Giá đất tại huyện Gia Lâm biến động ra sao trước khi lên quận?

Nhật Di 07:25 | 14/10/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Hà Nội đang phấn đấu đưa huyện Gia Lâm lên quận vào năm 2023 và điều này khiến cho giá bất động sản tại địa phương này được dự báo tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Tại buổi tiếp xúc cử tri huyện Gia Lâm trước Kỳ họp Quộc hội chiều 12/10, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng đánh giá, trong 9 tháng năm 2022, huyện Gia Lâm  đã triển khai tốt các nhiệm vụ, đặc biệt là về phát triển kinh tế xã hội và thu ngân sách.

Ông Dũng cho biết, Gia Lâm là 1 trong 2 huyện được thành phố "ưu tiên" hỗ trợ lên quận trước.

"Giai đoạn 2021 - 2025, thành phố có khoảng 3 - 5 huyện lên quận. Nhưng nếu dàn hàng ngang thì khó thành công", ông Dũng nói, đồng thời cho biết, qua xem xét các điều kiện, với sự hỗ trợ của thành phố, Gia Lâm và Đông Anh sẽ sớm được nâng cấp thành quận.

Bí thư Hà Nội cho biết, thành phố sẽ hỗ trợ hai huyện này, có thể cả về tỷ lệ điều tiết ngân sách để đạt điều kiện lên quận. Thành phố cũng đang phối hợp với các huyện đánh giá, từng bước báo cáo các cơ quan có thẩm quyền.

"Tinh thần chung là thành phố hỗ trợ, quyết tâm cùng với Đông Anh, Gia Lâm, cố gắng năm 2023 sẽ lên được quận", ông Dũng nói.

Trước thông tin này, thị trường bất động sản  tại Gia Lâm tăng chóng mặt trong 2 năm trở lại đây. Giá đất trung bình tại Gia Lâm ở mức cao hơn rất nhiều so với các huyện chuẩn bị lên quận khác.

 Gia Lâm đáp ứng tiêu chí lên quận vào năm 2023. Ảnh KTĐT.

Tình hình giá đất tại Gia Lâm trước khi lên quận

Những năm qua, quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng ở Gia Lâm với sự xuất hiện của hàng loạt khu đô thị quy mô lớn như khu đô thị Đặng Xá, Trâu Quỳ, Ninh Hiệp, Vinhomes Ocean Park… làm tăng đáng kể dân số của huyện và tỉ lệ dân thành thị.

Theo Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội sẽ phát triển theo mô hình chùm đô thị và Gia Lâm sẽ là một phần của khu đô thị trung tâm được mở rộng về phía Đông. Khu đô thị Long Biên – Gia Lâm – Yên Viên được định hướng phát triển dịch vụ thương mại, giáo dục, trung tâm y tế… gắn với công nghiệp công nghệ cao theo hướng quốc lộ 1 và quốc lộ 5. Ước tính, đến năm 2030, dân số khoảng 0,7 triệu người.

Bên cạnh đó, Hà Nội đang trình các bộ, ngành liên quan đồ án Quy hoạch Phân khu đô thị hai bên sông Hồng, tỷ lệ 1/5.000. Theo đó, đồ án quy hoạch nằm trên địa giới hành chính 55 phường, xã thuộc 13 quận, huyện của Hà Nội, trong đó đi qua địa bàn các xã Văn Đức, Kim Lan, Bát Tràng, Đông Dư của Gia Lâm.

Ngoài ra, theo Kế hoạch phân loại đô thị toàn quốc giai đoạn 2021-2030, Gia Lâm sẽ được nâng cấp lên quận. Hiện Gia Lâm đã đạt được 25/28 tiêu chí để thành lập quận, còn 3 tiêu chí về giường bệnh, cân đối ngân sách và tỷ lệ đường giao thông trên 10km mỗi km2 đường.

Về tình hình bất động sản tại Gia Lâm: Hiện tại, khu vực phát triển của Gia Lâm chủ yếu tập trung ở thị trấn Trâu Quỳ, quốc lộ 5 và cao tốc Hà Nội – Hải Phòng. Theo khảo sát, mặt bằng giá bán đất có mức chênh lệch lớn giữa các khu vực. Cụ thể, ở thị trấn Trâu Quỳ có mức giá trung bình khoảng 150-170 triệu đồng/m2, còn đất ở các trục đường chính và đất thổ cư trong làng khoảng 15-25 triệu đồng/m2 tùy vị trí, đất nông nghiệp ở mức 3-4 triệu đồng/m2. Dự báo giá  bất động sản tại Gia Lâm sẽ  tiếp tục tăng trong thời gian tới. 

Gia Lâm cũng thu hút nhiều dự án của các ông lớn địa ốc như Vingroup, Masterise Homes, Eurowindow Holding… đầu tư phát triển các đại đô thị theo mô hình sinh thái và thông minh. Nổi bật nhất là dự án Vinhomes Ocean Park do Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Đô thị Gia Lâm, một thành viên của Vingroup làm chủ đầu tư với tổng mức 87.385 tỷ đồng.

Dự án có quy mô 420 ha, nằm tại thị trấn Trâu Quỳ - xã Dương Đa Tốn – xã Kiêu Kỵ - xã Dương Xá. Điểm nhấn của Vinhomes Ocean Park là biển hồ nước mặn rộng 6,1 ha và hồ Ngọc Trai rộng 24,5 ha nằm ở phía Đông của đại đô thị cùng trường Đại học Quốc tế VinUni có diện tích 23 ha nằm trong khuôn viên. Dự án được khởi công từ tháng 6/2018 và bàn giao từ tháng 4/2020.

Nằm trong quần thể đại đô thị Ocean Park, khu căn hộ cao cấp Masteri Waterfront của Masteri Homes có quy mô 37 ha, gồm 3.837 căn hộ,dự kiến hoàn thành trong quý 4/2022.

Trong tương lai, huyện Gia Lâm cũng sẽ có thêm nhiều công trình, dự án quy mô như sân golf Vinpearl Hà Nội với quy mô 182,3 ha tại xã Phù Đổng và xã Dương Hà, trung tâm thương mại quy mô 9,3 ha tại xã Đa Tốn, khu đô thị Gia Lâm 3 ha, khu đô thị Yên Viên rộng 26 ha…

Gia Lâm cũng là địa phương giáp ranh với loạt dự án lớn tại các quận Long Biên, tỉnh Bắc Ninh và tỉnh Hưng Yên như Vinhomes Riverside, AEON Mall Long Biên, khu đô thị Dream City, khu đô thị Đại An, khu đô thị Ecopark… Hiệu ứng phát triển của loạt dự án tầm cỡ này cũng mang lại ít nhiều lợi thế cho thị trường bất động sản Gia Lâm.

Hạ tầng giao thông tại Gia Lâm

Huyện Gia Lâm là đầu mối giao thông quan trọng với nhiều tuyến đường huyết mạch, có tính kết nối vùng góp phần định hình dáng vóc một vùng đô thị hiện đại. Ở khu hữu ngạn sông Đuống Gia Lâm có 4 tuyến đường song song với nhau gồm quốc lộ 5 cũ, cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, đường 39B (Hà Nội – Hưng Yên), đường đê Long Biên – Xuân Quan. Quốc lộ 17 chạy ngang giao cắt với cả 4 tuyến đường này. Ở phía tả ngạn sông Đuống có quốc lộ 1 cũ, cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên. Từ những trục đường lớn này, Gia Lâm tiếp tục xây dựng hệ thống giao thông khớp nối với các tuyến đường liên xã, liên thôn.

Tuyến đường từ khu đô thị Trâu Quỳ qua đường Dương Xá – Đông Dư đến ga Phú Thụy đã được đưa vào khai thác từ đầu năm 2019, có ý nghĩa quan trọng trong kết nối khu vực, dễ dàng di chuyển từ trung tâm thị trần Trâu Quỳ đến các khu công nghiệp tại Dương Xá, giúp giảm thiểu tình trạng ùn tắc cho quốc lộ 5.

Ngoài các trục đường hiện hữu, Gia Lâm đã và đang mở thêm một số đường trong tương lai như đường vành đai 3.5, đường liên xã Bát Tràng, Đông Dư, Cổ Bi, đường đê hữu Đuống đoạn Dốc Lời – Đặng Xá đến Lệ Chi, đường đô thị song hành với đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, đường gom từ cầu Thanh Trì đến cầu vượt Phú Thụy hay các dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường xã Phú Thị, Bát Tràng…

Tại khu vực trung tâm thị trấn Trâu Quỳ Gia Lâm Hà Nội, nhiều tuyến đường mới cũng được đưa vào quy hoạch mở đường như đường Đoàn Quang Dung kéo dài chạy qua Bệnh viện Đa khoa Gia Lâm đến đường mới nối Lý Thánh Tông – Thành Trung, đường Nguyễn Mậu Tài song song với đường Đoàn Quang Dung, đường Cửu Việt kéo dài đến đường gom quốc lộ 5.

Hiện tại, để vào trung tâm thành phố, người dân Gia Lâm sẽ di chuyển qua cầu Thanh Trì. Cách đó khoảng 5 km có thêm cầu Vĩnh Tuy, thuộc địa phận quận Long Biên. Ngoài ra, ba cầu bắc qua sông Đuống là cầu Phù Đổng 1, 2 và cầu Đuống sẽ kết nối huyện Gia Lâm với một phần quận Long Biên.

Gia Lâm kết nối với trung tâm thành phố qua cầu Thanh Trì, cầu Vĩnh Tuy. Ngoài ra, các cây cầu bắc qua sông Đuống là cầu Đuống, cầu Phù Đổng 1, 2 kết nối Gia Lâm với quận Long Biên.

 Giao thông tại huyện Gia Lâm cũng đang được quy hoạch. Ảnh KTĐT. 

Theo quy hoạch Giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, thành phố sẽ xây dựng thêm cầu Ngọc Hồi dài 4km bắc qua huyện Thanh Trì và xã Văn Đức của Gia Lâm với mức đầu tư lên tới 4.880 tỷ đồng. Trong tương lai, Gia Lâm sẽ có thêm 3 cây cầu vượt sông Đuống, tăng cường khả năng kết nối giữa Gia Lâm với quận Long Biên và tỉnh Hưng Yên. Cầu Giang Biên (nằm giữa cầu Đuống và cầu Phù Đổng) sẽ được xây dựng vào thời gian tới, giúp kết nối xã Ninh Hiệp với quận Long Biên. Như vậy, dự kiến đến năm 2030, Gia Lâm sẽ có tất cả 8 cây cầu vượt sông Hồng, sông Đuống.

Ngoài ra, các dự án cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, cầu Trần Hưng Đạo, cầu Mễ Sở, cầu Thường Tín, cầu Tứ Liên dù không nằm trên địa phận huyện Gia Lâm nhưng lại giúp giảm áp lực cho các cây cầu hiện hữu trên địa bàn huyện, đồng thời rút ngắn thời gian từ Gia Lâm đi vào trung tâm thành phố và các quận, huyện khác.

Trong giai đoạn 2020-2050, Hà Nội sẽ triển khai tuyến đường sắt đô thị số 1 và 8 đi qua địa phận huyện Gia Lâm. Trong đó, tuyến số 1 Ngọc Hồi – Yên Viên – Như Quỳnh dài 38,7km, có 2 ga đặt tại Gia Lâm là ga Yên Viên và Cầu Đuống. Tuyến số 8 Sơn Động – Mai Dịch – Dương Xá dài 28km đang được quy hoạch.

Các tuyến đường sắt kết hợp với các tuyến đường huyết mạch, các cây cầu sắp xây dựng giúp quá trình di chuyển giữa Gia Lâm với khu vực nội đô và các địa phương lân cận trở nên dễ dàng, nhanh chóng hơn.