FLC Faros chậm công bố BCTC 2021: Không chỉ một nguyên nhân, nguy cơ bị tạm ngừng giao dịch

Đông Bắc 12:18 | 31/05/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Không chỉ chưa tìm được công ty kiểm toán phù hợp để kiểm toán báo cáo tài chính năm 2021, FLC Faros còn chưa hoàn tất thủ tục thay đổi người đại diện theo pháp luật. Điều này khiến cho cổ phiếu của doanh nghiệp này khó giao dịch cả ngày trở lại ít nhất đến cuối tháng 11 năm nay.

FLC Faros giải trình 2 nguyên nhân chậm công bố báo cáo tài chính 2021

Ngày 27/5, Công ty cổ phần Xây dựng FLC Faros (Mã: ROS) cho biết doanh nghiệp này chưa tìm được đơn vị kiểm toán phù hợp, đây là một trong những lý do khiến công ty chưa thể nộp và công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021 theo đúng quy định.

Ngoài ra, FLC Faros cũng chưa hoàn tất thủ tục thay đổi người đại diện theo pháp luật do chưa nhận được phản hồi của Cơ quan Cảnh sát Điều tra – Bộ Công an và Phòng Đăng ký kinh doanh – Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội. Công ty cho hay sẽ tiếp tục gửi công văn đến các cơ quan nói trên để xin ý kiến.

Trước đó vào ngày 25/5, Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE) đã đưa ba mã cổ phiếu gồm FLC, ROS và HAI từ diện kiểm soát sang diện hạn chế giao dịch, cụ thể là chỉ được mua bán vào phiên chiều từ ngày 1/6/2022 do chậm nộp báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2021 quá 45 ngày so với thời hạn quy định.

Theo quy định tại Thông tư 96/2020 của Bộ Tài chính, hạn chót để nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021 là 31/3/2022. Ban đầu, FLC Faros đã chọn Công ty TNHH Kiểm toán – Tư vấn Đất Việt làm đơn vị kiểm toán báo cáo tài chính năm 2021. Tuy nhiên vào ngày 30/3 năm nay, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã đình chỉ tư cách được chấp thuận kiểm toán cho doanh nghiệp niêm yết của Công ty Đất Việt. Từ đó đến nay, FLC Faros chưa tìm được đơn vị kiểm toán mới phù hợp.

Thêm một lý do nữa, người đại diện theo pháp luật của FLC Faros trước đây là Chủ tịch Hội đồng quản trị Hương Trần Kiều Dung, người đồng thời giữ chức Phó Chủ tịch thường trực Tập đoàn FLC. Ngày 8/4 năm nay, bà Hương Trần Kiều Dung bị khởi tố và bắt tạm giam với cáo buộc giúp sức cho Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết hành vi thao túng thị trường chứng khoán.

Ngày 21/4, Hội đồng quản trị FLC Faros đã bầu bà Nguyễn Bình Phương làm Chủ tịch HĐQT thay cho bà Hương Trần Kiều Dung. Ngày 22/4, công ty đã nộp hồ sơ đăng ký thay đổi người đại diện theo pháp luật từ bà Hương Trần Kiều Dung sang tân Chủ tịch HĐQT Nguyễn Bình Phương. Tuy nhiên đến nay, thủ tục này vẫn chưa hoàn thành.

Khoản 2d Điều 29 Luật Kế toán 2015 quy định: “Báo cáo tài chính phải có chữ ký của người lập, kế toán trưởng và người đại diện theo pháp luật của đơn vị kế toán. Người ký báo cáo tài chính phải chịu trách nhiệm về nội dung của báo cáo”.

Do chưa hoàn tất thủ tục thay đổi người đại diện theo pháp luật nên FLC Faros chưa thể nộp báo cáo tài chính kiểm toán cả năm 2021 cũng như báo cáo tài chính quý I/2022.

Từ đầu năm đến nay, cổ phiếu ROS liên tục tụt giá, từ đỉnh 15.000 đồng/ đơn vị hôm 4/1/2022 đã tụt về giao dịch quanh vùng 4.000 đồng/ đơn vị trong tuần qua, tức mất hơn 73% giá trị. Đỉnh điểm phiên 27/5, sau thông tin cổ phiếu ROS bị đưa sang diện hạn chế giao dịch, mã này tụt thẳng về thị giá 3.900 đồng trước khi hồi lên 4.200 đồng trong phiên giao dịch 30/5.

Biểu đồ giá cổ phiếu FLC thời gian qua.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất chưa kiểm toán, năm 2021, ROS báo cáo doanh thu thuần 2.496,1 tỷ đồng, tăng 38,7% so với năm 2020 (năm 2020 đạt doanh thu 1.799,3 tỷ đồng). Lợi nhuận sau thuế đạt 95,2 tỷ đồng, tăng vọt hơn 110 lần so với năm 2020 (năm 2020 ghi nhận lợi nhuận sau thuế thực hiện 856,4 triệu đồng).

Lợi nhuận sau thuế chưa kiểm toán của ROS năm 2021 tăng vọt 110 lần so với năm 2020 nhưng chỉ bằng một nửa mức thực hiện năm 2019 và bằng khoảng 11% so với mức lợi nhuận kỷ lục năm 2017

Tính đến hết năm 2021, ROS có tổng tài sản 12.001,6 tỷ đồng, tăng 15% so với cuối năm 2020 (thời điểm cuối năm 2020 ghi nhận mức tổng tài sản 10.483,3 tỷ đồng. Trong đó, tài sản dài hạn là 3.993,36 tỷ đồng, tăng 6% và tài sản ngắn hạn là 8.008,23 tỷ đồng, tăng 19%, chủ yếu đến từ mức tăng gần 36% của hàng tồn kho lên 3.699,14 tỷ đồng.

Nợ phải trả của doanh nghiệp đến hết năm 2021 là 5.897,77 tỷ đồng, tăng 31,8% so với năm 2020. Trong đó 96,7% là nợ ngắn hạn (5.702,44 tỷ đồng), còn lại 195,3 tỷ là nợ dài hạn. Vốn chủ sở hữu cuối kỳ là 6.103,82 tỷ đồng, tăng nhẹ 1,6%. Vốn điều lệ 5.675,98 tỷ đồng. 

Sớm nhất cuối tháng 11, ba cổ phiếu "họ FLC" mới được giao dịch cả ngày

Như vậy, với quyết định của HOSE, từ ngày 1/6 tới đây, các cổ phiếu FLC của Tập đoàn FLC, ROS của Công ty cổ phần Xây dựng FLC Faros và HAI của Công ty cổ phần Nông dược HAI sẽ chỉ được giao dịch vào buổi chiều.

Các quyết định hạn chế giao dịch đối với FLC, ROS và HAI được HOSE đưa ra dựa trên Khoản 1a Điều 39 Quy chế Niêm yết và Giao dịch Chứng khoán Niêm yết của Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam (VNX).

Khoản 5 Điều 39 của Quy chế nói trên cho biết HOSE sẽ xem xét đưa các cổ phiếu này ra khỏi diện bị hạn chế giao dịch sau khi các doanh nghiệp “hoàn tất khắc phục nguyên nhân dẫn đến tình trạng chứng khoán bị hạn chế giao dịch và không vi phạm quy định về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán tối thiểu trong 6 tháng liên tục kể từ ngày ra quyết định bị hạn chế giao dịch hoặc kể từ ngày nguyên nhân dẫn đến việc chứng khoán bị hạn chế giao dịch được khắc phục hoàn toàn”.

Như vậy, để các cổ phiếu được giao dịch cả ngày trở lại, Tập đoàn FLC, Xây dựng FLC Faros và Nông dược HAI trước tiên cần phải công bố đầy đủ báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2021.

Ngoài ra, ba doanh nghiệp còn không được vi phạm quy định về công bố thông tin trong ít nhất 6 tháng kể từ ngày 25/5 hoặc từ ngày hoàn tất nộp báo cáo tài chính kiểm toán 2021. Nói cách khác, sớm nhất đến 26/11/2022, các cổ phiếu FLC, ROS và HAI mới được giao dịch cả ngày trở lại.

 

Cổ phiếu "họ" FLC có thể bị tạm ngừng giao dịch

Cổ phiếu có thể bị tạm ngừng giao dịch nếu như doanh nghiệp phát hành không giải trình nguyên nhân và đưa ra phương án khắc phục tình trạng chứng khoán bị đưa vào diện hạn chế giao dịch trong thời hạn theo yêu cầu của HOSE.

Cho đến nay, Tập đoàn FLC và FLC Faros đã giải trình nguyên nhân và nêu ra phương án khắc phục là nỗ lực tìm kiếm đơn vị kiểm toán mới. Nông dược HAI chưa công bố báo cáo giải trình.

Nếu đã quá thời hạn tạm ngừng giao dịch mà doanh nghiệp niêm yết không giải trình hoặc thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng chứng khoán bị tạm ngừng giao dịch, HOSE sẽ xem xét gia hạn tạm ngừng giao dịch hoặc đưa chứng khoán vào diện đình chỉ giao dịch.

Bên cạnh đó, cổ phiếu còn có thể bị đình chỉ giao dịch nếu doanh nghiệp niêm yết chậm nộp báo cáo tài chính năm có kiểm toán hoặc báo cáo tài chính bán niên có soát xét quá 6 tháng so với quy định.

Hạn chót để nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021 là 31/3/2022 nên Tập đoàn FLC, Xây dựng FLC Faros và Nông dược HAI cần công bố báo cáo chậm nhất vào 30/9/2022 để các cổ phiếu không bị đình chỉ giao dịch.

Ngoài ra, cổ phiếu còn có thể bị đình chỉ giao dịch khi doanh nghiệp niêm yết tiếp tục vi phạm các quy định về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán sau khi đã bị đưa vào diện hạn chế giao dịch.