Grab tăng chiết khấu lên đến gần 33%, hàng trăm tài xế tắt app vây quanh trụ sở phản đối
Sáng ngày 7/12, hàng trăm tài xế grab đã vây quanh trụ sở Grab (ngõ 78 phố Duy Tân, quận Cầu Giấy, Hà Nội), để phản đối về mức chiết khấu mới mà công ty này đã áp dụng đối với tài xế từ ngày 5/12.
Đa số tài xế cho biết, họ đã tắt ứng dụng, không nhận cuốc xe từ sáng sớm. Nhiều trong số đó mong muốn có buổi làm việc với đơn vị chủ quản về mức tăng này.
Theo đó vào ngày 5/12, Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế, Bắt đầu có hiệu lực. Theo quy định, chính sách thuế giá trị gia tăng (VAT) áp dụng cho các nền tảng đặt xe và toàn bộ các đối tác tài xế công nghệ sẽ thay đổi.
Đơn kiến nghị của các tài xe Grab
Với quy định này, Grab sẽ tiến hành kê khai thuế VAT trên toàn bộ doanh thu hợp tác, bằng cách khấu trừ ngay nghĩa vụ thuế VAT (thuế suất 10%) cho toàn bộ cuốc xe vận tải, trước khi phân chia doanh thu theo hợp đồng cho đối tác. Doanh nghiệp này cho biết, tỷ lệ phân chia không thay đổi (ở mức 75% hoặc 80%). Mức thuế Thu nhập cá nhân cũng được giữ nguyên là 1,5%.
Grab cho biết, sẽ áp dụng chính sách này từ 11 giờ sáng ngày 5/12. Kể từ thời điểm này, thuế VAT 10% và thuế TNCN 1,5% sẽ được khấu trừ chung với phí sử dụng ứng dụng, trên mỗi chuyến xe.
Như vậy, dù phí sử dụng ứng dụng không thay đổi, nhưng mức khấu trừ trên mỗi chuyến xe của tài xế sẽ tăng lên lần lượt là 28,364% và 32,841%, tùy từng đối tác.
Trả lời trên báo VietNamNet, anh Nguyễn Văn S (Hà Nội), một tài xế chạy GraBike cho biết: “Hiện nay Grab trừ 20% của mỗi cuốc xe. Sau đó lại trừ tiếp 10% số tiền chúng tôi được hưởng”. Theo lời anh này, nếu tài xế GrabBike chạy cuốc xe 100.000 đồng sẽ mất 20.000 đồng tiền phí cho công ty. Trong 80.000 đồng còn lại, bị trừ tiếp 10% VAT (là 8.000 đồng) nữa. “Mức thu này tương ứng với khoảng 30% và chúng tôi chỉ còn 70.000 đồng để mang về”.
Tài xế Grab vây kín trụ sở Grab tại số 78 Duy Tân
“Mỗi ngày, tài xế chúng tôi phải chạy liên tục từ 14 – 16 tiếng đồng hồ mới đạt được 400.000 đồng để đem về. Mà bị trừ 10% VAT nữa thì chỉ còn hơn 300 ngàn đồng. Nên chúng tôi muốn Grab tính lại mức VAT đó. Vì không ai bảo vệ chúng tôi cả nên đành phải tập trung ở đây để phản đối và có người đại diện vào nói chuyện với ban lãnh đạo công ty”, anh Nguyễn Văn S. nói.
Về phía Grab một vị đại diện truyền thông của đơn vị này cho hay: "Đơn vị đang cố gắng giải thích cho tài xế hiểu, đây là quy định của nhà nước chứ bên Grab không phải tự ý tăng như vậy. Tài xế tụ tập quá đông lại đang trong mùa dịch nên đơn vị không thể tập trung hết lại để nói chuyện được. Thật ra chúng tôi đã truyền thông về vấn đề này nhiều lần rồi".
Do lượng tài xế đổ về quá đông khiến giao thông đi lại gặp nhiều khó khăn, lực lượng chức năng đã ra nhắc nhở để đảm bảo an ninh, trật tự. Nhiều tài xế cho biết, họ sẽ di chuyển sang địa điểm khác, tiếp tục biểu tình phản đối cho đến khi có cuộc gặp, trao đổi với đại diện Grab.
Trước đó, trên các hội nhóm tài xế công nghệ, rất nhiều tài khoản cùng kêu gọi phản đối chính sách tăng chiết khấu của Grab. Nhiều tài xế tính đến phương án bán xe.
Ngoài tăng mức chiết khấu đối với tài xế, Grab đồng thời sẽ tăng giá các dịch vụ GrabCar kể từ trưa ngày 5/12. Theo đó, giá cước tối thiểu của GrabCar tại Hà Nội sẽ tăng thêm 2.000 đồng, từ 25.000 đồng lên 27.000 đồng cho 2km đầu và tăng từ thêm 1.000 đồng (từ 8.500 đồng lên 9.500 đồng cho mỗi km tiếp theo). Tương tự, GrabCar 7 chỗ tăng từ 30.000 đồng lên 32.000 đồng cho 2km đầu và từ 10.000 lên 11.000 đồng cho mỗi km tiếp theo.
Tại TP.HCM, giá cước tối thiểu của GrabCar cũng tăng thêm 2.000 đồng, từ 25.000 đồng lên 27.000 đồng cho 2km đầu và tăng từ thêm 500 đồng cho mỗi km tiếp theo.
Lý giải việc tăng giá, doanh nghiệp này cho biết, “mong muốn đảm bảo thu nhập cho đối tác GrabCar sau khi NĐ 126 đi vào hiệu lực”. Tương tự, các dịch vụ xe hai bánh của Grab gồm GrabBike, GrabBikePremium, GrabExpress và GrabFood cũng đã được điều chỉnh tăng từ đầu tháng 12.
Theo đó, mức giá cho 2km đầu vẫn giữ nguyên 12.000 đồng, nhưng giá tính trên mỗi km tiếp theo tăng từ 3.500 đồng lên 4.000 đồng ở các địa phương như Quảng Ninh, Vĩnh Phúc,Thanh Hóa, Bắc Ninh, Hà Nội. Mức tăng tại một số địa phương như TP.HCM, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Cần Thơ… từ 3.400 đồng lên cùng mức 4.000 đồng và từ 300đ/phút (sau 2km đầu) lên 350 đồng/phút sau 2km đầu.
Còn giá cước của dịch vụ GrabFood tăng thêm 3000 đồng,từ 12.000 đồng lên 15.000 đồng/3km đầu và giữ nguyên mức giá 5.000 đồng cho mỗi km tiếp theo. Mức giá trên chưa bao gồm phí sử dụng ứng dụng và phí đơn hàng nhỏ mà Grab quy định thu.
Hải An