Grab, Be, Go-Jek,... đã “đốt” bao nhiêu tiền ở Việt Nam, bao giờ có lãi?
Các ứng dụng xe ôm công nghệ lớn đều đang trong cuộc đua "đốt tiền" ở thị trường Việt Nam. Không kém cạnh TMĐT, Grab, Be, Go-Jek cũng đã vung con số hàng ngàn tỷ đồng.
Ứng dụng gọi xe công nghệ từ vài năm nay đã trở nên quen thuộc với mọi người, nhất là dân thành thị. Tại Việt Nam, ở thời điểm hiện tại có 3 đại diện lớn nhất là Grab từ Singapore, Go-Jek (vừa đổi tên từ Go-Viet) từ Indonesia và hãng công nghệ Việt be. Gần đây còn có ông lớn gọi xe công nghệ Hàn Quốc Baemin cũng vừa “rầm rộ” bước chân vào thị trường nước ta.
Giống như các ứng dụng thương mại điện tử, ứng dụng gọi xe cũng cần phải có giai đoạn “đốt tiền” ban đầu để tung ra các khuyến mãi, quảng bá với khách hàng. Trong khi cuộc chiến vung tiền của Shopee, Lazada, Tiki,... phần nào đã hạ nhiệt vì thị trường đã định hình dần thì cuộc đua của Grab, Go-Jek và be vẫn còn đang gay cấn.
Trong báo cáo tài chính của mình, năm 2019 Grab lỗ gần 1.700 tỷ đồng, gấp đôi năm 2018. Về “nhì” trong cuộc đua lỗ là Go-Viet lúc bấy giờ với 1.682 tỷ. Be Group lỗ 1.500 tỷ. Tổng cộng, 3 ứng dụng gọi xe lớn nhất Việt Nam năm 2019 “đốt” khoảng 4.900 tỷ đồng. Bên cạnh đó, 2 ứng dụng chuyên về giao đồ ăn là Baemin và Now cũng lỗ hơn 1.200 tỷ đồng.
Trong năm 2019, 3 ông lớn xe ôm công nghệ ở Việt Nam lỗ gần 5.000 tỷ đồng
Tuy mức lỗ 2019 của 3 công ty trên khá xấp xỉ nhau, nhưng lại phản ánh tình hình khác biệt. Hiện Grab là ông lớn đang áp đảo thị trường. Lợi thế đầu tiên dễ thấy của Grab là xuất hiện sớm nhất, từ hồi 2014 còn phải cạnh tranh sau đó thôn tính cả Uber Đông Nam Á. Còn Go-Viet và be mới chỉ đi vào hoạt động từ cuối năm 2018.
Grab hiện nay cũng là ứng dụng có nhiều dịch vụ nhất: chở khách cả xe máy lẫn ô tô, giao đồ ăn với GrabFood. Còn Go-jek hiện tại chưa có dịch vụ gọi ô tô, be thì chưa giao đồ ăn. Chỉ sau hơn 1 năm gia nhập thị trường, lỗ lũy kế của Go-Viet và be đã lên tới 4.350 tỷ đồng – lớn hơn cả tổng mức lỗ của Grab sau 6 năm hiện diện tại Việt Nam. Thế nhưng dù thế thì Grab vẫn chưa lãi ở Việt Nam. Còn các đối thủ đến sau có lẽ còn phải đợi thời gian dài nữa.
Những mô hình kinh doanh như Grab hay Go-Jek đều đang hướng đến xây dựng hệ sinh thái 'siêu ứng dụng'. Giám đốc Grab Việt Nam, ông Jerry Lim từ năm 2019 đã tuyên bố chiến lược phát triển bền vững và sinh lời của Grab là trở thành một siêu ứng dụng, chứ không phải trông đợi sinh lời từ mảng gọi xe. Mở thêm dịch vụ GrabFood giao đồ ăn là một ví dụ cho điều đó.
Xe ôm, giao hàng công nghệ đã trở thành hình ảnh vô cùng quen thuộc trên đường phố hiện nay
Theo phân tích, để trở thành siêu ứng dụng phải có được 2 điều kiện: số lượng người dùng đủ lớn và sản phẩm, dịch vụ phải phù hợp với nhu cầu khách hàng. Sau khi đã có tệp khách hàng đủ lớn, ứng dụng sẽ mở ra thêm các dịch vụ liên quan như đi chợ hộ, thanh toán, giải trí, bảo hiểm, chăm sóc sức khỏe,... Các mắt xích kết nối với nhau tạo thành hệ sinh thái. Các tài xế xe ôm công nghệ ngoài chở khách như bình thường, vào thời gian rảnh có thể chuyển sang làm giao đồ ăn. Vào buổi chiều tan tầm, họ lại có thể chuyển sang mua hàng tạp hóa và giao đến nhà khách. Về phía người dùng thì chỉ cần mở điện thoại và dùng một ứng dụng cho đủ các nhu cầu từ sáng đến tối.
Kim Chi