Giá xăng dầu hạ nhiệt liên tục mà hàng hóa vẫn 'chờ' giảm giá

Mỹ Phương 19:53 | 17/08/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Không ít đơn vị kinh doanh hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, dịch vụ ăn uống... vẫn duy trì mức giá đã điều chỉnh theo giá xăng dầu ở giai đoạn mặt hàng này tăng cao đột biến.
 

Ghi nhận tại thị trường Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy dù giá xăng dầu đã được điều chỉnh giảm liên tục và có xu hướng giảm sâu, nhưng nhiều mặt hàng vẫn "chờ" giảm giá.

Đồng thời, không ít đơn vị kinh doanh hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, dịch vụ ăn uống... vẫn duy trì mức giá đã điều chỉnh theo giá xăng dầu ở giai đoạn mặt hàng này tăng cao đột biến.

Hiện nay ngoài mua sắm ở kênh bán lẻ như trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ truyền thống... thì người dân còn "săn" hàng khuyến mãi, giảm giá.

Điều này cho thấy các nhà bán lẻ đã có động thái san sẻ gánh nặng với người tiêu dùng và tạo điều kiện mua hàng giá rẻ so với mặt bằng chung của thị trường, nếu người dân mua sắm thông minh.

Tuy nhiên, nhiều đơn vị kinh doanh hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, dịch vụ ăn uống... vẫn neo giá và duy mặt bằng giá như trong giai đoạn giá xăng dầu tăng cao đột biến.

Cụ thể, nếu trước giai đoạn giá xăng dầu tăng cao đột biến thì một món điểm tâm sáng như phở, bún bò, cơm tấm... phổ biến chỉ 30.000-35.000 đồng, nhưng hiện nay vẫn được bán với mức giá 40.000-45.000 đồng từ lúc xăng dầu tăng đến lúc giảm như hiện nay.

Trước thực trạng người dân mong ngóng về công tác quản lý giá và đảm bảo tuân thủ cơ chế thị trường, nhất là những hàng hóa tiêu dùng thiết yếu thì một số đơn vị kinh doanh cho rằng chưa có thông báo về chính sách giá mới của nhà cung cấp, nhà sản xuất...

Hoặc lý giải nguyên nhân là giá xăng dầu chỉ chiếm tỷ lệ phần trăm nhất định trong cấu hình thành giá, bên cạnh đó chuỗi cung ứng có nhiều khâu như nguyên vật liệu, logistics... vẫn chưa giảm nên chưa kéo giá thành hàng hóa giảm sâu ngay được.

 Khách mua sắm tại siêu thị AEON. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN) 

Vừa qua, căn cứ vào tình hình diễn biến giá xăng dầu, Sở Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh đã có công văn về việc rà soát giá bình ổn các mặt hàng tham gia Chương trình Bình ổn thị trường năm 2022-2023 gửi đến doanh nghiệp tham gia chương trình thuộc nhóm mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu.

Sở Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị doanh nghiệp đánh giá việc điều chỉnh giá phù hợp với mức biến động giảm giá của giá xăng dầu trong cơ cấu hình thành giá.

Công văn này cũng nêu rõ trường hợp điều chỉnh giá, đề nghị doanh nghiệp có văn bản đăng ký giảm giá kịp thời về Sở Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh.

Còn trường hợp không điều chỉnh giá, doanh nghiệp có văn bản phản hồi, phân tích cụ thể cơ cấu hình thành giá để Sở Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh làm cơ sở xem xét điều chỉnh giá trong thời gian tới.

Liên quan đến vấn đề giá cả nhóm mặt hàng lương thực, thực phẩm, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh (FFA) chỉ ra rằng, đối với những nhóm mặt hàng này thì tỷ trọng giá xăng dầu chiếm từ 10-15% trong cơ cấu hình thành giá, nên chắc chắn giá xăng dầu giảm sẽ kéo theo nhóm mặt mặt hàng này giảm.

Riêng doanh nghiệp tham gia Chương trình Bình ổn thị trường năm 2022-2023, đã không tăng giá hoặc chỉ tăng từ 10-15% trong thời gian qua, mức tăng này chưa tương xứng với tăng đầu vào.

Hơn thế nữa, doanh nghiệp tham gia Chương trình Bình ổn thị trường năm 2022-2023 nói riêng và doanh nghiệp lương thực, thực phẩm nói chung vẫn giữ vững tinh thần chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng cũng đang rà soát và tính toán lại cơ cấu hình thành giá.

Tuy vậy, mỗi đợt điều chỉnh giá thành sản phẩm phải nhận được sự đồng thuận ở các khâu trong chuỗi cung ứng và cần có độ trễ nhất định.

Khảo sát tại kênh bán lẻ truyền thống lẫn kênh bán lẻ hiện đại trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy nguồn cung hàng hóa tiêu dùng thiết yếu vẫn đảm bảo dồi dào và đa dạng chủng loại.

Bên cạnh đó, giá hàng hóa tiêu dùng thiết yếu chưa hoặc giảm nhỏ giọt, nhưng giá bán ổn định, đáp ứng đủ nhu cầu thị trường và thị hiếu tiêu dùng.

Tại một số trung tâm thương mại như Co.opmart, Aeon Mall, LOTTE Mart... giỏ hàng của người dân mua sắm có giá trị dao động ở mức từ 1-2 triệu đồng/lượt.

Mức này đã tăng so với thời điểm trước giai đoạn biến động giá xăng dầu theo xu hướng tăng cao đột biến là từ 500.000-1 triệu đồng.

Theo đại diện một thương hiệu bán lẻ tại Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá, giỏ hàng của người tiêu dùng tăng giá trị không đồng nghĩa với việc đơn vị bán lẻ tăng doanh số hay doanh thu, mà một trong nguyên nhân có thể kể đến là do mặt hàng giá cả tác động đến giá thành nhiều sản phẩm.

Trong khi đó, mặt bằng giá cả chung bị tác động bởi những yếu tố như dịch bệnh, xăng dầu... nên người dân phải chi tiêu nhiều hơn để đảm bảo hàng hóa tiêu dùng thiết yếu.

Còn đại diện các thương hiệu bán lẻ khác thì cho rằng mặt bằng giá cả chung tăng không chỉ người dân bị áp lực mà nhà bán lẻ cũng đối mặt với không ít thách thức để đảm bảo tăng trưởng hoạt động kinh doanh.

Nhà bán lẻ phải liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp sản phẩm, đơn vị phân phối... để bình ổn giá, đảm bảo doanh số và kích cầu tiêu dùng trong bối cảnh sức mua yếu vì người dân thắt chặt chi tiêu ứng phó với "bão giá" trong thời gian qua.

Một số chuyên gia phân tích, tuy nỗi ám ảnh dịch COVID-19 đang dần bỏ lại phía sau, nhưng nền kinh tế toàn cầu nói chung, Việt Nam nói riêng đối mặt với nhiều thách thức hiện hữu; trong đó, có thể kể đến như giá nguyên liệu tăng, lạm phát tại những đầu tàu kinh tế thế giới ở mức đỉnh của nhiều năm...

Theo ông Nguyễn Xuân Thành, Chuyên gia kinh tế, Giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, giá cả năng lượng tăng kéo theo áp lực lạm phát, chứ không chỉ dừng lại ở thị trường giá cả hàng hóa trên toàn cầu. Dịch COVID-19 cũng thay đổi nhiều mô hình kinh doanh, thị trường và thói quen tiêu dùng...

Hiện nay, doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu nguyên phụ liệu nhiều hơn mua tại thị trường nội địa và tỷ lệ này cao hơn so một số quốc gia trong khu vực.

Với thực trạng này, để nâng cao năng lực cạnh tranh thì Việt Nam cần cải thiện tỷ lệ nội địa hóa mới có thể chống chọi với rủi ro đứt gãy chuỗi cung ứng trong và ngoài nước khi có biến động thị trường toàn cầu.