Giải pháp nào cải thiện điểm yếu về khả năng cạnh tranh của du lịch Việt?

15:57 | 08/01/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Thời điểm cuối năm, ngành du lịch các địa phương đang nỗ lực tìm kiếm các giải pháp đồng bộ để thu hút khách trở lại vào năm 2021.

Một năm tăng hạng nhưng tổn thất nặng nề

 
Theo Báo cáo năng lực cạnh tranh du lịch toàn cầu 2019 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), năng lực cạnh tranh du lịch Việt Nam xếp hạng 63/140 nền kinh tế, tăng so với hạng 67/136 (Báo cáo năm 2017). Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đứng thứ 5, sau Singapore (xếp hạng 17), Thái Lan (31), Malaysia (29), Indonesia (40); xếp trên Brunei (72), Philippines (75), Lào (97) và Campuchia (98).
 
 
Giải pháp nào cải thiện điểm yếu về khả năng cạnh tranh của du lịch Việt? - ảnh 1
 Du lịch thác Bản Giốc, Cao Bằng. Ảnh VGP/Nhật Thy
 
Việt Nam thuộc nhóm dẫn đầu thế giới (hạng 1-35) đối với các nhóm chỉ số Sức cạnh tranh về giá (hạng 22), Tài nguyên văn hóa và du lịch công vụ (hạng 29) và Tài nguyên tự nhiên (hạng 35). Các nhóm chỉ số thuộc nhóm thấp của thế giới (hạng 71-140) của Việt Nam bao gồm: Sự bền vững về môi trường (hạng 121), Hạ tầng dịch vụ du lịch (hạng 106), Mức độ ưu tiên cho ngành du lịch (hạng 100), Y tế và vệ sinh (hạng 91), Hạ tầng mặt đất và cảng (hạng 84) và Mức độ sẵn sàng công nghệ thông tin và truyền thông (hạng 83). Các nhóm chỉ số ở nhóm trung bình của thế giới (hạng 36-70) bao gồm: Nhân lực và thị trường lao động (hạng 47), Hạ tầng hàng không (hạng 50), An toàn và an ninh (hạng 58), Mức độ mở cửa quốc tế (hạng 58) và Môi trường kinh doanh (hạng 67).
 
Tuy nhiên, năm 2020 cũng là năm mà mức độ tàn phá ngoài sức tưởng tượng của dịch COVID-19 khiến ngành du lịch Việt Nam phải đánh giá lại, tư duy lại cách làm du lịch trong bối cảnh dịch còn diễn biến phức tạp. Du lịch Việt Nam chuyển hướng tập trung khai thác thị trường khách trong nước ở trạng thái "bình thường mới", với yêu cầu tiên quyết là phải bảo đảm an toàn phòng, chống dịch cho các sản phẩm du lịch, bảo đảm an toàn cho du khách. Nhưng ngành du lịch cũng phải tính xa hơn để đón đầu khách quốc tế, với những sản phẩm mới, phù hợp ngay khi đủ điều kiện mở lại hoạt động đón khách quốc tế.
 

Vượt khó, tìm thời cơ trong thách thức

 

Qua nhiều diễn đàn, hội nghị về du lịch, những điểm yếu và hạn chế của du lịch Việt Nam bộc lộ rõ qua đại dịch đã được chính ngành du lịch nhìn nhận lại, đánh giá một cách sâu sắc để có những giải pháp nhằm vực dậy hoạt động sau dịch.
 
Ðầu tiên, ngành du lịch xác định cần nhanh chóng cơ cấu lại thị trường khách. Thời gian qua, du lịch Việt Nam phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Ðông - Bắc Á (gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc) với khoảng 66,8% tổng lượng khách quốc tế, trong khi một số thị trường khách có mức chi tiêu cao (như châu Âu, châu Mỹ...) vẫn chưa được khai thác hiệu quả. Ðiều đó đòi hỏi ngành du lịch phải điều chỉnh để có các dòng sản phẩm đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách quốc tế, nhất là các thị trường khách "nhà giàu". Ðồng thời, bảo đảm phát triển cân đối cơ cấu khách du lịch quốc tế đến từ nhiều thị trường.
 
 
Giải pháp nào cải thiện điểm yếu về khả năng cạnh tranh của du lịch Việt? - ảnh 2
Fansipan (Lào Cai). Ảnh VGP/Nhật Thy
 
Tiếp đến là nâng cao chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh doanh. Theo thống kê, thời gian lưu trú của du khách quốc tế đến Việt Nam bình quân chỉ đạt 8,1 ngày, với mức chi tiêu bình quân là 1.074 USD cho một chuyến đi (thấp hơn đáng kể so với mức tương ứng của Thái Lan là chín ngày và 1.565 USD). Ðây là vấn đề đòi hỏi ngành du lịch phải có giải pháp về sản phẩm và hướng đi để ưu tiên thu hút dòng khách có mức chi tiêu cao, lưu trú dài ngày, bảo đảm sự phát triển bền vững cho du lịch Việt Nam, đồng thời cần chú trọng hơn đến thị trường khách trong nước.
 
Theo các chuyên gia và cơ quan quản lý, việc cơ cấu lại thị trường, để du lịch trong nước trở thành thị trường quan trọng, đóng góp từ 55% đến 75% tổng thu của ngành du lịch trong hai đến ba năm tới, là điều rất cần thiết. Lâu nay do chưa quan tâm đúng mức thị trường khách du lịch trong nước, nên dù khách trong nước chiếm hơn 82,5% tổng lượng khách, nhưng doanh thu du lịch từ khách trong nước chỉ chiếm chưa đến 45% tổng doanh thu du lịch.
 
Lý do là sản phẩm du lịch phục vụ khách trong nước chưa đa dạng, còn mang tính mùa vụ, thiếu sản phẩm hấp dẫn để thu hút và kích thích chi tiêu của đối tượng khách này. Việc khai thác thị trường du lịch trong nước với tiềm năng 100 triệu dân, trong đó số người có thu nhập khá ngày càng tăng nhanh, mang đến nguồn thu ổn định, bền vững là hướng tập trung hiện nay của ngành.
 
Trong tình hình khó khăn chống đỡ dịch COVID-19, vấn đề hợp tác, liên kết du lịch được các địa phương chú trọng, chia sẻ thực chất hơn, trở thành giải pháp quan trọng để tăng lượng khách du lịch trong nước. Tăng cường liên kết vùng, liên kết địa phương, liên kết ngành, doanh nghiệp; chú trọng nâng cao chất lượng, sản phẩm du lịch, bảo đảm an toàn cho du khách... là những giải pháp trọng tâm.
 
Các địa phương đã "ngồi lại" với nhau để xác định những sản phẩm đặc trưng, phù hợp, hấp dẫn của từng vùng, tránh việc cạnh tranh bằng các sản phẩm giống nhau hoặc gây xung đột. Việc hợp tác liên kết phát triển du lịch giữa TP Hồ Chí Minh và tám tỉnh Tây Bắc mở rộng năm 2020 với chủ đề "Liên kết phát triển bền vững" là một điển hình. Trước đó, TP Hồ Chí Minh đã có các hoạt động liên kết du lịch rất hiệu quả với 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và năm tỉnh vùng Ðông Nam Bộ.
 
Ðiều quan trọng không kém là việc cơ cấu lại sản phẩm, tạo ra sản phẩm du lịch mới lạ, độc đáo. Kinh nghiệm của hai đợt kích cầu du lịch trong nước vừa qua là tập trung đẩy mạnh xúc tiến điểm đến, nhất là những điểm đến mới và kết nối các điểm đến để tạo ra những sản phẩm mới lạ, độc đáo, hấp dẫn. Với du khách, quan trọng nhất là có nhiều sản phẩm mới lạ, độc đáo, hấp dẫn, bởi giờ đây chỉ còn tua đi du lịch trong nước, họ có nhiều sự lựa chọn và trở nên khắt khe hơn. Khi đưa ra các sản phẩm mới, các doanh nghiệp du lịch đồng thời cam kết về hoãn, hủy, đổi tua, dịch vụ... linh hoạt để du khách yên tâm rằng, họ luôn được bảo đảm quyền lợi trong mọi tình huống. Ðây cũng là bước sáng tạo của các doanh nghiệp du lịch Việt Nam trong trạng thái "bình thường mới".
 
Thực hiện mục tiêu kép "vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phát triển kinh tế, xã hội", trong đó, mục tiêu trước mắt là đề xuất các giải pháp cụ thể, khả thi để nhanh chóng phục hồi du lịch nội địa và sẵn sàng mở cửa thị trường quốc tế khi điều kiện cho phép, là mục tiêu căn cốt của du lịch Việt Nam.
 
Thời gian tới, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tiến hành các giải pháp để tập trung cải thiện các điểm yếu; phát huy các điểm mạnh nổi trội; tiếp tục cải thiện các nhóm chỉ số quan trọng trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến phát triển du lịch.
 
Cụ thể, tập trung cải thiện cơ bản điểm yếu về hạ tầng dịch vụ du lịch và sự bền vững về môi trường. Tập trung nâng cao nhóm chỉ số mức độ ưu tiên cho ngành du lịch về cơ chế, chính sách; đầu tư ngành du lịch; marketing và phát triển thương hiệu điểm đến du lịch; thống kê du lịch và chiến lược thương hiệu quốc gia.
 
Bên cạnh đó, phát huy thế mạnh nổi trội về tài nguyên văn hóa và tài nguyên tự nhiên, đặc biệt chú trọng đến yêu cầu phát triển bền vững.
 
Tiếp tục nâng cao nhóm chỉ số quan trọng về mức độ mở cửa quốc tế và hạ tầng hàng không, đặc biệt là năng lực vận chuyển hàng không quốc tế và nội địa, đồng thời cải thiện chất lượng hạ tầng hàng không.
 
Cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chất lượng nhân lực và thị trường lao động và mức độ sẵn sàng về công nghệ thông tin và truyền thông để thúc đẩy các hoạt động phát triển du lịch.
 
Minh Hoa