Fed tăng lãi suất, kinh tế Việt Nam sẽ ảnh hưởng ra sao?
Mới đây, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) đã quyết định tăng lãi suất chuẩn thêm 0,25% lên phạm vi 0,25-0,5% trong cuộc họp chính sách tháng 3. Đây là lần nâng lãi suất đầu tiên của Fed kể từ tháng 12/2018.
FOMC còn phát tín hiệu sẽ tăng lãi suất tại 6 cuộc họp tiếp theo trong năm 2022, dự báo lãi suất có thể chạm mức 1,9% vào cuối năm. Ủy ban còn dự kiến tăng lãi suất thêm ba lần nữa vào năm 2023 và ngừng tăng vào năm 2024.
Trước động thái này, nhiều chuyên gia đánh giá việc Fed tăng lãi suất sẽ có tác động đến Việt Nam nhưng không nhiều vì điều này đã được dự báo từ trước.
Cụ thể, việc này sẽ khiến cho chi phí vay và trả nợ nước ngoài bằng đồng USD bị tăng lên. Đồng thời sẽ tác động một phần đối với tỷ giá vì USD đã đang và sẽ còn tăng giá và tỷ giá sẽ tăng nhẹ.
Ngoài ra, có thể bắt đầu thêm sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư tức là khi Fed tăng lãi suất thì dòng vốn sẽ quay trở về Mỹ vì lãi suất ở đó cao hơn và một quần quay trở lại châu Âu vì mức độ rủi ro ở đó được đánh giá thấp.
Song, chuyên gia kinh tế đánh giá khả năng dịch chuyển vốn không nhiều vì Việt Nam vẫn được đánh giá là thị trường đầu tư hấp dẫn. Việc Fed tăng lãi xuất sẽ tác động một phần nhỏ đến tiến trình phục hồi kinh tế của Việt Nam nhưng không đáng kể, ông Lực nhận định.
Theo TS Cấn Văn Lực, tỷ giá năm nay dự kiến tăng 0,5%-1% so với năm ngoái do quan hệ cung cầu ngoại tệ tương đối tốt. Cách thức điều hành tỷ giá của NHNN ngày càng sát hơn với thị trường cũng là yếu tố quan trọng giúp tỷ giá ổn định.
Giám đốc phân tích Khối khách hàng cá nhân Chứng khoán Yuanta Việt Nam, ông Nguyễn Thế Minh cho rằng điều này chắc chắn ảnh hưởng đến yếu tố tỷ giá và có thể ảnh hưởng cả chính sách tiền tệ của Việt Nam.
Về cơ bản trong năm 2022, Fed sẽ thực hiện thắt chặt chính sách tiền tệ, như vậy tiền đồng sẽ có xu hướng mất giá.
Song, tác động này dự báo không quá mạnh (biến động dưới mức 2%) nhờ vào nguồn dự trữ ngoại tệ và thặng dư thương mại khá lớn. Đây là 2 công cụ giúp Việt Nam đảm bảo tính thanh toán trong quá trình chi trả cho các khoản vào cuối năm – thời điểm tỷ giá thường có mức biến động mạnh.
Nhìn chung, hai yếu tố trên có thể giúp Việt Nam can thiệp trong thời điểm mà tình hình tỷ giá biến động và đồng VND rớt giá mạnh. Bên cạnh đó, NHNN cũng có đủ công cụ để kiểm soát được tình hình này.
Đồng quan điểm, Phó giám đốc Trung tâm Thông tin giám sát tài chính quốc gia thuộc Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, Ông Nguyễn Bá Khang, cho rằng lạm phát tại Việt Nam hiện thấp hơn nhiều so với lạm phát tại Mỹ. Do đó, việc Fed tăng lãi suất sẽ không tác động nhiều đến tỷ giá trong nước.
Bên cạnh đó, việc ổn định tỷ giá đối với bối cảnh Việt Nam hiện nay không phải là vấn đề đáng lo ngại khi tỷ giá đã được giữ ổn định trong suốt giai đoạn vừa qua.
Ông Khang cho biết phương thức điều hành đã giúp cho cung cầu ngoại tệ tăng lên, trong khi dự trữ ngoại hối tăng lên rất nhanh. Điều này tạo sự thuận lợi lớn trong chính sách tiền tệ và điều hành tỷ giá trong năm 2022.
Dù vậy, giới chuyên gia lưu ý rằng phải cẩn trọng với hành động của Fed từ nay đến cuối năm. Nếu Fed tăng lãi suất nhiều lần với cường độ mạnh, tỷ giá trong nước chắc chắn khó tránh khỏi tác động về mặt tâm lý.