Thấy gì từ việc Grab thâu tóm doanh nghiệp taxi lớn thứ 3 Singapore?
Ngày 20/7, Grab thông báo thương vụ mua lại 100% cổ phần Trans-cab - hãng taxi truyền thống lớn thứ ba ở Singapore. Dự kiến thương vụ sẽ hoàn tất vào quý IV năm nay.
Giải thích về hành động này, đại diện Grab nói: “Trans-cab có đội xe kết hợp taxi và xe cho thuê tư nhân gồm hơn 2.500 xe và điều này có thể bổ trở cho hoạt động kinh doanh cốt lõi của Grab”.
Trong khi phía hãng taxi truyền thống cho hay: “Hành vi của người tiêu dùng đã thay đổi. Chúng tôi nhận ra nhu cầu số hoá hoạt động kinh doanh, làm sao để đảm bảo các tài xế có thể giữ được việc làm. Công ty tin rằng thoả thuận này sẽ bảo vệ tương lai của họ”.
Các hãng gọi xe công nghệ vốn tự cho mình nằm ngoài lĩnh vực kinh doanh taxi truyền thống, trong đó các đối tác tài xế hoạt động tự do là những người có xe và thời gian nhàn rỗi muốn tăng thêm thu nhập.
Tuy nhiên, trong hai năm trở lại đây, việc hãng gọi xe công nghệ kết hợp với các công ty taxi truyền thống bắt đầu trở thành xu hướng chính. Hãng gọi xe với tệp khách hàng quen thuộc đủ lớn để có thể trở thành một hub kết nối các hãng taxi. Xu hướng mới bắt đầu với Uber - công ty đầu tiên khai phá thị trường gọi xe công nghệ.
Xu hướng trên thế giới
Tháng 3 năm ngoái, một thông báo bất ngờ từ Uber cho biết họ sẽ cho phép người dùng tại TP New York có thể gọi taxi từ hai hãng Curb và CMT ngay trên ứng dụng Uber. Một liên minh giữa taxi truyền thống và gọi xe công nghệ - điều tưởng chừng như không thể vào mấy năm về trước, nay đã thành sự thật.
Đến cuối năm đó, người dùng tại New York đã có thể sử dụng ứng dụng Uber để đặt taxi. Sau khi nhận được yêu cầu, Uber sẽ chuyển tới hai công ty taxi truyền thống, họ sẽ thông báo cho tài xế đến đón khách. Giá cược dựa trên chính sách của Uber, bao gồm cả phụ phí trong giờ cao điểm hay thời tiết xấu.
Ứng dụng cũng hiển thị giá cước trước khi đặt, không khác so với các chuyến đi Uber thông thường. Về phía tài xế taxi, họ cũng có quyền chấp nhận hoặc từ chối cuốc xe.
Mặc dù Uber và các doanh nghiệp taxi truyền thống đã xung đột lợi ích với nhau trong nhiều năm liền khi cố gắng giành thị phần từ tay đối thủ. Tuy nhiên, có vẻ như cả hai đã nhận ra rằng việc hợp tác thay vì cạnh tranh có thể giúp họ thúc đẩy các hoạt động kinh doanh của mình.
Không chỉ tại New York, việc hợp tác giữa Uber và các hãng taxi truyền thống cũng đã diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới. Chẳng hạn, Uber cho biết họ đã tích hợp với 2.500 xe taxi tại Tây Ban Nha, hợp tác với công ty taxi TaxExpress ở Colombia hay thâu tóm hãng taxi SK Taxi tại Hong Kong vào năm ngoái.
Uber cũng bắt đầu làm như thế tại Hàn Quốc, Đức, Áo và Thổ Nhĩ Kỳ.
Tháng 2/2023, Phó Chủ tịch Cấp cao về hoạt động kinh doanh của Uber, ông Andrew Macdonald, cho biết Uber muốn mọi hãng taxi trên thế giới đều hoạt động trên nền tảng của mình vào năm 2025.
“Khi chúng tôi cung cấp nhiều phương tiện di chuyển hơn, khách hàng dường như sử dụng ứng dụng thường xuyên hơn, chi tiêu nhiều hơn và gắn bó với nền tảng cũng lâu hơn”, lãnh đạo Uber chia sẻ về kết quả hợp tác với các hãng taxi truyền thống.
Thực trạng tại Việt Nam
Ngày cuối tuần tháng 5, anh Mạnh Hùng - kỹ sư dầu khí đang làm việc tại Hà Nội, muốn đặt một chuyến taxi từ Hà Nam về Nam Định, nhưng anh không biết số tổng đài gọi xe tại địa phương. Anh Hùng tìm đến dịch vụ GrabTaxi được tích hợp trên ứng dụng Grab, 5 phút sau tài xế đã có mặt tại điểm đón.
Tại Việt Nam, Grab - một nền tảng gọi xe công nghệ tương tự Uber, đã bắt đầu triển khai thí điểm kết nối xe taxi trên ứng dụng từ tháng 1/2018. Bằng cách hợp tác với các doanh nghiệp taxi truyền thống và hợp tác xã kinh doanh taxi, người dùng có thể đặt taxi ngay trên ứng dụng Grab.
Khác với Uber, giá cước chuyến xe sẽ tính theo giá của hãng taxi đưa ra, giá hiển thị trên ứng dụng chỉ là ước tính của Grab để hành khách tham khảo, không phải giá cuối. Giá cuốc xe vẫn tính dựa trên đồng hồ tính cước của hãng đặt trên xe. Grab cho biết họ không can thiệp vào giá cước, cũng như cách vận hành, quản lý xe và tài xế của các đơn vị taxi.
“Việc tích hợp gọi xe taxi ngay trên ứng dụng Grab rất tiện lợi cho những người như tôi. Tôi thường sử dụng Grab để di chuyển tại Hà Nội. Do đó, về các địa phương nhưng vẫn được sử dụng nền tảng quen thuộc thì quả là một điểm cộng”, anh Hùng chia sẻ sau chuyến đi. Anh Hùng cho biết giá thực tế chuyến đi chỉ chênh vài chục nghìn so với giá tạm tính trên ứng dụng. “Với độ tiện lợi thì mức chênh lệnh này là không đáng kể”, Mạnh Hùng nói.
Tương tự Grab, đầu năm nay, thị trường taxi Việt Nam chứng kiến cái bắt tay giữa GSM (đơn vị vận hàng hãng taxi điện Xanh SM) cùng Be Group (nền tảng sở hữu ứng dụng gọi xe Be). Khách hàng sử dụng ứng dụng Be có thể đặt dịch vụ taxi điện của Xanh SM thông qua beVinFast, bên cạnh các dịch vụ gọi xe sẵn có như BeCar và BeTaxi.
Giải pháp cần thiết
Theo tờ Wired, việc hãng gọi xe bắt tay với các công ty taxi truyền thống là giải pháp để giải quyết vấn đề mà các nền tảng công nghệ này đang gặp phải: Nhu cầu đi xe vượt quá nguồn cung tài xế ở một số địa điểm và thời gian trong ngày.
Vì lượng xe ít, nhu cầu cao, nhiều người dùng các ứng dụng gọi xe đã phải chờ lâu hơn để đặt thành công một cuốc xe. Do đó, việc tích hợp taxi trong nền tảng gọi xe sẽ giúp hãng giải quyết vấn đề này.
Mặt khác, các tài xế cũng sẽ được hưởng lợi nhờ nguồn thu nhập tăng lên. Tuy nhiên, Lê Hiếu (một tài xế taxi ở Hà Nội đã được đổi tên) lại không đồng ý như vậy. Anh cho rằng: “Thật không thể tưởng tượng nổi một tài xế taxi lại chấp nhận bị cắt hoa hồng cho một bên thứ ba (ý chỉ các hãng gọi xe công nghệ) trong khi chúng tôi trước đó đang hoạt động rất tốt mà không có họ”.
Sau hơn 5 năm từng làm cả tài xế taxi và tham gia nền tảng gọi xe công nghệ, Hiếu cho biết nhóm khách hàng sử dụng ứng dụng gọi xe và taxi hoàn toàn khác nhau. “Gọi xe công nghệ là dịch vụ có chi phí thấp so với taxi. Khách hàng của nền tảng gọi xe công nghệ sẽ không đồng ý trả nhiều tiền hơn cho một chuyến taxi khi biết rằng họ có những chuyến đi rẻ hơn trên cùng một ứng dụng”, anh nói.
Hiếu kể tiền lương ngày trước làm tài xế taxi cao hơn khi đầu quân cho các hãng gọi xe.
Một vấn đề khác đó là về mặt quy định pháp luật khi tháng 4 năm ngoái, Bộ Giao thông vận tải đã đề xuất quy định taxi là loại hình kinh doanh vận tải khách sử dụng ô tô con. Taxi có thể tính tiền cước qua đồng hồ hoặc phần mềm kết nối với hành khách qua phương tiện điện tử.
Nếu xét theo quy định mới, ô tô kinh doanh vận tải hiện nay như Grab, Be, Gojek... sẽ được xếp vào loại hình taxi, chịu ràng buộc về niên hạn, tiêu chuẩn lái xe. Đồng thời, các nền tảng gọi xe công nghệ này (thường là công ty đa quốc gia) cũng sẽ phải đáp ứng các yêu cầu của pháp luật Việt Nam và bình đẳng trong cạnh tranh với các hãng taxi truyền thống.