Fitch Ratings tuyên bố Evergrande vỡ nợ, các cổ đông và chủ nợ phải đối mặt với điều gì?
Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings tuyên bố Evergrande đã vỡ nợ sau một thời gian dài gắng gượng. Tuyên bố của cơ quan xếp hạng đã xác nhận những gì các nhà đầu tư đã nghi ngờ, nhưng giờ họ phải chờ đợi một kế hoạch tái cơ cấu dưới sự giám sát của Bắc Kinh.
Theo New York Times, Fitch Ratings cho biết Evergrande không thể thanh toán hai khoản lãi trái phiếu quốc tế tổng trị giá 82 triệu USD dù đã được ân hạn 30 ngày.
Vì vậy tập đoàn bất động sản nặng nợ nhất thế giới này bị Fitch coi là đang trong tình trạng "vỡ nợ hạn chế", tức là không thể trả được nợ nhưng chưa làm bất kỳ thủ tục gì để tuyên bố phá sản, thanh lý tài sản hoặc các thủ tục khác để dừng hoạt động.
Các bước tiếp theo mà các công ty bị xếp loại này có thể sẽ đối mặt là phá sản, thanh lý hoặc tiếp tục kinh doanh, điều này hiện chưa thể biết trước ở Evergrande.
Tại Mỹ hay một số nước khác, trái chủ có thể tạo áp lực khiến các công ty không thiện chí phải tái cấu trúc và chia nhỏ từng phần. Trong khi tại Trung Quốc, chính quyền Bắc Kinh luôn kiểm soát các cuộc khủng hoảng doanh nghiệp để ngăn chúng lan rộng ra ngoài tầm kiểm soát.
Với Evergrande, rủi ro là rất lớn. Nếu công ty ngừng hoạt động đột ngột có thể ảnh hưởng đến hệ thống tài chính của đất nước.
Theo Bloomberg, việc Evergrande vỡ nợ với hai khoản lãi trái phiếu sẽ dẫn tới tình trạng vỡ nợ chéo với tất cả trái phiếu quốc tế tổng trị giá 19,2 tỷ USD.
Các trái phiếu quốc tế này không có bảo đảm và chủ nợ không có quyền đòi tiền từ giá trị thanh lý tài sản tại Trung Quốc. Vì vậy, trái phiếu quốc tế sẽ chỉ đứng ngay trên cổ phiếu trong thứ tự nhận thanh toán sau phá sản.
Theo báo cáo tài chính giữa năm nay, Evergrande có khoảng 62 tỷ USD vốn chủ sở hữu, chiếm 17% tổng vốn. Tuy nhiên theo một số nhà phân tích, nếu hạch toán đúng giá trị các dự án, Evergrande đã âm vốn chủ từ lâu.
Vấn đề của Evergrande cũng là vấn đề chung của nền kinh tế Trung Quốc: Vay nợ quá đà. Evergrande sẽ trở thành vụ phá sản lớn nhất Trung Quốc từ trước đến nay với tổng nợ phải trả lên tới hơn 300 tỷ USD.
Kỷ lục trước đó thuộc về HNA Group với khối nợ 170 tỷ USD. Theo kế hoạch tái cơ cấu công bố vào tháng 9 năm nay, HNA cho biết tập đoàn sẽ tách ra thành 4 công ty thành viên, trong đó có mảng hàng không (Henan Airlines) và tài chính.
HNA cũng thông báo rằng toàn bộ vốn chủ sở hữu của các cổ đông sẽ bị xóa sạch sau quá trình tái cấu trúc. Cổ đông và chủ nợ quốc tế của Evergrande nhiều khả năng cũng có thể bị thiệt hại tương tự.
Cổ phiếu Evergrande lao dốc từ tháng 8 năm ngoái sau khi mạng xã hội lan truyền một bức thư rò rỉ, được cho là của Evergrande kêu cứu với chính quyền tỉnh Quảng Đông. Kết phiên 9/12, giá cổ phiếu Evergrande chỉ còn 1,8 HKD/cp, vốn hóa gần 24 tỷ USD, giảm 88% so với một năm trước.
Cho đến nay, Evergrande vẫn im hơi lặng tiếng, không phản hồi yêu cầu bình luận của báo giới cũng như của Fitch Ratings.
Evergrande trước đây từng khẳng định sẽ "chủ động làm việc" với các chủ nợ nước ngoài để lên kế hoạch tái cấu trúc. Tuy nhiên, bất kỳ hành động nào của tập đoàn này cũng phải được Bắc Kinh chấp thuận.
Evergrande đã nhận tiền đặt cọc của những người mua khoảng 1,6 triệu căn nhà trên khắp Trung Quốc. Các công trình này có thể được giao cho một công ty xây dựng nhà nước hoàn thành nhằm bảo vệ quyền lợi của người dân, tránh bất ổn xã hội.