Gazprom nói gì về việc ngừng cấp khí đốt sang châu Âu?

Minh Hằng (Theo AFP) 16:40 | 17/06/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Tập đoàn khí đốt khổng lồ của Nga Gazprom đã bảo vệ hành động cắt giảm khí đốt đển châu Âu trong bối cảnh giá tăng vọt và căng thẳng giữa Nga và phương Tây liên quan đến Ukraine.

Giám đốc điều hành Gazprom, Alexei Miller, nói rằng Nga sẽ “hành động theo luật của riêng mình” sau khi cắt nguồn cung cấp khí đốt hàng ngày cho Đức và Italy.

Phát biểu trong một cuộc thảo luận tại Diễn đàn Kinh tế Quốc tế Saint Petersburg, ông Miller cho hay khí đốt là của Nga, quy tắc cũng phải do Nga quyết định. Nga sẽ không hành động theo những quy tắc mà mình không tạo ra.

Đầu tuần này, Gazprom đã ngừng vận chuyển khí đốt tự nhiên qua đường ống dẫn khí  Nord Stream, sau khi cho biết Siemens của Đức đã trì hoãn việc sửa chữa các tổ máy nén tại trạm nén Portovaya. Ông Miller cho hay hiện không có cách nào để giải quyết vấn đề phát sinh với trạm nén. Trong khi đó, Siemens vẫn im lặng, cố gắng tìm ra giải pháp.

Tập đoàn năng lượng khổng lồ Eni của Italy cũng báo cáo các vấn đề, cho biết họ sẽ chỉ nhận được 65% khí đốt được yêu cầu ngày 16/6 từ Gazprom.
Gazprom cho biết xuất khẩu sang các nước không thuộc Liên Xô cũ đã giảm 28,9% từ ngày 1/1 đến ngày 15/6 so với cùng kỳ năm 2021.

Ông Miller cho hay Gazprom đang giảm lượng khí đốt cung cấp cho châu Âu, đồng thời cho biết giá đã tăng nhiều lần.

Giá khí đốt tiếp tục tăng trong ngày 17/6, do nguồn cung từ Nga cắt giảm mạnh. Giá khí đốt tự nhiên tham chiếu của châu Âu, Dutch TTF, đạt gần 150 euro/MWh (158 USD/MWh) trước khi giảm xuống 134 euro/MWh vào buổi chiều.

Nga đã mất nhiều khách hàng châu Âu sau khi yêu cầu tất cả quốc gia “không thân thiện” phải thanh toán tiền khí đốt tự nhiên cho Nga bằng đồng ruble, nhằm đáp trả một loạt lệnh trừng phạt của Phương Tây. Ba Lan, Bulgaria, Phần Lan và Hà Lan đã bị ngừng giao khí đốt tự nhiên do từ chối thanh toán bằng đồng ruble.

Các nước EU nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga, nhưng lại chia rẽ về việc áp đặt lệnh cấm vận khí đốt tự nhiên vì một số nước thành viên phụ thuộc nhiều vào nguồn cung cấp năng lượng của Nga.