Giảm áp lực lên giá vàng
Tại thị trường Hà Nội, đóng cửa giao dịch cuối tuần 28/5, giá vàng SJC được Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 68,5 – 69,52 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 100 nghìn đồng/lượng ở cả chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên hôm qua.
Trước đó, giá vàng trong liên tục tăng từ phiên giao dịch đầu tuần 23/5 đến cuối tuần 28/5. Diễn biến này trùng với nhận định của các chuyên gia trước đó khi giá vàng được dự báo sẽ duy trì đà tăng, bước vào chu kỳ tăng giá mới khi một loạt các yếu tố rủi ro đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu như lạm phát, dịch bệnh, căng thẳng địa chính trị, thị trường chứng khoán bất ổn… đang có chiều hướng gia tăng.
Cùng lúc đó, trên thị trường thế giới, kết phiên giao dịch cuối tuần 27/5, giá vàng giao ngay tăng 0,1%, lên 1.852,22 USD/ounce, qua đó ghi nhận mức tăng 0,4% cho cả tuần. Trong khi giá vàng giao kỳ hạn tăng 0,2%, lên 1.851,3 USD/ounce.
Daniel Pavilonis, chiến lược gia thị trường cấp cao tại RJO Futures cho biết: “FED đang bám sát quan điểm của mình ở một mức độ nào đó, nhưng vẫn có sự không chắc chắn về những gì sẽ diễn ra sau hai lần tăng lãi suất vừa qua”.
Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ đã giảm trong phiên này, sau khi có thời điểm tăng ngắn nhờ dữ liệu chi tiêu mạnh. Trong khi đó, đồng USD hướng tới tuần giảm thứ hai liên tiếp.
Biên bản cuộc họp chính sách ngày 3-4/5 của FED được công bố vào ngày 25/5 vừa qua cho thấy FED đang vật lộn để điều hướng nền kinh tế theo hướng “hạ nhiệt” lạm phát mà không gây ra suy thoái.
Rupert Rowling, nhà phân tích thị trường tại Kinesis Money cho biết: “Vàng có vẻ đã tìm thấy mức giá thực của nó và có khả năng dao động quanh mức 1.840 - 1.860 USD/ounce cho đến khi có một chất xúc tác mới”.