Giới nhà giàu châu Á để lại cho con cái khoản thừa kế hơn 2.500 tỷ USD
Khoảng 70.000 người thuộc giới thượng lưu châu Á có khả năng để lại 2.540 tỷ USD cho thế hệ thừa kế vào năm 2030.
Đây là con số lớn thứ ba thế giới, sau khu vực Bắc Mỹ (10.600 tỷ USD) và châu Âu (3.580 tỷ USD), theo báo cáo mới nhất của Cơ quan thông tin tài sản có trụ sở tại Mỹ và nhà cung cấp thông tin chi tiết Wealth-X.
Tuy nhiên, nếu tính trung bình, một người thuộc tầng lớp thượng lưu ở châu Á có thể để lại khoản thừa kế trị giá hơn 36,5 triệu USD, mức lớn thứ hai thế giới, đứng sau khu vực Bắc Mỹ (43 triệu USD), theo South China Morning Post.
Ở Bắc Mỹ, ước tính có khoảng 455.490 người giàu có khả năng để lại di chúc và các khoản thừa kế cho thế hệ kế cận vào năm 2030, trong khi con số tương tự tại châu Âu là 102.828 người.
Báo cáo cho biết trên toàn cầu, khoảng 680.000 cá nhân sẽ chuyển giao khối tài sản có tổng giá trị lên tới 18.300 tỷ USD, lớn hơn tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc trong năm 2020 (14.900 tỷ USD).
Trung bình, nhóm người giàu trên thế giới có khả năng để lại các khoản thừa kế trị giá 27 triệu USD.
"Ước tính có khoảng 3 triệu người thuộc nhóm siêu giàu trên thế giới và một phần tư trong số họ sẽ tìm cách để chuyển giao tài sản của mình cho thế hệ tiếp theo từ nay đến năm 2030, điều này sẽ liên quan đến việc chuyển giao một mức độ giàu có đáng kinh ngạc", nội dung bản báo cáo.
"Với 10.600 tỷ USD, Bắc Mỹ sẽ chiếm gần 60% tổng tài sản được chuyển giao. Tầng lớp giàu có ở châu Âu sẽ để lại khoản thừa kế gần 3.600 tỷ USD vào năm 2030, chiếm 15%.
Những con số trên vượt xa châu Á, nơi chúng tôi mong đợi khối tài sản trị giá gần 2.500 tỷ USD sẽ được để lại cho thế hệ sau".
Ngày nay, số lượng tỷ phú châu Á thậm chí nhiều hơn châu Âu, nhưng ngoại trừ Nhật Bản, nơi có dân số tương đối giá, nhóm người giàu tại châu Á thường có độ tuổi trẻ hơn nhóm người giàu tại châu Âu.
Điều này có nghĩa phải đến vài thập kỷ nữa, nhóm người giàu châu Á mới bắt đầu nghĩ đến các kế hoạch viết di chúc và phân chia tài sản. Đó là lý do dẫn đến số tiền thừa kế tính đến năm 2030 của nhóm người giàu châu Á thấp hơn châu Âu.
Theo báo cáo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới có trụ sở tại Thụy Sĩ, tính đến năm 2019, châu Âu có độ tuổi trung bình cao nhất là 42, tiếp theo là Bắc Mỹ ở tuổi 35. Ở Châu Á, độ tuổi trung bình là 31.
Cũng theo báo cáo, nhóm người giàu chủ yếu là nam giới tự thân, quan tâm đến thể thao cũng như hoạt động từ thiện.
"Khoảng 90% là nam giới, hầu hết ở độ tuổi từ 70 đến 80, và ít nhất có đến 2/3 số người giàu sẵn sàng hiến tặng tài sản của mình cho các quỹ từ thiện, nếu không muốn nói là nhiều hơn. Từ thiện và thể thao là hai sở thích phổ biến nhất của họ cho đến nay", theo nội dung bản báo cáo.
Về mặt từ thiện, nhóm người giàu thường quan tâm tới các lĩnh vực như giáo dục, nghệ thuật và văn hóa, chăm sóc sức khỏe và nghiên cứu y tế.
Theo báo cáo của công ty tư vấn bất động sản Knight Frank, những cá nhân giàu có trên thế giới hoặc những người có giá trị tài sản ròng từ 30 triệu USD trở lên phần lớn không bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch COVID-19 trong năm 2020.
Trung Quốc là quốc gia có số lượng người giàu lên nhiều nhất trong năm qua với mức tăng 16%, tiếp theo lần lượt là Thụy Điển với 11% và Singapore với 10%.