Giới tỷ phú Nga có thể dùng tiền điện tử để 'né' các đòn trừng phạt từ Mỹ và EU

Chu Khải Hoàn 16:04 | 26/02/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa Nga và Ukraine, các tỷ phú Nga đang tìm đến những biện pháp an toàn để né các đòn trừng phạt từ các bên khác.

Tiền điện tử có thể giúp Nga và các tỷ phú của nước này giảm bớt tác động của các lệnh trừng phạt từ phương Tây, theo Bloomberg.

Tuần qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết đã sẵn sàng cho những lệnh trừng phạt nhắm vào phía Nga sau khi phát động tấn công tại Ukraine. Lệnh trừng phạt nhằm mục đích hạn chế khả năng kinh doanh bằng đồng USD cũng như các loại tiền tệ quốc tế lớn khác, đồng thời cũng có các hình phạt đối với 5 ngân hàng Nga có tài sản ước tính lên tới 1.000 tỷ USD. Bên cạnh đó, hàng loạt tỷ phú Nga cũng trở thành mục tiêu bị nhắm đến của các lệnh trừng phạt.

Tuy nhiên, tác động từ các lệnh trừng phạt này có thể sẽ giảm khi Nga đang dần hợp pháp hóa tiền điện tử và tài sản kỹ thuật số. Thông thường, các quốc gia sử dụng các giải pháp truyền thống để tránh tác động từ các lệnh trừng phạt, chẳng hạn như việc Venezuela và Triều Tiên sử dụng phương thức vận chuyển nhiên liệu từ tàu này sang tàu kia, nhưng các tài sản kỹ thuật số như tiền điện tử và các sàn giao dịch phi tập trung có thể trở thành cách hiệu quả nhất để tránh các hình phạt.

Matthew Sigel, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tài sản kỹ thuật số tại nhà quản lý đầu tư VanEck cho biết: "Giới tài phiệt sẽ không gặp phải bất kỳ sự kiểm duyệt nào trên thị trường Bitcoin".

Bitcoin có thể là giải pháp được giới tỷ phú Nga tìm đến trong thời gian tới. (Ảnh: Coingape).  

Các biện pháp trừng phạt mà Mỹ và đồng minh áp đặt lên các công ty và cá nhân về cơ bản có thể khiến họ không thể rời khỏi phương Tây. Những tỷ phú có khả năng tránh được các hình phạt đó nếu họ chọn sử dụng tiền điện tử. Các loại tiền kỹ thuật số có thể giúp họ mua hàng hóa và dịch vụ và đầu tư vào tài sản bên ngoài lãnh thổ nước Nga. Tiền điện tử cũng giúp họ tránh được việc bị theo dõi bởi các ngân hàng hoặc tổ chức chịu ảnh hưởng từ các lệnh trừng phạt.

Mati Greenspan, nhà sáng lập và CEO của công ty tư vấn tài chính Quantum Economics cho biết: "Nếu hai người hoặc tổ chức muốn kinh doanh với nhau và không thể làm như vậy thông qua ngân hàng, họ có thể làm điều đó bằng Bitcoin. Nếu một tỷ phú lo ngại rằng tài khoản của họ có thể bị đóng băng do các lệnh trừng phạt, họ có thể chỉ cần giữ tài sản của mình bằng Bitcoin để được bảo vệ khỏi những hành động như vậy".

Lợi ích của tiền điện tử trước các lệnh trừng phạt

Tiền điện tử có khả năng được gửi trực tiếp từ người này sang người khác bất kể có lệnh trừng phạt nào của chính phủ hoặc các bên liên quan. Chủ sở hữu tiền điện tử cũng có thể thiết lập một mạng ví với các địa chỉ khác nhau trên một số sàn giao dịch, khiến việc theo dõi hoạt động giao dịch trở nên khó khăn và thậm chí khó ràng buộc các giao dịch lại với một cá nhân cụ thể. 

Ngoài ra, họ có thể chọn các sàn giao dịch tiền điện tử không có trụ sở tại các khu vực pháp lý đang bị áp đặt biện pháp trừng phạt. Do đó, họ không nhất thiết phải tuân thủ quy định.

"Giới tỷ phú Nga cũng là mục tiêu của các biện pháp trừng phạt. Chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì nhịp độ phản đối những tỷ phú tham nhũng trong những ngày tới", ông Biden cho biết.

Cho đến nay, không có bất kỳ tỷ phú nào tại Nga công khai việc sở hữu tiền điện tử. Vì vậy, không ai biết liệu có người nào trong số các tỷ phú Nga sở hữu tiền điện tử hay không.

David Tawil, CEO công ty đầu tư tiền điện tử ProChain Capital cho biết chắc chắn vẫn có cách để các chính phủ áp đặt các quy định đối với việc nắm giữ tiền điện tử trên các sàn giao dịch tập trung. Ông cũng đề cập đến cuộc đàn áp gần đây của chính phủ Canada đối với các tài khoản tiền điện tử thuộc sở hữu của các tài xế xe tải, những người đang nhận tiền để biểu tình, ngăn việc đi lại giữa các cửa khẩu biên giới Mỹ-Canada.

Thị trường tiền điện tử tại Nga

Tình trạng pháp lý của tiền điện tử tại Nga đang thay đổi khi chính phủ dần hợp pháp hóa để thu hút đầu tư nước ngoài và đưa giao dịch trong nước ra ánh sáng. Tháng trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh cho các cơ quan chức năng đạt được một thỏa hiệp nhanh chóng, nhưng các quan chức chính phủ hàng đầu cho đến nay vẫn chưa thể đi đến thống nhất.

Tuy nhiên, theo một báo cáo gần đây của chính phủ, có hàng triệu người Nga đang sở hữu tiền điện tử với tổng khối lượng có giá trị lên tới gần 23 tỷ USD. Trong khi đó, theo dữ liệu từ cổng thanh toán TripleA có trụ sở tại Singapore, hơn 17 triệu người Nga, chiếm khoảng 12% tổng dân số, đang sở hữu tiền điện tử. Với các lệnh trừng phạt đang treo lơ lửng phái trước, Nga có thể nắm lợi thế khi tiến tới hợp pháp hóa tiền điện tử.

Không chỉ Nga mà ngay cả những quốc gia thuốc Liên Xô cũ cũng đang quan tâm tới tiền điện tử. Tuần trước, Quốc hội Ukraine đã ủng hộ dự luật hợp pháp hóa tiền điện tử, trong khi Kazakhstan đang nỗ lực quản lý và đánh thuế cao hơn khi ngành khai thác tiền điện tử đang bùng nổ.