'Vàng đen' dậy sóng (Bài 1): Suy thoái kinh tế cũng khó làm giá dầu hạ nhiệt

Phương Lê 08:00 | 06/07/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Giá dầu 6 tháng đầu năm biến động, nguyên nhân chính là do gián đoạn nguồn cung xuất phát từ cuộc khủng hoảng Ukraine. Với những rủi ro tiềm ẩn về nguồn cung vẫn còn hiện hữu trong khi nhu cầu có xu hướng tăng khi các nền kinh tế hồi phục, nhiều chuyên gia dự báo giá dầu khó có thể hạ nhiệt, thậm chí có thể lập đỉnh mới.

Từng có thời điểm giảm sâu xuống mức âm, giá dầu thế giới  đã nhanh chóng lấy lại vị thế và tiến sát mốc 100 USD/ thùng sau khi các nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ từ đại dịch thúc đẩy nhu cầu dầu tăng vọt. Kể từ thời điểm đó đến nay, "cuộc biểu tình giá dầu" trở thành trung tâm của thị trường hàng hóa, nhất là sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine khiến giá dầu lần đầu tiên cán mốc 100 USD/thùng kể từ năm 2014 và có thời điểm tiến đến gần 130 USD/ thùng. Cho đến nay, mặc dù đã hạ nhiệt phần nào, cả giá dầu Brent và WTI vẫn đang dao động quanh 110 USD/ thùng.

Xung đột Nga - Ukraine đã châm ngòi cho biến động của thị trường dầu mỏ toàn cầu trong gần nửa đầu năm 2022. Nhiều chuyên gia dự báo, giá dầu khó có thể hạ nhiệt trong thời gian tới, thậm chí có thể lập đỉnh mới, ngay cả khi nền kinh tế đi rơi vào suy thoái.

Nửa năm bùng nổ của giá dầu: Sức ép đến chủ yếu từ phía cung

Nga là quốc gia có sản lượng dầu mỏ và khí đốt hàng đầu thế giới. Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), Nga chiếm 14% tổng nguồn cung dầu toàn cầu năm 2021. Sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt vào Ukraine, gián đoạn vận chuyển và các lệnh cấm vận đã bóp nghẹt nguồn cung dầu Nga ra các thị trường.

Chỉ riêng trong tháng 4, sản lượng dầu của Nga giảm gần 1 triệu thùng/ngày. Dự kiến trong nửa cuối năm 2022, sản lượng dầu của Nga có thể giảm khoảng 3 triệu thùng/ngày. IEA cho rằng sản lượng dầu toàn cầu, không tính dầu Nga, cần vượt mức 3 triệu thùng/ngày trong thời gian còn lại của năm nay để cân bằng sự thiếu hụt do các lệnh trừng phạt nhằm vào Moscow. Tuy nhiên, việc này rất khó đạt được.

Các động thái trừng phạt năng lượng nhằm vào Nga đã loại một lượng lớn dầu từ nước này ra khỏi thị trường dầu mỏ thế giới, trong khi nhu cầu dầu mỏ toàn cầu phục hồi nhanh chóng khi các nền kinh tế dần phục hồi sau đại dịch, khiến nguồn cung không thể bắt kịp nhu cầu. Giá dầu Brent có thời điểm leo lên ngưỡng trên 139 USD/thùng trong khi giá dầu WTI tăng lên ngưỡng 130 USD/thùng vào ngày 7/3. Đây là mức giá kỷ lục kể từ năm 2008, làm trầm trọng thêm áp lực lạm phát toàn cầu.   

 

 

Với các biện pháp trừng phạt, châu Âu là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi sự phụ thuộc lớn vào năng lượng nhập khẩu từ Nga. Các quốc gia EU phải khốn đốn tìm nguồn cung thay thế để từng bước rời bỏ năng lượng Nga. Các biện pháp được EU triển khai như tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng năng lượng tái tạo không thể mang lại kết quả trong một sớm một chiều. Giá năng lượng liên tục leo thang tại khu vực này kéo theo đà tăng giá của các loại hàng hóa khác. 

Ngoài việc mất nguồn cung từ Nga, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và OPEC + không thể tăng sản lượng ngay lập tức để đạt được mục tiêu lấp đầy khoảng trống. OPEC, khu vực chiếm khoảng 40% nguồn cung dầu thế giới, đã từng bước mở rộng quy mô sản xuất, nhưng khả năng còn hạn chế và thận trọng. Sản lượng dầu của các nước xuất khẩu dầu chủ chốt của OPEC như Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất, Kuwaite cũng giảm trong tháng 5. 

Một cuộc khảo sát của Reuters cho thấy, sản lượng của 10 thành viên OPEC trong tháng 6 giảm 100.000 thùng/ngày xuống còn 28,52 triệu thùng/ngày. 

Đầu tháng 6 này, OPEC và OPEC+ đã nhất trí bơm thêm 648.000 thùng dầu/ngày trong tháng 7 và tháng 8, tăng 200.000 thùng/ngày so với dự kiến ban đầu. Tuy nhiên, mức tăng sản lượng mà OPEC+ đưa ra không đủ để bù đắp sự thiếu hụt nguồn cung trên toàn cầu. 

Đáng lưu ý, Libya còn phải đối mặt với gián đoạn sản xuất dầu mỏ hơn nữa vì tình hình bất ổn chính trị leo thang. Xuất khẩu của Libya đã giảm xuống còn 365.000 thùng/ngày đến 409.000 thùng/ngày, giảm khoảng 865.000 thùng/ngày so với mức bình thường, Tập đoàn dầu Quốc gia cho biết vào tuần trước.

Trong khi sức ép từ phía cung đang tăng lên nhanh chóng, ở phía cầu, khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là Trung Quốc bắt đầu nới lỏng các biện pháp hạn chế kiểm dịch gần đây, nhu cầu dầu bật tăng trở lại, khiến giá nhiên liệu tăng trong bối cảnh nguồn cung vẫn thiếu hụt.  

Chuyên gia: Giá dầu khó hạ nhiệt, có thể chạm mốc 150 USD/ thùng

Với những rủi ro tiềm ẩn về nguồn cung vẫn còn hiện hữu trong khi nhu cầu có xu hướng tăng khi các nền kinh tế hồi phục, nhiều chuyên gia dự báo giá dầu khó có thể hạ nhiệt , thậm chí có thể lập đỉnh mới. 

Ông Matt Smith, nhà phân tích hàng đầu về dầu mỏ ở khu vực châu Mỹ tại công ty Kpler, nhận định rằng vấn đề giá cả nằm ở nguồn cung, nên điều đáng lo ngại là ngay cả khi rủi ro suy thoái kinh tế, giá dầu cũng khó giảm mạnh. Ông dự đoán giá dầu sẽ tiếp tục duy trì ở ngưỡng 3 con số thêm một thời gian nữa. “Nếu nhu cầu tiêu thụ dầu của Trung Quốc nhảy vọt sau thời gian phong tỏa và sản lượng dầu tại Nga sụt giảm thì giá dầu lại có khả năng lập kỷ lục 139 USD như đầu năm nay", chuyên gia Matt Smith nhận định.

Trong khi đó, tại buổi đối thoại "Năng lượng tương lai Trung Đông và Bắc Phi - châu Âu" diễn ra tại Jordan hồi đầu tháng 6, ông Suhail AI Mazrouei - Bộ trưởng Năng lượng Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) dự đoán giá dầu sẽ lập đỉnh mới khi nhu cầu của Trung Quốc có thể phục hồi đáng kể và nỗ lực tăng sản lượng của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng các nhà sản xuất liên minh (OPEC+) chưa thể mang lại kết quả nhanh chóng.

Cùng chung quan điểm giá dầu chưa thể quay đầu, ngân hàng Goldman Sách mới đây cho biết dầu Brent có khả năng sẽ đạt trung bình 135 USD/thùng trong nửa cuối 2022 và nửa đầu 2023. Trong dự báo đưa ra mới đây, ngân hàng Goldman Sachs cảnh báo nhiều khả năng giá dầu Brent sẽ đạt bình quân 135 USD/thùng trong nửa sau của năm nay và nửa đầu năm 2023. 

Đáng chú ý, các nhà phân tích của Morgan Stanley nhận định giá dầu thô có thể tăng 150 USD/thùng trong quý III.