Giá dầu Nga giảm mạnh về 30 USD/thùng nhưng người mua vẫn không mặn mà

Trịnh Huyền Trang 08:16 | 29/03/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Công ty dữ liệu Kpler ước tính rằng từ ngày 1/3 đến 24/3, lượng dầu xuất khẩu qua đường biển của Nga đã giảm từ gần 4,3 triệu xuống còn 2,3 triệu thùng/ngày.
 Một cơ sở chế biến dầu thô ở Nizhnekamsk, Nga. (Ảnh: Bloomberg). 

Lo ngại về các lệnh trừng phạt của phương Tây, sự giận dữ của công chúng và khó khăn về logistics đã khiến rất nhiều người mua ngừng tiếp nhận dầu thô của Nga. Công ty dữ liệu Kpler ước tính rằng từ ngày 1/3 đến 24/3, lượng dầu xuất khẩu qua đường biển của Nga đã giảm từ gần 4,3 triệu xuống còn 2,3 triệu thùng/ngày.

Trong lúc dầu thô của Nga loay hoay tìm bến đỗ, giá dầu thô Brent đã leo lên gần 120 USD/thùng. Tuy nhiên, với những nước sẵn sàng chịu rủi ro bị chỉ trích cũng như giải quyết được bài toán logistics thì dầu mỏ của Nga lại giống như một món hời. Điều này có thể tạo ra một thay đổi lâu dài trong dòng chảy thương mại toàn cầu.

Theo tờ The Economist, lệnh cấm vận dầu mỏ Nga của Mỹ có nét tương đồng với chính sách kiềm chế ngành năng lượng Iran những năm 2010. Tháng 5/2018, Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt gây “áp lực tối đa” với mục đích ngăn chặn hoàn toàn hoạt động xuất khẩu dầu của Iran. 

Iran xoay xở để bán dầu thông qua hai con đường. Thứ nhất là qua kênh chính thức. Khi tung đòn trừng phạt, Mỹ đã miễn trừ cho 8 nước nhập khẩu "vàng đen" của Iran, nhưng vẫn đi kèm với các hạn chế về cách thức thanh toán để gây khó cho Tehran.

Để tránh né trừng phạt, Iran còn dùng con đường thứ hai là buôn lậu. Dầu của Iran sẽ được thay đổi gốc gác và sau đó vận chuyển đến tay người mua. Dầu của đất nước Trung Đông còn được trao đổi với Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và UAE để lấy vàng, thuốc trừ sâu,...

Nga nhiều khả năng sẽ không bắt chước chiến lược của Iran, chủ yếu là vì nước này chưa cần. Các lệnh cấm vận áp đặt lên Iran còn bao gồm một lệnh trừng phạt thứ cấp, đe dọa phạt nặng ngân hàng của các quốc gia thứ ba nếu hỗ trợ Iran xuất khẩu dầu thô. Điều này khiến việc mua dầu của Iran cực kỳ rủi ro.

Ngược lại, lệnh cấm vận lên Nga yếu hơn. Mỹ là quốc gia duy nhất cấm nhập khẩu dầu Nga, và ngay từ đầu Mỹ cũng không phải người mua lớn. Đức chưa thể trừng phạt các sản phẩm năng lượng của Nga. Dầu vẫn được bán qua các hệ thống đường ống. Mỹ cũng không đặt ra các hình phạt thứ cấp với bên thứ ba.

Thay vào đó, xuất khẩu dầu qua đường biển của Nga lại sụp đổ vì doanh nghiệp phương Tây sợ sự phản đối của công chúng. Họ cũng đối mặt với rắc rối tài chính và logistics vì các ngân hàng cẩn trọng cắt tín dụng, chủ tàu không mua được bảo hiểm và chi phí vận chuyển leo thang. Và mỗi lần lệnh trừng phạt được chỉnh sửa, doanh nghiệp phải nghiên cứu hàng trăm trang tài liệu pháp lý, khiến các thương vụ với Nga trở nên phức tạp hơn, công ty luật Holland & Knight cho biết.

Kết quả là dầu thô Ural của Nga đang được giao dịch với mức giảm giá khoảng 30 USD/thùng. Một trader dự đoán giá sẽ được chiết khấu đến 40 USD/thùng trong vòng một tuần.

Ấn Độ và Trung Quốc sẽ nhận món hời lớn? 

Ấn Độ và Trung Quốc, hai nước lớn không tham gia vào các vòng trừng phạt Nga của phương Tây đã nhận thấy món hời lớn. Ấn Độ rõ ràng là đang chớp thời cơ. Ước tính trong tháng 3, lượng dầu Nga chất trên tàu thuyền hướng đến Ấn Độ rơi vào khoảng 230.000 thùng/ngày, trong khi ba tháng trước con số này bằng 0.

Nhưng Ấn Độ khó có thể mua nhiều, ít nhất là trong ngắn hạn. Gần một nửa dầu nhập khẩu của Ấn Độ đến từ Trung Đông. Vì vận chuyển từ Vùng Vịnh rẻ hơn rất nhiều nên mức chiết khấu của dầu Ural phải tăng thêm nữa thì Ấn Độ mới mua nhiều hơn. Và việc thanh toán không thể được thực hiện bằng USD nên Ấn Độ sẽ phải hử nghiệm với cơ chế đồng ruble-rupee.

Đó là nguyên nhân khiến Indian Oil Corporation, công ty lọc dầu lớn nhất Ấn Độ, mới chỉ đặt hàng vỏn vẹn 3 triệu thùng dầu. Ông Adi Imsirovic, nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện Nghiên cứu Năng lượng Oxford, cho rằng Ấn Độ chỉ có thể mua tối đa 10 triệu thùng dầu Nga mỗi tháng. Con số này chẳng thấm vào đâu khi so với ước tính của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) là lượng dầu “ế khách” của Nga sẽ lên tới 3 triệu thùng/ngày vào tháng 4.

Như vậy, chỉ Trung Quốc mới có thể cứu Nga. Trung Quốc nhập khẩu khoảng 10,5 triệu thùng dầu/ngày, tương đương 11% sản lượng hàng ngày của thế giới. Ông Imsirovic dự đoán Trung Quốc có thể nhân cơ hội tăng nhập khẩu lên 12 triệu thùng/ngày, nhanh chóng mua khoảng 60 triệu thùng dầu từ Nga. Điểm thuận lợi là Trung Quốc có rất nhiều kho dự trữ trống.  

Nhưng kịch bản này chưa xảy ra. Một trong những lý do là ngay cả với Trung Quốc, vận chuyển dầu từ Nga đã trở nên khó khăn hơn. Vận chuyển từ Nga đến châu Âu thường mất 3 đến 4 ngày, nhưng đến châu Á thì cần tới 40 ngày. Dầu phải được chất lên các tàu chở dầu lớn hơn nhiều, mất thêm thời gian và tốn kém hơn. Các ngân hàng Trung Quốc không cho vay. Thanh toán phải được thực hiện bằng nhân dân tệ.

Nhưng lý do lớn hơn cả là có lẽ Trung Quốc đang chờ đợi cơ hội tốt hơn. Khi vị thế giao dịch của Nga yếu đi, mức giảm giá của dầu Ural sẽ tăng lên và lượng mua hàng của Trung Quốc cũng vậy.

Động thái này sẽ không thể dễ dàng đảo ngược. Hầu hết các nhà máy lọc dầu đều được cấu tạo để xử lý một số loại dầu thô nhất định, có nghĩa là việc chuyển đổi từ dầu Ural sang các loại dầu thô khác sẽ tốn nhiều thời gian và tiền bạc. Do đó, việc Nga xích lại gần châu Á và châu Âu tranh giành tìm kiếm nguồn cung thay thế có thể sẽ định hình lại thị trường năng lượng toàn cầu.

Dầu Brent Biển Bắc sẽ ở lại châu Âu dù trước đây thường đi về phía đông. Châu Âu cũng có thể sẽ mua thêm từ Mỹ và Tây Phi, đồng thời tăng cường nhập khẩu các loại dầu giàu lưu huỳnh từ Vùng Vịnh.

Phần còn lại của thế giới bao gồm châu Á sẽ phải bằng lòng với các loại dầu mà châu Âu không muốn. Kết quả khi hệ thống thương mại dầu toàn cầu trở nên phân mảnh hơn sẽ là các nước nhập khẩu dầu phải trả giá đắt hơn.