Hà Nội sẽ cương quyết thu hồi các dự án chậm triển khai
Chiều 16/11, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cùng các đại biểu Quốc hội thuộc Đơn vị bầu cử số 10 (Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội) đã tiếp xúc cử tri huyện Mê Linh và huyện Sóc Sơn sau kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV.
Tại buổi tiếp xúc, các cử tri bày tỏ nhất trí và đánh giá cao chất lượng, nội dung kỳ họp thứ 4 của Quốc hội và kết quả trả lời của Đoàn đại biểu Quốc hội trước kỳ họp.
Cử tri huyện Mê linh và huyện Sóc sơn đã nêu các ý kiến liên quan đến nhiều vấn đề dân sinh như: Việc xem xét các dự án và công tác kiểm tra, rà soát, xử lý dứt điểm các dự án chậm triển khai trên địa bàn; vấn đề về qũy đất tái định cư liên quan đến công tác giải phóng, chính sách hỗ trợ, đền bù hỗ trợ giải phóng mặt bằng đường vành đai 4; giải pháp tháo gỡ vướng mắc về giao đất dịch vụ ở Mê Linh; giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục; tình trạng một số giáo viên và y, bác sỹ chuyển công tác từ công lập sang dân lập; chế độ tiền lương và quản lý giá cả, hạ tầng các khu công nghiệp...
Trả lời ý kiến cử tri về việc các dự án chậm triển khai, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, vấn đề này không chỉ Thành uỷ, HĐND TP Hà Nội quan tâm mà vừa qua, đoàn giám sát của Quốc hội cũng đã chỉ ra Hà Nội chiếm khối lượng dự án đáng kể.
Ông Trần Sỹ Thanh cho hay UBND TP đã họp, cho ý kiến vào các vấn đề liên quan vấn đề này, tinh thần chung, UBND TP làm quyết liệt, có bài bản, trách nhiệm, trong đó sẽ phân loại dự án đã giao đất giao đầu mối cho Sở Tài nguyên Môi trường; dự án chưa giao đất giao đất mà chỉ mới có chủ trương đầu tư sẽ giao cho sở KH&ĐT.
Ông Thanh nhấn mạnh, sẽ cương quyết, quyết tâm thu hồi các dự án chậm triển khai do chủ đầu tư không mặn mà thực hiện. Còn nếu dự án chậm vì những lý do khách quan, các đơn vị, sở, ban ngành cần hỗ trợ để dự án quay trở lại, hoàn thành, đưa vào hoạt động sản xuất.
Người đứng đầu UBND TP Hà Nội cũng cho biết thêm, sau 8 tháng, Hà Nội đã thu hồi 25 dự án với khoảng 500 ha.
Về vấn đề đất dịch vụ, nguyên nhân khiến tình trạng này xảy ra là do sự không đồng bộ trong chính sách giữa Hà Nội cũ và các khu vực ở các tỉnh lân cận khi sáp nhập. Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu lãnh đạo các sở, ngành, huyện Mê Linh cần quyết tâm làm, gỡ vướng khúc mắc về các quy định để trả lại quyền lợi chính đáng cho bà con.
Chủ tịch Trần Sỹ Thanh cũng khẳng định các ý kiến của cử tri sẽ được các đại biểu, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội tiếp thu đầy đủ để tổng hợp, chuyển tải tới Quốc hội, kiến nghị các cơ quan chức năng giải quyết.
Hà Nội xem xét phê duyệt chủ trương đầu tư một loạt dự án nhóm A
Sáng 16/11, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh chủ trì phiên họp của tập thể UBND thành phố thường kỳ tháng 11/2022 (lần thứ 4) để xem xét một số nội dung theo chương trình công tác và trình HĐND thành phố tại kỳ họp thứ mười, sắp diễn ra.
- TIN LIÊN QUAN
-
Hà Nội: Đầu năm 2023 sẽ kiểm tra vi phạm hành chính lĩnh vực đất đai tại 11 quận, huyện 16/11/2022 - 07:45
Tại phiên họp, tập thể UBND thành phố đã xem xét nội dung phê duyệt chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án đầu tư công trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 cấp thành phố, bao gồm các dự án đầu tư xây dựng nhóm A: Tuyến đường Mỹ Đình - Ba Sao - Bái Đính (đoạn nối từ đường trục phía Nam đến đường Hương Sơn - Tam Chúc), huyện Mỹ Đức, huyện Ứng Hòa; đường Vành đai 2,5 đoạn từ đường Nguyễn Trãi (quốc lộ 6) đến Đầm Hồng; đường Tây Thăng Long đoạn từ đường Phạm Văn Đồng đến đường Văn Tiến Dũng; cầu Vân Phúc qua sông Hồng và tuyến đường kết nối ra quốc lộ 32 đoạn huyện Phúc Thọ.
Tập thể UBND thành phố cũng cho ý kiến về báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 04/NQ-HĐND ngày 8/4/2022 của HĐND thành phố và Kế hoạch số 160/KH-UBND ngày 8/6/2022 của UBND thành phố Hà Nội về biện pháp đẩy nhanh tiến độ đầu tư, tập trung xử lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn thành phố Hà Nội; ban hành các định mức kinh tế kỹ thuật công tác bảo trì cơ sở hạ tầng xe buýt trên địa bàn thành phố.