Giải ngân vốn đầu tư công `ì ạch`, Kho bạc Nhà nước yêu cầu đẩy nhanh tiến độ

10:26 | 22/08/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Kho bạc Nhà nước vừa ký Công điện số 10/CĐ-KBNN đề nghị các đơn vị trực thuộc thực hiện quyết liệt các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Theo đó, Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước yêu cầu các đơn vị trực thuộc tuyệt đối không hách dịch, sách nhiễu trong giải quyết công việc; không để tồn đọng bất kỳ hồ sơ thanh toán nào mà không rõ lý do.

Tổng Giám đốc Kho bạc cũng nghiêm cấm việc lợi dụng vị trí công việc được giao để mưu lợi cá nhân, làm chậm quá trình chi Ngân sách Nhà nước và ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2021.

Đồng thời, tăng cường hiệu quả quản lý, giám sát, kiểm tra đột xuất của cấp trên đối với cấp dưới, nâng cao vai trò kiểm tra, giám sát nội bộ về nghiệp vụ kiểm soát chi Ngân sách Nhà nước để kịp thời phát hiện các hành vi gây phiền hà, sách nhiễu, chậm giải quyêt hồ sơ cho đơn vị sử dụng ngân sách, chủ đầu tư.

Giải ngân vốn đầu tư công `ì ạch`, Kho bạc Nhà nước yêu cầu đẩy nhanh tiến độ - ảnh 1

Kho bạc Nhà nước yêu cầu đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công

Mặt khác, Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước cũng đề nghị các đơn vị trực thuộc tiếp tục đôn đốc chủ đầu tư, tháo gỡ và khắc phục những khó khăn, đẩy mạnh tiến độ thực hiện dự án và giải ngân kế hoạch vốn.

Đặc biệt, đối với nhóm dự án đã hoàn thành từ trước ngày 31/12/2020 vẫn còn tồn đọng quyết toán và kế hoạch vốn chưa giải ngân, chủ đầu tư khẩn trương liên hệ với nhà thầu để thanh toán công nợ theo quy định (đối với dự án đã phê duyệt quyết toán); hoàn tất thủ tục lập, trình phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành đối với các dự án đã hoàn thành từ trước ngày 31/12/2020 để phê duyệt trước 30/9/2021.

Ngoài ra, đối với công tác phòng, chống dịch Covid-19, lãnh đạo cơ quan này yêu cầu siết chặt hơn nữa kỷ luật, kỷ cương trong chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chổng dịch bệnh tại đơn vị.

Trước diễn biến ngày càng phức tạp của dịch Covid-19, Tổng Giám đốc Kho bạc yêu cầu các đơn vị trực thuộc tăng cường sử dụng công nghệ thông tin trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao. Lập kế hoạch, bố trí công chức, viên chức, người lao động làm việc tại cơ quan và làm việc trực tuyến tại nhà đối với các nhiệm vụ được phân công theo đúng quy định; bảo đảm không để đình trệ công việc, nhất là các công việc có thời hạn, thời hiệu theo quy định của pháp luật, các dịch vụ công phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Tăng cường nâng cao ý thức và sự chấp hành của từng công chức, viên chức, người lao động thuộc phạm vi quản lý đối với các yêu cầu của chính quyền địa phương và cơ quan chức năng về cách ly và giãn cách xã hội.

Công điện cũng nêu rõ giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, thủ trưởng các đơn vị thuộc cơ quan Kho bạc Nhà nước chịu trách nhiệm toàn diện trước Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước về việc để công chức, viên chức, người lao động thuộc phạm vi quản lý vi phạm kỷ cương, kỷ luật hành chính, đặc biệt là chậm trễ trong giải quyết hồ sơ kiểm soát chi Ngân sách Nhà nước và giải ngân vốn đâu tư; vi phạm quy định về phòng, chống dịch Covid-19.

Trước đó, ngày 11/8/2021, Văn phòng Chính phủ có Văn bản số 5515/VPCP-QHQT gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc báo có giải ngân vốn ODA, vay ưu đãi 6 tháng đầu năm 2021.

Theo đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh yêu cầu các Bộ ngành, cơ quan, địa phương sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước khẩn trương thực hiện các giải pháp trong phạm vi quản lý của mình và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, trong đó có nguồn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài, coi đây là nhiệm vụ chính trị của các Bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội và tài chính ngân sách năm 2021 được giao.

Giải ngân vốn đầu tư công `ì ạch`, Kho bạc Nhà nước yêu cầu đẩy nhanh tiến độ - ảnh 2

Nhiều tỉnh thành vẫn giải ngân rất chậm chạp

Tiến hành rà soát, đánh giá cụ thể về khả năng giải ngân của từng dự án, điều chuyển kế hoạch vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang dự án có tiến độ giải ngân tốt, còn thiếu vốn. Đối với các trường hợp không có khả năng hoàn thành khối lượng dự án theo tiến độ đề ra, phải thực hiện cắt giảm, điều chuyển kế hoạch vốn được giao và khẩn trường có văn bản đề xuất gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính trong tháng 8/2021 để báo cáo cấp có thẩm quyền theo đúng chỉ đạo tại Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 29/6/2021 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022.

Các Bộ ngành, cơ quan, địa phương chỉ đạo các chủ dự án khẩn trương hoàn tất các thủ tục về đầu tư, xây dựng, di dân tái định cư, giải phóng mặt bằng để triển khai thực hiện dự án; giải quyết các khó khăn vướng mắc trong đấu thầu hợp đồng, xin ý kiến “không phản đối” của Nhà tài trợ, đặc biệt là các tranh chấp hợp đồng (nếu có) để có khối lượng hoàn thành, đủ điều kiện thanh toán và gửi hồ sơ giải ngân, rút vốn tới Bộ Tài chính. Các chủ dự án chủ động báo cáo cơ quan chủ quản và Bộ, ngành liên quan về các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện dự án để có biện pháp xử lý kịp thời.

Đối với chương trình, dự án cần điều chỉnh chủ trương đầu tư, các Bộ, ngành, địa phương thực hiện các thủ tục trình cấp có thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư theo quy định; phối hợp với Bộ Tài chính để hoàn thành thủ tục gia hạn, điều chỉnh hiệp định vay đã ký (nếu có).

Đăng Khôi (T/h)