chịu được lãi suất cao hơn mà không bị suy thoái nghiêm trọng, nhưng một số người khác, bao gồm cựu Bộ trưởng Tài chính Lawrence Summers, thì nói rằng sẽ nhiều việc làm sẽ bị mất để có thể kiềm chế lạm phát.
Cựu Phó chủ tịch FED Donald Kohn nhấn mạnh, điều quan trọng là ông Powell nên thông báo rõ ràng về những số liệu mà FED kỳ vọng để làm chậm hoặc tạm dừng chu kỳ tăng lãi suất. Theo ông Kohn, một cuộc suy thoái nhẹ, với tỷ lệ thất nghiệp cao hơn mức 3,7% mà FED dự kiến vào tháng trước, sẽ là cần thiết để phá vỡ vòng xoáy lạm phát này. Tuy nhiên, những biến số không chắc chắn xung quanh vấn đề này là rất lớn.