GS.Đặng Hùng Võ: Phải kiên quyết cải cách thuế bất động sản

Nhật Di 16:17 | 17/11/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
GS.Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên Môi trường nhấn mạnh, phải kiên quyết cải cách thuế bất động sản để tạo công bằng và bình đẳng trong phát triển kinh tế - bất động sản.

 Ngày 16/11, hưởng ứng Ngày đô thị Việt Nam, Bộ Xây dựng phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương tổ chức Hội nghị Đô thị toàn quốc 2022 nhằm triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TW. Phát biểu tại hội thảo chuyên đề về “Cơ chế, chính sách quản lý phát triển đô thị”, GS. Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên Môi trường đã dẫn ra nhiều số liệu đáng chú ý.

GS. Đặng Hùng Võ cho biết, so với các nước thuộc Tổ chức Hợp tác kinh tế và phát triển OECD (Organization for Economic Cooperation and Development), thuế tài sản của nhóm các nước G7 đều đạt từ 1% tới 4% GDP, của các nhóm các nước thuộc khối xã hội chủ nghĩa cũ cũng đạt từ 0,2% tới 1%, trung bình toàn khối OECD đạt 1,856%.

Tại tất cả các nước, kể cả Việt Nam, thuế tài sản đều thu cho ngân sách địa phương. Tại các nước G7, thuế này đóng góp 90% ngân sách địa phương tại Anh (nước cao nhất) và 40% tại Đức (nước thấp nhất). Như vậy, theo GS. Đặng Hùng Võ, thuế tài sản tại Việt Nam chỉ bằng khoảng 7% của nhóm các nước phát triển trung bình thuộc Hiệp hội ASEAN, chỉ bằng khoảng 1,6% mức trung bình của nhóm các nước OECD và chỉ bằng khoảng 1% của các nước thuộc nhóm G7.

  GS. Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên Môi trường. Ảnh Nhật Di.

Cụ thể, GS. Đặng Hùng Võ đã chỉ ra 7 hệ lụy xấu có thể xảy ra nếu không có những cải cách thiết thực đối với hệ thống thuế  bất động sản trong tương lai.

Thứ nhất, mọi người dân sẽ đều muốn trữ tiền tiết kiệm vào bất động sản thay vì đầu tư sản xuất, kinh doanh.

Thứ hai, hiệu suất sử dụng đất rất thấp. Thực trạng các khu đô thị "ma" vắng bóng người ở, các dự án "treo" có đất rồi nhưng không triển khai dự án hoặc triển khai chậm trong thời gian qua là minh chứng rõ nét nhất.

Thứ ba, chất lượng cuộc sống đô thị sẽ suy giảm nhanh chóng. Lý do là bởi "làn sóng" di cư về các thành phố lớn ngày càng mạnh mẽ, trong khi tốc độ đầu tư hạ tầng không thể theo kịp tốc độ gia tăng dân số.

Thứ tư, không đủ kinh phí Nhà nước để phát triển hạ tầng đô thị, dịch vụ công cộng tại đô thị vì không có nguồn thu thường xuyên cho mục đích này.

Thứ năm, tình trạng đầu cơ đất đai tăng lên vừa làm giá bất động sản tăng cao, vừa làm nền kinh tế có năng lực cạnh tranh thấp, vừa gây khó khăn cho giải quyết nhà ở cho người thu nhập thấp.

Thứ sáu, thị trường bất động sản không ổn định, khi “sốt nóng” quá nhanh nhưng rơi vào trạng thái “đóng băng” cũng nhanh. Thực tế cho thấy thị trường bất động sản nước ta đóng băng trong giai đoạn 2003 - 2006, sốt giá mạnh trong giai đoạn 2007 - 2008, rồi lại rơi vào đóng băng trong giai đoạn 2009 - 2013, phục hồi và phát triển trong giai đoạn 2014 - 2018, giảm sâu cung từ 2018, sốt giá từ 2020 và lại đang đứng yên từ 2022 do gần như không có cung. Hiện nay, dự án treo rất nhiều, dự án nằm chờ phê duyệt cũng nhiều nhưng không thể phê duyệt.

Thứ bảy, chất lượng đô thị hóa thấp, không đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển đất nước, nhất là trong giai đoạn chúng ta cần phải đẩy mạnh chất lượng quá trình đô thị hóa, cần nhiều kinh phí hơn để thực hiện việc xây dựng đô thị theo triết lý “phát triển xanh” và “phát triển thông minh”.

Cải cách hệ thống thuế về bất động sản

GS. Đặng Hùng Võ phân tích, tại Việt Nam hiện nay, mới chỉ có thuế sử dụng đất nông nghiệp và thuế sử dụng đất phi nông nghiệp có tỷ suất thuế rất thấp chứ chưa đánh thuế vào tài sản gắn liền với đất.

Lật lại quá khứ, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã sớm xác định phải đổi mới sắc thuế về sử dụng đất và tài sản gắn liền theo hướng đánh thuế cao vào những trường hợp đầu cơ, tích trữ bất động sản, để hoang hóa, không đưa vào sử dụng. Những điều này đều được thể hiện trong Nghị quyết 19-NQ/TW năm 2012 và Nghị quyết 18-NQ/TW năm 2022.

Bên cạnh đó, kể từ 2008 đến nay, Bộ Tài chính có ít nhất 5 lần lấy ý kiến về các phương hướng xây dựng Luật Thuế tài sản liên quan đến lĩnh vực bất động sản. Vậy nhưng những hành động này vẫn chưa thực sự đem lại kết quả khả quan. “Lần lấy ý kiến nào cũng chỉ gây ồn ã trên công luận, rồi sau đó lại rơi vào im lặng”, ông Võ cho biết thêm.

Tuy nhiên, theo chuyên gia này, sự ì ạch trong công tác cải cách về thuế bất động sản là có thể cảm thông. Lý do là bởi đặc thù phát triển của nước ta có một khác biệt to lớn so với các nước khác, đó là vấn đề thu nhập của người lao động còn chưa cao. GS. Đặng Hùng Võ nhấn mạnh, đây chính là một trong những rào cản lớn đối với sự phát triển kinh tế nói chung và lĩnh vực bất động sản nói riêng.

“Thu nhập của người lao động tại Việt Nam hiện nay đa phần còn quá thấp, đồng lương kiếm được gần như không có đủ phần để dành dụm ra mua chỗ ở. Chính vì vậy, mọi cải cách về thuế bất động sản đều là những vấn đề rất nhạy cảm nếu đứng từ phía nhân dân, nếu như đề án luật thuế này không làm rõ việc không tăng thuế đối với đối tượng nào và tăng thuế đối với đối tượng nào”, ông Võ đưa ra nhận định.

Nhạy cảm như vậy nhưng nếu nhìn trên phương diện toàn cảnh thì ông Võ cho rằng, việc cải cách thuế bất động sản chính là việc ưu tiên thực hiện. “Phải làm một cách kiên quyết để tạo công bằng và bình đẳng trong phát triển kinh tế bất động sản. Chỉ có như vậy, đất nước mới có đủ “tầm” kinh phí để phát triển đô thị theo hướng bền vững”, GS. Đặng Hùng Võ khẳng định.

 Quang cảnh hội thảo chuyên đề: “Cơ chế, chính sách quản lý phát triển đô thị”. Ảnh Nhật Di. 

Trên thực tế, từ văn bản Luật Thuế bất động sản tới bước triển khai thực hiện còn một khoảng cách khá xa. Tại phiên hội thảo, ông Đặng Hùng Võ đã nêu ra một số hướng đi có thể giúp thực hiện được sắc thuế bất động sản.

Theo đó, cần phải có một hệ thống hành chính bất động sản và hành chính thuế phù hợp, bảo đảm minh bạch, được cập nhật và được kết nối với nhau. Bên cạnh đó, Bộ luật Dân sự hoặc Luật Phòng chống tham nhũng cũng cần có quy định chi tiết về trách nhiệm giải trình nguồn gốc đồng tiền mua các bất động sản đang sử dụng.

Mạnh dạn thu kinh phí từ vốn hóa đất đai

Trong phần kết luận, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, đô thị hóa là một nhiệm vụ có tầm quan trọng đặc biệt trong giai đoạn hiện nay. Để phát triển thành một quốc gia công nghiệp có thu nhập cao như Đại hội Đảng XIII đã xác định, chúng ta cần có những giải pháp phù hợp để có những đô thị hiện hữu được nâng cấp và phát triển nhiều đô thị mới. Các đô thị phải đảm bảo chất lượng, có mật độ kinh tế cao và cuộc sống cư dân tốt, hướng theo định hướng đô thị xanh và đô thị thông minh.

Muốn phát triển đô thị hiệu quả, chúng ta cần có kinh phí vượt trội để thực hiện. Kinh phí lấy từ vốn hóa đất đai là đúng quy luật kinh tế, phù hợp với kinh nghiệm của các nước đã hoàn thành công nghiệp hóa. Chúng ta cần chuyển nguồn thu chính dựa vào giá trị đất đai từ cơ chế Nhà nước thu hồi đất sang thu từ thuế bất động sản và thu từ giá trị tăng thêm của đất do phát triển đô thị mang lại.

 Cơ chế chuyển dịch đất đai cần chuyển hẳn sang cơ chế góp/tái điều chỉnh đất đối với mọi dự án đầu tư sinh lợi và tất cả các dự án chỉnh trang và phát triển đô thị. Diện nhà nước thu hồi đất chỉ nên áp dụng đối với các dự án vì lợi ích quốc gia, công cộng mà không có khả năng sinh lợi, nhưng phải giải quyết bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thỏa đáng đối với mọi thiệt hại do thu hồi đất gây ra.  

Không chỉ trông chờ vào nguồn ngân sách

Trao đổi về vấn đề nguồn lực dành cho phát triển đô thị, TS. Nguyễn Quang - nguyên Giám đốc Chương trình Định cư Con người Liên Hợp Quốc cho rằng, các đô thị cần khai thác là các nguồn lực “nội sinh”, là những tài nguyên nằm trong tầm tay của các thành phố, là tài sản đất đai, năng lực sản xuất và chuyên môn tài chính.

Chính quyền địa phương phải tìm cách liên kết việc tạo thu ngân sách với các hoạt động và tăng trưởng đô thị để tài chính địa phương được bền vững trong dài hạn. Theo đó, các thành phố có thể tăng ngân quỹ, bao gồm các loại thuế về du lịch, thuế bất động sản, thuế đánh vào doanh nghiệp và các khoản phí liên quan đến việc cung cấp các dịch vụ cụ thể.

Theo ông Quang, kinh nghiệm ở một số quốc gia phát triển châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc cho thấy có thể tạo nguồn lực phát triển đất đai, nhà ở, đô thị theo nguyên tắc thị trường. Tức là nhà nước đầu tư phát triển hạ tầng, trên cơ sở kinh doanh, thu hồi giá trị gia tăng của đất đai nơi có đường giao thông đi qua, nhằm mục tiêu tái đầu tư vào hạ tầng và tiện ích xã hội.

 Nguyên Giám đốc Chương trình Định cư Con người Liên Hợp Quốc cho rằng, vấn đề tài chính trong phát triển đô thị không thể chỉ trông chờ vào khu vực công. Khu vực tư nhân cũng cần đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo ra sự phát triển đô thị bền vững về mặt xã hội, kinh tế và môi trường.